Cửa ô Hà Nội qua những chặng đường lịch sử

Việt NamViệt Nam19/10/2024


Ô Đống Mác ngày nay.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, sự thực là Hà Nội có khá nhiều cửa ô, nhưng con số 5 vẫn trở thành một số đếm mang tính quy ước, giống như “36 phố phường”, những con số được biểu tượng hóa để trở thành biểu tượng của Hà Nội. Có nhiều đô thị ở nước ta có thành quách, thậm chí có vòng la thành với các cổng vào, nhưng chỉ Hà Nội mới gọi là cửa ô.

Lý giải cho biểu tượng này, nhà văn Nguyễn Trương Quý đề cập đến ý niệm số đếm tương ứng với phương vị của địa lý nằm trong văn hóa trong các tập hợp hệ thống của người phương Đông.

Báo Nhân Dân ngày 11/10/1954 viết về các cánh quân tiếp quản Thủ đô qua 5 cửa ô chính.

Cụ thể, về mặt phương vị thời Nguyễn, Hà Nội ở vào trung tâm khu vực đồng bằng và bán sơn địa Bắc Bộ, với mặt phía bắc và đông giáp với sông Hồng tiếp nối đi lên Kinh Bắc tới tận ải Nam Quan và về miền Hải Phòng – Quảng Yên, mặt phía nam là con đường thiên lý xuyên Việt, mặt phía tây bắc đi lên miền Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang (“Sơn Hưng Tuyên”), mặt phía tây nam đi về Hòa Bình – Sơn La, lên Tây Bắc và sang Lào, tạo ra hình thái 5 ngả đường, và đây cũng là cơ sở cho những sự phát triển giao thông thời thuộc địa.

Hình ảnh 5 cửa ô đã được các văn nghệ sĩ đưa vào các tác phẩm của mình như một biểu tượng ước lệ, có gắn với biểu tượng sao vàng 5 cánh. Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý trích dẫn: “Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (Ba Đình nắng, Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch, 1947).

Tiêu biểu nhất là bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác vào năm 1949. Ca khúc này được đánh giá như một lời tiên đoán về thời khắc giải phóng Thủ đô, với những lời ca hào hùng mãi âm vang trong lòng công chúng: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón chào nở năm cánh đào/Chảy dòng sương sớm long lanh”.

Hay họa sĩ Tạ Tỵ với bài thơ “Thương về năm cửa ô xưa” viết năm 1955:
“Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút Chợ Dừa
Cầu Dền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Cửa ô ơi cửa ô
Năm ngả đường đất nước”.

Hình ảnh những đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô qua 5 cửa ô cũng được ghi lại trong các bản tin liên quan đến ngày 10/10/1954. Bào Nhân Dân ngày 11/10/1954 viết: “Các đơn vị chủ lực của quân đội nhân dân ở đường đê La Thành từ 3 giờ chiều hôm qua, đã chia làm nhiều cánh tiến vào 5 cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. (Bài “Ngày 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội”).
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, những cửa ô xưa giờ đã không còn dấu tích, trừ Ô Quan Chưởng. Ngày nay, thay cho những cửa ô cũ là những con đường đông đúc, những đại lộ rộng thênh thang. Thành phố đã mở rộng hơn gấp nhiều lần ngày xưa, và đã trải qua nhiều bước phát triển.

Quân đội Việt Nam trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN – TTLTQG 1)

Ông Đào Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Lưu trữ Quốc gia (Bộ Nội vụ) cho biết, dấu tích của các cửa ô xưa đã chứng kiến rất nhiều phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Cửa ô xưa là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long – Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi; và đây cũng là nơi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong ngày 10/10/1954.

Cho đến ngày hôm nay, Hà Nội đã từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch mới. Thủ đô Hà Nội hôm nay cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999), là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (30/10/2019).

Cửa ô trước kia vốn là một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội, về lịch sử, chính trị, văn hóa, đời sống xã hội. Cho đến nay, những gì còn lại của các cửa ô không chỉ là lịch sử, mà còn là sự nhắc nhớ để thế hệ hiện tại thêm trân trọng quá khứ và giữ gìn những điều còn lại đó cho tương lai.

Ô Cầu Dền ngày nay đã trở thành ngã tư Bạch Mai – Đại Cồ Việt – Phố Huế – Trần Khát Chân.

Tổ chức sản xuất: MINH VÂN
Nội dung: LINH KHÁNH – NGÂN ANH
Tư liệu: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1
Trình bày: ĐỖ QUYÊN
Ảnh: HÀ NAM, Tư liệu

Nhandan.vn

Nguồn:https://special.nhandan.vn/cua-o-ha-noi-qua-nhung-chang-duong-lich-su/index.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available