Khu vực chế tạo cơ khí của PTSC Thanh Hóa (KKTNS) rộng 22ha, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, tự động hóa, kỳ vọng phát triển thành trung tâm cơ khí chế tạo trên lĩnh vực công nghiệp - năng lượng.
Bước chuyển mình của nền nông nghiệp hiện đại
Nhiệm kỳ 2020-2025 dần khép lại, nông nghiệp - nông thôn Thanh Hóa ghi dấu với những bước “chuyển mình” mạnh mẽ. “Niềm vui” không chỉ đến từ con số định lượng - 8/10 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch - mà còn ở sự đổi thay thực chất: Những cánh đồng manh mún đang vươn tới những “nấc thang” công nghệ cao, xanh bền vững và chinh phục thị trường quốc tế.
Tháng 11/2024, lô gạo “made in Thanh Hóa” đầu tiên đã xuất khẩu chính ngạch sang Singapore. Đây là giống Japonica J02 của Nhật Bản, được Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) trồng trên 500ha đồng đất xứ Thanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Phó Giám đốc phụ trách thương mại xuất nhập khẩu
Lasuco, ông Trần Xuân Trung cho biết: Hạt gạo Japonica J02 dẻo thơm, vị đậm, giàu dinh dưỡng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường cao cấp. Sau Singapore, Lasuco tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Nhật Bản - nơi đặt ra những yêu cầu về nhập khẩu nghiêm ngặt hàng đầu thế giới.
Không chỉ Lasuco, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư phát triển VINAGREEN, Green Carbon, Faegre Nhật Bản... đang mở rộng hợp tác đưa hạt gạo xứ Thanh vươn tới Đức, Trung Quốc, Indonesia. Đặc biệt, việc triển khai các cánh đồng lúa giảm phát thải khí nhà kính cũng đang mở ra hướng đi mới, giúp nông dân không chỉ nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí mà còn có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon - thị trường toàn cầu trị giá hàng tỷ USD.
Công nhân Công ty TNHH DS HI-TECH VINA (KCN Bỉm Sơn) trong ca sản xuất.
Ở quy mô cộng đồng, phong trào tích tụ, tập trung đất đai lan rộng, hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng trăm ha, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và liên kết “4 nhà”. Toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung thêm 33.800ha đất - vượt mục tiêu đại hội. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp khởi sắc với nhiều chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả ấn tượng, đưa Thanh Hóa vào top 3 cả nước.
“Đầu tàu” công nghiệp liên tục chuyển động
Nếu nông nghiệp là “nền tảng”, thì Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các khu công nghiệp (KCN) chính là “động cơ tăng trưởng” giúp Thanh Hóa bứt phá. Chỉ trong 5 năm, KKTNS và các KCN đã thu hút 179 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký hơn 104.878 tỷ đồng và 613 triệu USD. Thu ngân sách từ khu vực này ước đạt 123.501 tỷ đồng, chiếm hơn 52,8% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Bức tranh tăng trưởng này được dựng xây bởi sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp truyền thống và làn sóng những nhà đầu tư mới. Những tên tuổi “gạo cội” tiếp tục chinh phục giá trị mới, trong khi các doanh nghiệp FDI trẻ trung dần gia nhập, đóng góp nhiều sản phẩm mới vào “ngôi nhà chung” sôi động.
Tại Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hóa, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp đã điều phối an toàn 665 chuyến tàu tại Harbor, bảo đảm cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - “mắt xích” quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. PTSC Thanh Hóa còn duy trì hoạt động căn cứ cảng đạt năng suất cao, thực hiện hàng loạt gói thầu logistics cho các “ông lớn” tại Nghi Sơn như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn Nortalic...
