Khi một cầu thủ trụ cột quyết định rời đi, dư luận thường chia thành hai luồng: Cảm thông và chỉ trích. Nhưng phía sau đó là những toan tính, là giới hạn giữa lý và tình, và là những câu hỏi về lòng trung thành trong một môi trường đầy biến động.
Ranh giới giữa lý và tình
Nhiều nguồn tin cho biết, Đức Chiến đã quyết định rời Thể Công Viettel trước thời hạn để gia nhập CLB Ninh Bình, đội bóng mới lên hạng V.League mùa tới. Động thái này xảy ra trong bối cảnh hợp đồng giữa hai bên vẫn còn hiệu lực đến ngày 24.8.2025, trong khi kỳ chuyển nhượng quốc nội sẽ khép lại vào ngày 15.8. Để kịp đầu quân và ra sân ở lượt đi cùng đội bóng mới, cầu thủ sinh năm 1998 chấp nhận đền bù sớm, mức phí được chốt là 3 tỉ đồng, sau quá trình thương lượng căng thẳng.
Từ góc độ cá nhân, đây có thể xem là một quyết định hợp lý. Ở tuổi 27, thời điểm “chín” nhất của sự nghiệp, Đức Chiến cần một môi trường mới để thử thách bản thân, đặc biệt khi đã không đạt được thỏa thuận gia hạn với đội bóng cũ. Theo nhiều nguồn tin, hợp đồng 3 năm với Ninh Bình đi kèm khoản lót tay lên đến 6 tỉ đồng mỗi mùa, một mức đãi ngộ hấp dẫn mà không phải CLB nào cũng sẵn sàng đáp ứng.
Tuy nhiên, lựa chọn ra đi của Đức Chiến lại kéo theo làn sóng phản ứng dữ dội, nhất là khi anh không thi đấu ở 3 trận cuối mùa giải, bao gồm cả trận bán kết Cúp Quốc gia, thời điểm CLB rất cần lực lượng mạnh nhất. Trong thông báo chính thức, phía Thể Công Viettel cho biết cầu thủ này không đảm bảo thể lực và chủ động xin rút lui khỏi đội hình trong khi đội đang rất thiếu người.
Sự vắng mặt đó được nhìn nhận không chỉ là một thiếu hụt chuyên môn, mà còn là khoảng trống về tinh thần, điều vốn được xem là “phẩm chất đỏ” của một tập thể mang “di sản” Thể Công. Trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, những quyết định cá nhân là điều tất yếu, nhưng cách ứng xử trước và sau mỗi cuộc chia tay mới là thứ quyết định giá trị nhân văn của bóng đá.
Triết lý của những người làm bóng đá tử tế
Trong thông điệp phát đi từ CLB, Thể Công Viettel không chỉ bày tỏ sự tiếc nuối, mà còn đặt ra vấn đề sâu xa hơn: “Đâu là giá trị thực của cầu thủ?”. Đây là câu hỏi không chỉ dành cho riêng Đức Chiến, mà cho toàn bộ hệ thống bóng đá Việt Nam, nơi giá trị cầu thủ ngày càng bị thổi phồng, khiến thị trường chuyển nhượng trở nên méo mó và mất cân bằng.
Thể Công Viettel có lý do để trăn trở. Là một trong những CLB có hệ thống đào tạo bài bản, họ đã đầu tư rất lớn vào các lò trẻ, rèn giũa những cầu thủ như Đức Chiến từ thuở còn vô danh. Nhưng khi cầu thủ thành danh, họ lại trở thành “món hàng” được các CLB khác tranh giành bằng những khoản lót tay bạc tỉ, thứ mà nhiều đội bóng đào tạo trẻ không thể (hoặc không muốn) đua theo.
Thực tế đã chứng minh không ít cầu thủ sau khi chuyển tới đội bóng mới với bản hợp đồng “bom tấn” đã không đáp ứng được kỳ vọng. Sự thay đổi môi trường, áp lực từ mức thu nhập khổng lồ và đặc biệt là khoảng cách giữa danh tiếng và phong độ thực tế khiến không ít thương vụ trở thành “cơn sốt giá ảo”, nơi giá trị không còn được đo bằng chuyên môn, mà bằng chiêu trò của người đại diện và sự khan hiếm nhân sự chất lượng trong nước.
Đó chính là lý do vì sao Thể Công Viettel vẫn kiên định với triết lý của mình: Đầu tư vào đào tạo trẻ, tin tưởng vào nội lực và đặt ra những giới hạn rõ ràng trong chi tiêu, thay vì chạy theo thị trường. Như một đại diện CLB khẳng định: “Chúng tôi luôn phải cân nhắc, với số tiền ấy, liệu có thể mua được một ngoại binh chất lượng hơn không, hay nên trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ đang lên?”.
Không khó để nhận ra rằng, câu chuyện của Đức Chiến đã phản ánh đúng thực trạng của thị trường cầu thủ Việt Nam: Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống đào tạo chưa đủ dày, sự thiếu ổn định trong quản trị CLB và đặc biệt là thiếu vắng một cơ chế quản lý chuyển nhượng bài bản, chuyên nghiệp. Chính điều đó khiến những cầu thủ có tên tuổi dễ trở thành “hàng hiếm” và được gắn với những mức giá không phản ánh đúng giá trị cống hiến.
Nguyễn Đức Chiến là một trong những tài năng của bóng đá Việt. Anh từng đeo băng đội trưởng đội U23, được triệu tập vào ĐTQG và thi đấu ổn định trong màu áo Thể Công Viettel. Với 134 trận V.League, 16 bàn thắng và 8 pha kiến tạo, anh rõ ràng là một cầu thủ chất lượng. Nhưng bên cạnh chuyên môn, sự nghiệp cầu thủ còn là câu chuyện về danh dự, về lòng trung thành, về cách hành xử với những người từng nuôi dưỡng và đặt niềm tin vào mình.
Thị trường chuyển nhượng là cơ hội cho cầu thủ phát triển, làm mới mình và cải thiện thu nhập, đó là điều bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng bóng đá không chỉ là cuộc chơi của tiền bạc. Nó còn là môi trường hun đúc những giá trị nhân bản, sự tận hiến, lòng biết ơn, cách hành xử chuyên nghiệp và trách nhiệm với tập thể.
Câu chuyện của Đức Chiến và Thể Công Viettel, vì thế, không nên chỉ dừng ở chuyện “ai đúng, ai sai”, mà nên là lời cảnh tỉnh cho cả hệ thống rằng bóng đá Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững nếu mỗi mắt xích, từ cầu thủ, CLB, đến các nhà quản lý đều hành xử một cách chuyên nghiệp, tử tế và có tầm nhìn.
Bởi đến cuối cùng, giá trị thực sự của một cầu thủ không nằm ở mức giá chuyển nhượng, mà nằm ở cách anh ấy rời đi, và ở cách mà người ta sẽ nhớ về anh sau đó.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/the-thao/cuoc-chia-tay-va-bai-toan-gia-tri-cua-cau-thu-viet-149073.html
Bình luận (0)