Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nghiệp văn hóa - Lối đi riêng đầy bản sắc Việt Nam thời hội nhập

Công nghiệp văn hóa chính là hành trình để Việt Nam vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa sải bước vững vàng trên bản đồ hội nhập quốc tế.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế15/07/2025

Từ bản sắc đến sáng tạo: Con đường hội nhập mềm của Việt Nam

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm, công nghiệp văn hóa, nếu được đầu tư đúng mức chính là hành trình đưa Việt Nam phát triển. (Nguồn: Quốc hội)

Việt Nam nắm trong tay một kho báu sức mạnh mềm quý giá, đó là văn hóa. Nhưng chỉ khi văn hóa được thắp sáng bằng tư duy sáng tạo và tổ chức sản xuất theo logic công nghiệp, mới có thể biến di sản thành động lực phát triển, biến bản sắc thành sức hút toàn cầu.

“Ngôn ngữ mềm” của hội nhập toàn cầu

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi những ranh giới về kinh tế, công nghệ đang dần bị xóa nhòa, thì văn hóa lại trở thành “biên giới cuối cùng” để các quốc gia khẳng định bản sắc, xây dựng hình ảnh và tạo sức hấp dẫn riêng. Giữa dòng chảy hội nhập mạnh mẽ ấy, công nghiệp văn hóa nổi lên như một “ngôn ngữ mềm” vừa giúp lan tỏa những giá trị truyền thống, vừa tạo nên những sản phẩm hiện đại, có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Công nghiệp văn hóa đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Khi nhắc đến công nghiệp văn hóa như một công cụ hội nhập, không thể không nhắc đến những bài học truyền cảm hứng từ các quốc gia châu Á. Hàn Quốc, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, đã vươn mình thành “cường quốc văn hóa” nhờ chiến lược Hallyu (làn sóng Hàn). Những bộ phim như “Hậu duệ mặt trời”, “Ký sinh trùng” hay các nhóm nhạc như BTS, BlackPink không chỉ mang về hàng tỷ USD mà còn khiến ẩm thực, ngôn ngữ, mỹ phẩm và lối sống Hàn trở nên phổ biến ở khắp các châu lục. Đó không đơn thuần là thành công của ngành giải trí, mà là kết quả của một chiến lược quốc gia về công nghiệp văn hóa – nơi bản sắc truyền thống được thổi hồn vào những sản phẩm đương đại.

Tương tự, Nhật Bản đã xuất khẩu văn hóa qua anime, manga và nghệ thuật thủ công khiến hình ảnh quốc gia gắn với tinh thần kỷ luật, sự tinh tế và chiều sâu triết lý Á Đông. Từ những sản phẩm như “Doraemon”, “Spirited Away”, đến kiến trúc tối giản và trà đạo, Nhật Bản đã làm cho cả thế giới yêu văn hóa của mình trước khi họ yêu các sản phẩm công nghệ “Made in Japan”.

Quay trở lại Việt Nam, những tín hiệu đầu tiên của làn sóng “Việt hóa toàn cầu” đã xuất hiện. Bộ phim “Bố già” của Trấn Thành không chỉ tạo "cú hích" phòng vé trong nước mà còn lọt top phim có doanh thu cao nhất trên Netflix tại một số quốc gia châu Á. Nhạc sĩ Khắc Hưng đưa âm hưởng dân gian vào bản phối hiện đại, để ca khúc như “Thức giấc” hay “Nàng thơ” không chỉ vang lên trên nền tảng YouTube mà còn được giới trẻ quốc tế cover bằng nhiều ngôn ngữ.

Thậm chí, một bộ môn nghệ thuật tưởng chừng kén người xem như múa rối nước cũng đã trở thành tâm điểm tại các lễ hội nghệ thuật quốc tế như Edinburgh Festival Fringe, nơi người nước ngoài xếp hàng để được xem những con rối bằng gỗ kể chuyện về làng quê Việt Nam.

Có thể thấy, khi văn hóa được sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sáng tạo, sản xuất, phân phối đến tiêu dùng thì bản thân mỗi tác phẩm nghệ thuật, mỗi món ăn, thiết kế thời trang hay điệu múa dân gian đều trở thành một “sứ giả mềm” mang hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ kể chuyện quá khứ, mà phải làm cho những câu chuyện đó trở nên hấp dẫn trong hiện tại và sống động trong tương lai. Chúng ta không giữ bản sắc bằng cách đóng khung truyền thống, mà mở ra cánh cửa để văn hóa truyền thống hòa quyện vào thế giới đương đại, bằng những hình thức mới mẻ và đầy sức sống.