Đặc biệt, sau hơn một năm nỗ lực vượt qua thách thức công nghệ và quy chuẩn kỹ thuật quốc tế khắt khe, PTSC Thanh Hóa đã hoàn thành chế tạo 30 trụ chân đế điện gió ngoài khơi - dự án đầu tiên tại Việt Nam. Cuối tháng 8/2024, những trụ chân đế cuối cùng đã được vận chuyển từ Cảng PTSC Thanh Hóa tới Vũng Tàu (nay là TP Hồ Chí Minh) để lắp đặt. Thành công này không chỉ khẳng định năng lực chế tạo cơ khí hiện đại mà còn đánh dấu bước tiến của Thanh Hóa trên hành trình trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp - năng lượng quốc gia, sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh các “đầu tàu” truyền thống, nhiều doanh nghiệp FDI mới cũng góp phần làm nên diện mạo công nghiệp hiện đại. Điển hình như Công ty TNHH DS HI-TECH VINA hoạt động trên lĩnh vực sản xuất gia công, lắp ráp bộ dây điện cho xe ô tô. Đi vào hoạt động từ tháng 9/2020 tại KCN Bỉm Sơn, doanh nghiệp đã đạt doanh thu 30 triệu USD, nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng chỉ sau gần 5 năm. Ông Lee Jae Taeg, giám đốc công ty bày tỏ: “Với môi trường đầu tư thân thiện, hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI, chúng tôi dự định sẽ mở rộng quy mô nhà máy tại KCN Bỉm Sơn. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành vào giữa năm 2026. Cơ sở mới không chỉ giúp chúng tôi mở rộng dây chuyền sản xuất các sản phẩm hiện có mà còn bổ sung thêm nhiều phụ tùng ô tô khác, phục vụ thị trường xuất khẩu”.
Sự ổn định của sản phẩm công nghiệp truyền thống kết hợp với sự ra mắt của nhiều sản phẩm chế biến chế tạo mới đã đưa ngành công nghiệp - xây dựng Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành ước đạt 14,15%/năm, vượt mục tiêu đại hội. Riêng sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 17,05%/năm, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.
“Đòn bẩy” phát triển toàn diện
Ngoài hai chương trình then chốt về nông nghiệp và KKTNS, các chương trình trọng điểm khác của Thanh Hóa trong nhiệm kỳ 2020-2025 cũng ghi dấu ấn đậm nét, tạo nên những “đòn bẩy” phát triển toàn diện.
Cánh đồng áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải nhà kính do TNHH Green Carbon và Faegre Nhật Bản phối hợp triển khai trên vùng lúa xứ Thanh.
Tiêu biểu là chương trình phát triển du lịch đã mang lại những chuyển biến tích cực về chất lượng và loại hình dịch vụ. Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hình thành các sản phẩm cao cấp và du lịch sinh thái cộng đồng với sức hút riêng. Hàng loạt dự án trọng điểm như quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, cùng các công trình trùng tu Thành Nhà Hồ, Lam Kinh... đã nâng tầm chất lượng dịch vụ, đưa Thanh Hóa vươn lên trở thành “điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực”. Năm 2025, ngành du lịch Thanh Hóa kỳ vọng đón hơn 16 triệu lượt khách, tổng thu đạt khoảng 45,5 nghìn tỷ đồng - những con số ấn tượng sau những khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ở khu vực miền núi, chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, với 11/14 nhóm chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch. Những nỗ lực này đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh biên giới quốc gia. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng Đảng cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nên một bức tranh phát triển toàn diện, là nền tảng để Thanh Hóa vững bước trên con đường phát triển bền vững.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình nhận định: “Nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế cực tăng trưởng mới phía Bắc. Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt mốc 50.000 tỷ đồng - một con số phản ánh sự điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở và tinh thần đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân”.
Thanh Hóa đã đi những bước dài, nhưng phía trước còn nhiều khát vọng! “Cú hích” từ các chương trình trọng tâm không chỉ tạo đà tăng trưởng kinh tế, mà còn khơi dậy niềm tin, hun đúc ý chí vươn lên của hơn 3,7 triệu người dân xứ Thanh trên hành trình mới!
Bài và ảnh: Minh Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cu-hich-tao-tam-voc-moi-255363.htm
Bình luận (0)