• Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I-2022: Tôn vinh sản vật Cà Mau
  • Sản phẩm của Cà Mau đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ
  • Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc sống trọn đam mê với cua Cà Mau

Ở Cà Mau, cua được người dân nuôi xen canh trong đầm tôm quảng canh, hay trong ruộng lúa - tôm..., tập trung nhiều ở các xã Phan Ngọc Hiển, Ðất Mũi, Tân Ân, Năm Căn... với cách thức nuôi truyền thống, cho ra sản phẩm cua chắc thịt, cứng vỏ, gạch nhiều, được bán với giá ổn định trên thị trường. Bình quân khoảng 6 tháng nuôi thì cho thu hoạch, sau đó bắt đầu thả giống gối vụ.

Người dân Phường Tân Xuyên chủ yếu bán cua qua thương lái truyền thống.

 

Ngoài ra, nghề nuôi cua cũng phát triển ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Riêng trên địa bàn phường An Xuyên có hơn 1.000 hộ nuôi cua theo hình thức truyền thống, bình quân mỗi vụ bà con có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Các thương lái thu mua chủ yếu cung cấp cho thị trường chợ và đầu mối các tỉnh miền Tây; bán cho các nhà hàng, khách sạn...

Hiện nay công nghệ số phát triển, tuy nhiên, nhiều hộ dân ở vùng nông thôn vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ, kiến thức, kỹ năng còn hạn chế... nên chỉ bán cho thương lái địa phương.

Ông Tô Văn Chua, phường An Xuyên, cho biết: “Những năm qua, bà con thu hoạch cua theo hình thức truyền thống, chủ yếu là đặt lú, đặt rập...; cua được thương lái thu mua tận nhà. Giá cua có khi biến động bất thường, lên cao, xuống thấp, tuỳ thời điểm. Hiện nay giá cua khoảng 120-130 ngàn đồng/kg, cua gạch cỡ lớn giá 400 ngàn đồng/kg, cua y giá hơn 200 ngàn đồng/kg".

Gần đây, tận dụng xu thế công nghệ số phát triển, nhiều người có xu hướng bán hàng trực tuyến. Ðiển hình như chị Nguyễn Thị Tú Trinh (phường Tân Thành). Là người trẻ, khát khao khởi nghiệp, tâm huyết với con cua Cà Mau, sau thời gian tìm tòi, học hỏi cách thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok..., chị Tú Trinh mạnh dạn thực hiện và đã có được thị trường cho mình. Các phiên livestream của chị cố định khung giờ từ 19-21 giờ hằng ngày, đây cũng là thời điểm có nhiều lượt người xem nhất. Hơn năm qua, trong các phiên livestream bán cua, chị còn giới thiệu thêm một số sản phẩm cũng là đặc sản Cà Mau, như các loại khô, mắm tôm nhà làm... Nhờ kỹ năng nói khéo léo, cũng như sản phẩm chất lượng, đặc biệt là con cua Cà Mau có xuất xứ từ Năm Căn, chị Tú Trinh nhận được sự tin tưởng của khách hàng, đơn hàng tăng dần.

Chị Tú Trinh phấn khởi: “Lợi thế của tôi là người Cà Mau, và mọi người đều biết Cà Mau có đặc sản cua ngon nhất nước. Mình phải tận dụng lợi thế này để có thể giới thiệu được cho tất cả khách hàng trên toàn quốc biết đặc sản cua Cà Mau”.

Chị Nguyễn Thị Tú Trinh (phường Tân Thành) tiếp cận khách hàng qua các phiên livestream, nhận được khá nhiều tương tác về đặc sản cua Cà Mau.

Chị Nguyễn Thị Tú Trinh (phường Tân Thành) tiếp cận khách hàng qua các phiên livestream, nhận được khá nhiều tương tác về đặc sản cua Cà Mau.

Các phiên livestream thời gian đầu của chị Tú Trinh có rất ít người xem, ít sự tương tác, nhưng nhờ chị cố gắng đầu tư, kiên trì livestream thường xuyên nên lượng khách hàng dần ổn định. Ðể tăng tính hấp dẫn, thu hút người xem, chị Tú Trinh còn trải nghiệm thưởng thức các món ăn từ cua trên các phiên livestream, chia sẻ với người xem cảm nhận về hương vị đặc sản cua Cà Mau.

Từ nguyên liệu cua được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.

“Khâu vận chuyển lúc đầu cũng cập rập lắm, vì cua là mặt hàng tươi sống, chuyên chở đi xa không được. Giờ thì tôi đã tìm được đường ship cua bằng máy bay qua các đơn vị vận chuyển như: Viettelpost, các chuyến bay của tỉnh... Cua được đi đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng... Hôm nay ship thì trưa mai đã đến tận tay khách hàng, rất nhanh. Thời gian tới, tôi muốn quảng bá hơn nữa để mọi người biết đến chất lượng tuyệt vời của con cua Cà Mau và chọn mua thưởng thức”, chị Trinh chia sẻ.

Với tâm huyết của chị Tú Trinh cũng như bao người trẻ khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử, không chỉ con cua Cà Mau, mà hiện nay có nhiều đặc sản khác của tỉnh như: tôm khô, các loại cá khô, ba khía, chuối xiêm ép dẻo, kẹo chuối... cũng được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.

“Ðối với con cua, người dân đa phần bán cho thương lái. Gần đây phát triển hình thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Hội đang khuyến khích hộ dân bán theo hình thức này để tăng thêm thu nhập, đồng thời cũng giúp con cua Cà Mau mở rộng thị trường”, ông Cao Văn Thơm, Hội Nông dân phường An Xuyên, thông tin.

Nhật Minh

Nguồn: https://baocamau.vn/cua-ca-mau-len-san-thuong-mai-dien-tu-a40001.html