Hội nhập bằng công nghiệp văn hóa không có nghĩa là đánh mất mình giữa đại dương toàn cầu hóa. Trái lại, đó là hành trình làm cho bản sắc Việt tỏa sáng, vươn ra thế giới, trở thành một phần không thể thiếu của bản đồ văn hóa toàn cầu. Như thế, mỗi sản phẩm văn hóa từ chiếc áo dài được trình diễn tại Paris, đến hương vị nước mắm xuất hiện trong các chương trình ẩm thực châu Âu đều đang lặng lẽ kể một câu chuyện lớn về một dân tộc có chiều sâu lịch sử, có sức sáng tạo và đầy khát vọng hội nhập.

Từ bản sắc đến sáng tạo: Con đường hội nhập mềm của Việt Nam

Để công nghiệp văn hóa thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm, cần một cuộc đầu tư mang tính chiến lược quốc gia. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hà Phương)

Giữ hồn dân tộc trong từng sản phẩm văn hóa

Hội nhập toàn cầu không đồng nghĩa với việc đánh mất chính mình. Trái lại, trong một thế giới nơi văn hóa tràn ngập trên từng nền tảng số, từng dòng tin tức, từng chiếc điện thoại thông minh, thì cái riêng, cái độc đáo chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Bởi vậy, giữ được bản sắc dân tộc trong khi phát triển công nghiệp văn hóa không phải là sự lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên bản đồ sáng tạo thế giới.

Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam phải bắt đầu từ cái gốc văn hóa bản địa. Không thiếu tài nguyên văn hóa: Từ 54 dân tộc với kho tàng nghệ thuật truyền khẩu, lễ hội dân gian, đến các di sản được UNESCO ghi danh như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, gần đây là Nghệ thuật xòe Thái... Điều quan trọng là chúng ta cần chuyển hóa những di sản ấy thành sản phẩm sáng tạo, ứng dụng được trong đời sống hiện đại và chạm tới tâm hồn con người khắp nơi.

Nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đang đi theo con đường ấy. Thương hiệu thời trang Kilomet109 của nhà thiết kế Thảo Vũ đã đưa chất liệu vải lanh nhuộm chàm của dân tộc Nùng, H’Mông lên các sàn diễn thời trang quốc tế bằng thiết kế tối giản, hiện đại, vừa lạ vừa gần. Hay như nhà thiết kế Vũ Thảo Giang kết hợp chất liệu sơn mài truyền thống với kỹ thuật thủ công để tạo ra phụ kiện thời trang độc bản, gây ấn tượng mạnh tại các hội chợ thiết kế Milan. Những sáng tạo này không chỉ giữ gìn bản sắc, mà còn thổi luồng sinh khí mới vào truyền thống, để văn hóa không chỉ là hoài niệm mà là nhịp sống của hôm nay.

Về phía Nhà nước, chính sách đóng vai trò then chốt. Chúng ta cần những chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp sáng tạo. Không thể kỳ vọng các cá nhân đơn lẻ làm nên một ngành công nghiệp. Muốn có “làng văn hóa sáng tạo Việt Nam”, ta cần một hệ sinh thái – nơi có không gian sáng tạo mở, các vườn ươm ý tưởng, quỹ đầu tư cho startup văn hóa, mạng lưới kết nối với các trung tâm sáng tạo khu vực như Seoul, Bangkok, Tokyo hay Berlin.

Hàn Quốc đã làm được điều đó bằng việc xây dựng trung tâm văn hóa K-Content Valley ở Pangyo – nơi hội tụ các công ty game, điện ảnh, âm nhạc, kết nối với các trường đại học nghệ thuật và viện nghiên cứu. Singapore đầu tư mạnh vào khu nghệ thuật Gillman Barracks và Creative Industry Development Strategy, nơi hội tụ các nghệ sĩ, nhà sản xuất và nhà đầu tư. Từ mô hình đó, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các cụm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế hay Cần Thơ dựa trên lợi thế sẵn có về lịch sử, con người và sự đa dạng văn hóa vùng miền.

Tuy nhiên, hội nhập toàn cầu đòi hỏi chúng ta không chỉ giữ gìn cái riêng, mà còn kể được câu chuyện bản sắc bằng ngôn ngữ quốc tế. Đó là lý do vì sao cần đầu tư cho dịch thuật, kỹ năng kể chuyện, thiết kế sản phẩm và nền tảng công nghệ. Một bộ phim về Tết truyền thống nếu không có phụ đề chất lượng, ngôn ngữ hình ảnh tốt và nhịp kể hấp dẫn, thì khó lòng chạm tới trái tim khán giả quốc tế. Một sản phẩm thủ công tinh xảo nếu thiếu câu chuyện văn hóa đi kèm cũng chỉ dừng lại ở giá trị vật chất mà không kết nối được tinh thần.

