Trước đó - ngày 10/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một số tỉnh còn vướng mắc, cần đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, hoàn thành chậm nhất vào ngày 20/5. Mục tiêu là sẽ khởi công và hoàn thành các công trình dịch vụ thiết yếu tại các trạm dừng nghỉ trên tuyến trước ngày 31/12.
Đến thời điểm này, Cục ĐBVN đã ký hợp đồng triển khai 18 trạm (thu ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng). Cụ thể, 8 trạm đã ký hợp đồng vào tháng 8/2024, 7 trạm ký hợp đồng vào tháng 3/2025 và 3 trạm ký hợp đồng tháng 4/2025. Hiện, các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng đang xử lý tình huống đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư 3 trạm tiếp theo ở khu vực phía Nam.
Được biết, trong số các dự án nói trên, nhà đầu tư Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thắng thầu 9 trạm, trong đó một số trạm qua địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có mặt bằng và Giấy phép môi trường, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa triển khai, trong khi các dự án này - hợp đồng ký tháng 8/2024, thời hạn hoàn thành các công trình dịch vụ thiết yếu công cộng chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa.
“Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Petrolimex, đồng thời yêu cầu họ phải thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Ngay sau đó - ngày 5/5, Hội đồng quản trị Petrolimex đã ra Nghị quyết 126/PLX-NQ-HĐQT thống nhất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong “trường hợp đặc biệt” đối với các gói thầu dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Giải phải này sẽ rút ngắn được thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, thiết kế, xây lắp... - điều mà trước đó, nhà đầu tư này cho là vướng và làm chậm tiến độ”, Cục trưởng Bùi Quang Thái thông tin thêm.
Theo tìm hiểu của Pháp luật Việt Nam, dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam tuy vẫn còn một số nơi, một số địa phương chưa bàn giao đủ mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư, nhưng phần lớn các dự án ký hợp đồng tháng 8/2024 của Petrolimex, đoạn qua khu vực Bắc miền Trung, các địa phương ở đây đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư này.
Cụ thể, Dự án Trạm dừng nghỉ Diễn Châu - Bãi Vọt, Giấy phép môi trường được UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cấp chỉ vòng 9 ngày sau khi Petrolimex có văn bản xin cấp phép; Dự án Trạm Mai Sơn - QL45, UBND TP.Thanh Hóa cấp Giấy phép môi trường cho nhà đầu tư sau 18 ngày nhận được hồ sơ đề nghị... Mặt bằng của các dự án này cũng được hai địa phương nói trên bàn giao khá sớm.
![]() |
Một trạm dừng nghỉ trên cao tốc ở khu vực phía Nam đã đi vào hoạt động. |
Về phía cơ quan Nhà nước cố thẩm quyền - Cục ĐBVN cũng đã cử nhiều đoàn công tác do các lãnh đạo Cục này dẫn đầu tới các địa phương nơi có các trạm sẽ triển khai để phối hợp với các tỉnh, huyện xử lý vấn đề mặt bằng; hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục nộp giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Ở cơ sở, các Khu Quản lý đường bộ thuộc Cục cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng và các nhà đầu tư thực hiện đầy đủ, kịp thời các thủ tục đấu nối, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến để các nhà đầu tư triển khai các trạm dừng nghỉ.
“Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, giai đoạn này, chúng tôi đang “sát sạt” với các nhà đầu tư để hỗ trợ họ tất cả các thủ tục liên quan. Qua giai đoạn này, khi các thủ tục, điều kiện khởi công đã đầy đủ mà nhà đầu tư vẫn chậm tiến độ, thì lúc đó, chúng tôi sẽ căn cứ điều khoản của hợp đồng để “ ra roi”, Cục trưởng Thái khẳng định.
Theo đó, trong các hợp đồng đã ký giữa nhà đầu tư với Cục ĐBVN, đều có đoạn: “Quá thời hạn yêu cầu, nếu các hạng mục công trình dịch vụ công chưa hoàn thành thì chậm 01 ngày sẽ giảm trừ tương ứng thời gian kinh doanh, vận hành, khai thác 02 ngày. Trường hợp chậm trễ quá 90 ngày, Bên A có quyền xem xét chấm dứt hợp đồng…”.
Nguồn: https://baophapluat.vn/cuc-truong-cuc-duong-bo-vn-dong-hanh-voi-nha-dau-tu-nhung-se-ra-roi-neu-vi-pham-post548416.html
Bình luận (0)