Việt Nam cần những người làm văn hóa mang tâm thế của “người kể chuyện” cho dân tộc mình. Họ không chỉ là nghệ sĩ, mà còn là nhà sáng tạo chiến lược, những người biết đặt hồn dân tộc vào sản phẩm, biết gửi gắm thông điệp Việt vào từng câu chữ, giai điệu, thiết kế.

Giữ bản sắc không có nghĩa là khư khư giữ lại hình thức cũ, mà là giữ lấy giá trị, tinh thần, bản lĩnh và cảm xúc Việt Nam, rồi thổi vào đó sức sống của thời đại. Như thế, chúng ta mới thực sự hội nhập không phải bằng cách chạy theo thế giới, mà bằng cách mang chính mình đến với thế giới.

Từ bản sắc đến sáng tạo: Con đường hội nhập mềm của Việt Nam

Theo ông Bùi Hoài Sơn, muốn văn hóa trở thành động lực phát triển, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc bảo tồn. (Ảnh NVCC)

Đưa công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển đất nước

Muốn văn hóa trở thành động lực phát triển, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, trưng bày hay trình diễn, mà cần biến văn hóa thành tài sản kinh tế, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng, việc làm, sinh kế và bản sắc thương hiệu quốc gia. Công nghiệp văn hóa chính là con đường để hiện thực hóa điều đó, nơi mỗi giá trị văn hóa khi được tổ chức sản xuất hợp lý sẽ không chỉ sống trong ký ức, mà sống trong đời sống kinh tế, xã hội, gắn với tương lai dân tộc.

Thế giới đã chứng minh: Những quốc gia biết dựa vào sức mạnh mềm để phát triển sẽ có một nền kinh tế bền vững, linh hoạt và giàu sáng tạo hơn. Năm 2021, theo báo cáo của UNESCO, công nghiệp văn hóa và sáng tạo đóng góp hơn 3% GDP toàn cầu, tạo ra 30 triệu việc làm và chiếm 6,2% tổng xuất khẩu thế giới. Hàn Quốc thu về hơn 12 tỷ USD chỉ từ nội dung văn hóa. Vương quốc Anh ghi nhận hơn 2 triệu người làm việc trong lĩnh vực này, từ nhà làm phim, thiết kế game, truyền thông, đến nghệ nhân thủ công.

Tại Việt Nam, những tiềm năng ban đầu đã xuất hiện rõ rệt. Chỉ tính riêng ngành phim ảnh, doanh thu phòng vé năm 2023 đạt gần 4.000 tỷ đồng, phần lớn từ các phim Việt như “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: tấm vé định mệnh”, “Con nhót mót chồng”... với hàng chục triệu lượt khán giả nội địa.

Ngành thời trang Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, với hàng loạt thương hiệu trẻ mang cảm hứng bản địa bước ra sàn diễn quốc tế. Những festival văn hóa từ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ hội Huế, đến Tuần lễ văn hóa dân tộc Khmer ở Trà Vinh không chỉ mang ý nghĩa di sản mà còn là sự kiện kích cầu du lịch, tiêu dùng và xây dựng bản sắc địa phương.

Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm, cần một cuộc đầu tư mang tính chiến lược quốc gia. Trước hết là về thể chế. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, phát triển doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW (2023) nêu rõ yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh nhưng để Nghị quyết đi vào đời sống, cần các chương trình hành động cụ thể, có mục tiêu đo lường, chỉ tiêu kinh tế và nguồn lực đầu tư.

Tiếp theo là nguồn nhân lực. Không thể có công nghiệp văn hóa mạnh nếu thiếu những nhà sáng tạo có tư duy kinh tế và nghệ thuật song hành. Các trường đại học cần đổi mới đào tạo các ngành văn hóa – nghệ thuật – truyền thông – thiết kế – quản lý sáng tạo, tích hợp kiến thức thị trường, marketing và công nghệ vào chương trình giảng dạy. Phải hình thành một thế hệ “doanh nhân văn hóa”, những người biết khởi nghiệp từ văn hóa, và làm giàu bằng trí tuệ Việt.

Ngoài ra, cần phát triển hệ sinh thái sáng tạo địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố có thể chọn một thế mạnh riêng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa phù hợp: Huế với di sản cung đình và mỹ thuật, Hội An với thủ công và kiến trúc, Tây Nguyên với lễ hội dân gian, TP. Hồ Chí Minh với âm nhạc và điện ảnh hiện đại, Hà Nội với văn học, sân khấu và không gian sáng tạo. Đó chính là cách để công nghiệp văn hóa gắn liền với phát triển bền vững vùng miền, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình sáng tạo.

Cuối cùng, phải đặt công nghiệp văn hóa vào chiến lược phát triển quốc gia một cách nghiêm túc. Văn hóa không thể là “phụ kiện mềm” đứng bên lề các trục phát triển truyền thống. Văn hóa cần được nhìn nhận như một nguồn lực cứng, có khả năng tạo đột phá. Hãy thử tưởng tượng: Một Việt Nam nơi nông thôn phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; thành thị trở thành trung tâm thiết kế, sáng tạo sản phẩm thủ công chất lượng cao; nơi các sản phẩm từ nước mắm, áo dài, tuồng cổ đến trò chơi điện tử, điện ảnh và thời trang đều được xuất khẩu có bản quyền. Đó không phải là viễn tưởng mà là hướng đi tất yếu nếu chúng ta biết nuôi dưỡng tầm nhìn và hành động kiên trì.

Bởi lẽ, trong một thế giới không ngừng chuyển động, điều làm nên sự khác biệt của một quốc gia không chỉ là tài nguyên, công nghệ hay vốn đầu tư mà là hồn cốt văn hóa. Việt Nam có một kho tàng vô giá về văn hóa, nhưng chỉ khi kho báu đó được mở ra bằng chiếc chìa khóa của công nghiệp sáng tạo, chúng ta mới thực sự làm giàu từ chính mình. Công nghiệp văn hóa, nếu được đầu tư đúng mức chính là hành trình đưa Việt Nam phát triển không chỉ bằng tốc độ mà bằng chiều sâu bản sắc.

Từ bản sắc đến sáng tạo: Con đường hội nhập mềm của Việt Nam

Diễu hành “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội năm 2024”. (Ảnh: Hải Linh)

Tỏa sáng từ bản sắc, vươn mình bằng sáng tạo

Trong một thế giới đầy cạnh tranh và biến động, nơi các quốc gia không chỉ chạy đua về công nghệ, tài chính mà còn về sự lan tỏa văn hóa, Việt Nam cần xác lập cho mình một vị thế mới: Một quốc gia sáng tạo, bản sắc, và có khả năng chạm tới trái tim toàn cầu bằng chính hồn cốt văn hóa của mình.

Công nghiệp văn hóa không chỉ là lĩnh vực kinh tế mới mẻ, mà là một chiến lược phát triển toàn diện, nơi kết tinh của nghệ thuật, công nghệ, thị trường và bản sắc dân tộc. Đó là con đường để giữ gìn cội nguồn trong hiện tại, mở rộng tầm nhìn ra thế giới và nuôi dưỡng nội lực phát triển dài hạn cho đất nước. Không còn là khái niệm xa lạ, công nghiệp văn hóa đang hiện diện trong từng nhịp sống đô thị, từng vùng quê sáng tạo, trong câu chuyện của mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà khởi nghiệp, mỗi sản phẩm đậm đà bản sắc nhưng mang dáng vóc hiện đại.

Nhưng để công nghiệp văn hóa thực sự trở thành trụ cột phát triển mới của Việt Nam, chúng ta cần vượt qua lối tư duy cũ, cần một tầm nhìn thể chế dài hạn, đầu tư bài bản cho nguồn lực con người và môi trường sáng tạo. Đó là cuộc cách mạng không chỉ về công cụ, mà về tư duy phát triển – tư duy đặt văn hóa vào trung tâm của chiến lược quốc gia.

Khi một quốc gia biết kể câu chuyện của mình một cách hay nhất, đẹp nhất và chân thực nhất, quốc gia ấy sẽ được lắng nghe, được mến mộ, được tôn trọng. Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành đất nước như thế: Có chiều sâu di sản, khát vọng hội nhập và thế hệ trẻ đầy năng lượng sáng tạo. Điều còn lại là chúng ta có dám trao cho văn hóa một vai trò xứng đáng trong công cuộc phát triển đất nước hay không? Nếu có, thì công nghiệp văn hóa chính là cánh cửa để Việt Nam bước vào tương lai – nơi bản sắc dân tộc là điểm tựa và sáng tạo là đôi cánh đưa đất nước bay xa.

Nguồn: https://baoquocte.vn/cong-nghiep-van-hoa-loi-di-rieng-day-ban-sac-viet-nam-thoi-hoi-nhap-320971.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm