Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc đời bí ẩn, sống "hai thế giới" của đại tá tình báo lừng danh Tư Cang

(Dân trí) - Mùa hè 1966, cán bộ tình báo Tư Cang đến Sài Gòn, nhập vai gia sư, uống cà phê ở nhà hàng Victory. Vậy mà hôm sau, ông trở lại Củ Chi, chui vào địa đạo chật chội, bên trên là bom đạn nổ chát chúa.

Báo Dân tríBáo Dân trí24/04/2025



1.webp

LTS: 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một trang sử hào hùng và chói lọi với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải.

Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới.

Trong không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, báo Dân trí trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết về những nhân vật lịch sử đã góp phần xương máu, trí tuệ vào cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại, để cùng nhìn lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân những cống hiến, sự hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ đi trước vì nền hòa bình, thống nhất đất nước, độc lập, tự do của dân tộc.

2.webp

Đại tá Tư Cang (tên thật Nguyễn Văn Tàu, SN 1928, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63) - nhân vật lừng lẫy của giới tình báo Việt Nam - từng trải qua những năm sống cuộc sống "hai thế giới đối lập".

Có lúc, ông vào nội đô Sài Gòn, diễn vỏ bọc của gia sư, kế toán. Xong chuyến công tác, ông trở về căn cứ đóng tại địa đạo Củ Chi, ăn măng tre, uống nước cầm hơi, cùng các chiến sĩ vũ trang, giao thông bảo vệ điện đài vô tuyến, giữ đường dây liên lạc thông suốt cho đến ngày thống nhất đất nước.

Trong căn nhà cấp 4 ở quận Bình Thạnh (TPHCM), Đại tá Tư Cang trò chuyện với phóng viên Dân trí bằng giọng nói sang sảng, có lúc dí dỏm, có lúc run run xúc động. 

Đôi mắt mờ nhòe của vị Đại tá 97 tuổi hấp háy khi nhớ lại 10 năm nằm gai nếm mật cùng đồng đội tại Củ Chi. Ông kể những câu chuyện đời thường, những lần thoát khỏi lằn ranh sinh tử và cả những mất mát mà tổ chức H.63 trải qua để trụ lại chiến trường ác liệt Củ Chi cho đến ngày đất nước thống nhất.

3.webp

"Tại sao phải bám trụ Củ Chi, thưa ông?", người viết hỏi.

Đại tá Tư Cang lý giải, Củ Chi mang địa thế lợi hại về mặt quân sự, liên quan sự sống còn của Sài Gòn. Nơi đây địa hình thuận tiện đào hầm, gắn với nhiều chiến khu quan trọng. Giặc muốn dồn ép cách mạng về biên giới, giữ vành đai an toàn cho Sài Gòn, còn cách mạng lại quyết tâm áp sát vào Sài Gòn để giành thắng lợi.

Ông Tư Cang gắn bó với mảnh đất Củ Chi từ tháng 5/1962. Khi đó, ông được Phòng Tình báo Miền giao nhiệm vụ chỉ huy Cụm tình báo H.63 (tên ban đầu là A.18), cụm tình báo phục vụ hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn - "át chủ bài" của tình báo Việt Nam thời bấy giờ.

Cụm được bố trí thành 3 tuyến. Ngoài hạt nhân Phạm Xuân Ẩn cùng điệp viên Tám Thảo và các điệp viên hoạt động bí mật ở Sài Gòn, còn có một nhóm sống hợp pháp với địch trong ấp chiến lược và một nhóm lực lượng vũ trang trong hầm địa đạo Củ Chi.

4.webp

Đại tá Tư Cang nói, căn cứ tình báo nghe thì có vẻ bề thế, nhưng thời đó không có văn phòng, kích thước chỉ vài chục mét, nằm trên bãi đất cỏ cây khô cháy, lưa thưa mấy rặng tầm vông. Dưới đất là vài chiếc hầm bí mật, mỗi hầm chứa 3-5 chiến sĩ vũ trang. Có hầm nằm dưới lũy tầm vông, có hầm thì đào ngay giữa bãi đất. Nếu một hầm bị lộ, anh em ở hầm khác có thể bắn hỗ trợ cho nhau thoát thân.

Những địa danh như Bến Dược, Bến Đình, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông... đều từng là nơi đóng quân của đơn vị H.63. Nhiệm vụ chủ yếu của cụm là tổ chức đường dây giao liên thông suốt, tiếp nhận tin tình báo của điệp viên trong nội thành, đưa chỉ thị từ sở chỉ huy phục vụ cách mạng.

"Nhờ hầm địa đạo, chúng tôi mới sống được. Địa đạo là nơi khổ nhất, nên khi nói 10 năm bám trụ địa đạo Củ Chi, người ta nể chúng tôi dữ lắm. Chúng tôi quyết không rời, chấp nhận hy sinh, chấp nhận vất vả để đường dây liên lạc không bao giờ ngưng trệ", nguyên Cụm trưởng cụm H.63 nói.

5.webp

Chiến tranh, theo lời của Đại tá Tư Cang, là những ngày "sống cùng bom đạn, khổ lắm, nhưng riết rồi cũng quen nên êm được ngày nào, hay ngày đấy". 

Đại tá kể, lúc mới vào ấp Bến Đình năm 1962, ông thường ngồi bên tán cây, dùng gầu múc nước sông dội lên người cho mát. Lúc đó, cây cối vẫn còn trĩu quả, tôm cá dồi dào. Tối tối, ông cùng đồng đội đi bắt lươn, bắt cá. "Có những bữa ăn trong lòng đất, chúng tôi nhìn đĩa lươn chiên chấm nước mắm tỏi ớt, khoái chí lắm", ông nói.

Từ ngày Mỹ đổ quân tham chiến (1965), cuộc sống của đơn vị trở nên khó khăn. Ban ngày, bộ binh, xe tăng, trực thăng địch càn quét. Ban đêm, địch thả bom theo tọa độ. Muốn di chuyển từ hầm này sang hầm khác phải nắm quy luật đạn rơi, bao nhiêu phút thì giặc lên đạn, nghe tiếng nổ thì phải bật dậy chạy nhanh đến miệng hầm.

6.webp

Những hôm địch bắn phá dữ dội, đơn vị trú trong địa đạo, hết gạo thì ăn măng tre luộc, uống nước cầm hơi. Ban đêm, chiến sĩ giao thông đột nhập vào ấp chiến lược, nhận tiếp tế lương thực, mua pin để duy trì tín hiệu máy thu phát, giữ đường dây liên lạc. Đại tá miêu tả cuộc sống "không khác gì loài chim ăn đêm".

"Mỗi lần phân công anh em vào ấp chiến lược công tác, tôi cũng sắp xếp 1-2 chiến sĩ ở lại cho có bạn. Thi thoảng tôi canh gác căn cứ một mình, không dám ngủ say, tai căng ra nghe ngóng âm thanh máy bay, tàu tuần tra của địch, đến đêm thì lên nắp hầm đợi anh em về. Nghe tiếng bước chân, thấy đồng đội trở về lành lặn, là tôi thở phào", vị Đại tá kể.

Mùa mưa, nước mưa theo rễ tầm vông chảy xuống hầm, tạo thành lớp bùn nhão nhoẹt. Các chiến sĩ trải tấm ni lông ra ngủ, nói với người chỉ huy "nệm bằng bùn nhão êm nhưng mà lạnh quá, anh Tư ơi". 

"Họ là thanh niên, dễ ăn dễ ngủ, còn tôi thường trằn trọc mãi mới vào giấc. Có lần, Sáu Ẩn, cán bộ trung đội tôi, đi vào ấp chiến lược tải gạo, thấy chuồng heo trát xi măng, được thắp điện sưởi ấm, khi về liền nói vui rằng chỗ ngủ anh em mình còn thua chỗ ngủ chuồng heo nhà giàu", ông nhớ lại.

7.webp

Do tính chất công việc, nhiều lúc, Đại tá Tư Cang phải sống giữa 2 vùng: Sài Gòn và Củ Chi. Mỗi lần vào thành phố, ông cải trang thành dân thường, dùng căn cước giả, đi xe tải, xe đò của người dân hoặc tự lái xe máy. Đại tá nói, đã chấp nhận làm nghề tình báo, thì phải chấp nhận mạo hiểm bởi nếu đứt liên lạc, tin tức tài liệu điệp viên nắm giữ sẽ không kịp chuyển về cấp trên và ông không phổ biến được nghị quyết, chỉ thị từ tổ chức cho cán bộ.

Chỉ khi sống cuộc sống bình thường ở thành phố, ông Tư Cang mới thấm thía cuộc sống chiến khu Củ Chi khổ cực đến thế nào. Có những khi, đêm trước ông vừa đóng vai người bình thường, đi ăn sáng, uống cà phê ở nhà hàng Victory, đêm hôm sau đã ở trong hầm địa đạo chật chội, khói um ngạt thở, bên trên là bom đạn chát chúa.

Dưới hầm nhiều muỗi nên từ đầu hôm, Đại tá Tư Cang cùng anh em hun khói đuổi muỗi. Nước mắt nước mũi thi nhau chảy xuống, họ cắn răng chịu vì còn hơn là để muỗi đốt không ngủ được. 

Người viết hỏi: "Lúc đó, những người chiến sĩ nghĩ gì, thưa ông?". Đại tá Tư Cang cười nói: "Khổ quen rồi thì không thấy khổ". Đêm tối dưới hầm, vị chỉ huy cụm tình báo không nghĩ gì ngoài lời dạy của Bác Hồ: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".


8.webp

10 năm bám trụ địa đạo, Cụm trưởng Tư Cang cùng anh em chiến sĩ tình báo trải qua không ít khoảnh khắc đối mặt sinh tử.

"Đơn vị tôi từng lập chiến tích diệt 3 tên "chuột cống" Mỹ", ông Tư Cang vừa nói, vừa di bàn tay lên giấy, miêu tả một trận đánh địch trong lòng địa đạo.

9.webp

Lần đó là vào năm 1966, Tư Cang vừa đi công tác ở ấp chiến lược Phú Hòa Đông về. Lính sư đoàn 25 của Mỹ đổ bộ, kéo từng tốp xe tăng, sục sạo tìm hầm vì định vị được tín hiệu dưới lòng đất của cụm H.63. Trong hầm lúc đó có hơn 30 người, gồm đội chiến sĩ của cụm và một số cán bộ Ban Quân báo khu Sài Gòn - Gia Định. 

Khi phát hiện miệng hầm, địch điều 3 tên lính chuyên đánh nhau trong đường hầm với du kích - vào địa đạo. Ngay khu vực nắp đường hầm, chúng cố hết sức giở nắp. Sau những phút giằng co, Đạo (chiến sĩ vũ trang) quyết định rút chốt, ném 2 quả lựu đạn. Tiếng nổ vang lên rồi đường hầm im lặng đến rợn người. 

Ông Tư Cang kể, trận đó đơn vị thu được đèn pin, súng ngắn do 3 tên lính bỏ lại trong đường hầm dính máu.

Lần khác, Tư Cang cùng các anh em suýt bị ngộp thở vì thiếu dưỡng khí nơi lòng đất. Đó là đầu năm 1967, xe công binh hạng nặng của địch chạy qua chạy lại trên đoạn địa đạo ở Phú Hòa Đông, ủi sập một đoạn hầm nơi đơn vị trú ẩn. 

Bóng tối bao trùm, các chiến sĩ ngồi như pho tượng. Từng giờ trôi qua, hơi thở họ trở nên nặng nề, cố di chuyển về gần lỗ thông hơi. Vừa hít chút ít không khí ít ỏi, họ vừa hướng mắt về chỉ huy, chờ mệnh lệnh.

"Lúc đó, tôi không mơ ước cao xa về vầng trời lộng gió, chỉ mong có lỗ thông hơi bằng quả trứng thôi cũng đủ", ông Tư Cang nhớ lại.

Có người chịu không nổi, mấy lần định lao lên nắp hầm chiến đấu, thà chết ở trên mặt đất. Tuy nhiên, ông Tư Cang ngăn cản, không phải vì không dám đối mặt với địch mà vì ráng chịu đựng để bảo vệ bí mật về cụm tình báo.

"Tao quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chết tại đây thì không sao. Còn tụi bây ra mặt đấu với giặc, chết bị chúng kéo xác về bêu ở xóm làng, cha mẹ, vợ con thấy sao chịu được?", ông Tư Cang nói với mọi người trong giây phút cân não.

Trong hoàn cảnh tuyệt vọng lại được nhắc đến gia đình, các chiến sĩ có thêm động lực, lặng lẽ chịu đựng trú ẩn thêm một thời gian, đợi địch rút xa địa đạo mới mở nắp hầm, leo lên mặt đất tìm sinh khí.

10.webp

"Lần khác, khoảng năm 1969 hoặc 1970, tôi bị rượt đuổi, suýt bị địch bắt sống", Đại tá Tư Cang đặt tay lên trán, nhớ lại một tình huống căng thẳng xảy ra ở Bến Cát. 

Hôm đó, ông về đến căn cứ thì phát hiện nơi trú ẩn bị lộ, 4 chiếc xe tăng địch đổ bộ, anh em mỗi người một ngả chạy thoát thân. Ông Tư Cang vừa chạy, vừa né những luồng đạn. Chúng không bắn đạn thật mà bắn đạn đinh, mục đích bắt sống ông. 

"Chiến sĩ Đạo chạy trước tôi, chạy không đúng động tác quân sự, tôi nhắc phải chạy khom lưng lại. Chúng tôi chạy nước rút một đoạn dài. May mắn có một chiến sĩ giở nắp hầm vẫy tôi lại, vừa xuống được địa đạo thì trực thăng quét qua. Tôi thốt lên: Trời ơi, sống rồi!", ông Tư Cang kể.

11.webp

Trong ký ức Đại tá Tư Cang vẫn đọng lại hình ảnh con chồn lang thang kiếm ăn giữa bãi đất cháy. Một ngày năm 1969, ông ở căn cứ còn anh em đi An Tây công tác. Bắt gặp con chồn đi qua đi lại tìm thức ăn, Tư Cang thấy tội nghiệp vì mảnh đất này còn gì đâu mà ăn. Con chồn ngẩng đầu nhìn ông, đôi mắt mở to, có lẽ nó cũng không ngờ nơi này vẫn còn con người.

Hóa chất, bom xăng thiêu rụi mọi thứ, chỉ còn lưa thưa rặng tầm vông. Nhưng kỳ lạ thay, mỗi lần bom đạn rải xuống, đất nát vụn, lá tầm vông rụng nhưng vài hôm sau, lớp lá non xanh lại phủ kín trở lại. Cây tầm vông có sức sống kỳ diệu, như dân quân Củ Chi - những người đã dựa vào hàng tầm vông đó để sống, chiến đấu. 

12.webp

Đại tá Tư Cang nói, cụm H.63 của ông trụ được 10 năm tại Củ Chi là nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất là chiến sĩ dũng cảm, bị bắt thà chết không khai. Thứ hai là lòng dân yêu mến, chi viện thuốc men, gạo muối. Thứ ba là địa đạo kiên cố, hứng chịu hàng ngàn trận càn quét.

Nhắc đến mất mát, ông Tư Cang nhìn xa xăm, đôi mắt đỏ hoe. Ông thương những chiến sĩ chân chất, nhà nghèo, theo ông bao năm vào sinh ra tử. Là chỉ huy, ông đau đớn khi tận mắt thấy đồng đội chết, tự tay chôn những người anh em từng bắt cá bắt lươn, gặt lúa giúp dân, từng chống càn, từng chạy cùng ông dưới làn sương chất diệt cỏ, vượt qua những con đường ngổn ngang thùng hóa chất…

Nỗi đau khắc sâu trong ông là lần đơn vị mất 2 cán bộ nòng cốt của cụm: Năm Hải và Sáu Ẩn. Chuyện xảy ra vào tháng 6/1968, đêm ấy Sáu Ẩn, Năm Hải cùng 2 du kích địa phương vào ấp chiến lược lấy tài liệu, bị phục kích, trúng mìn Claymore.

"Sáu Ẩn bị thương nặng, dập nát ống chân. Chúng tôi mượn xuồng của dân đi tìm trạm quân y, đến Bến Cát thì Ẩn tay chân giật, hấp hối. Ẩn nắm tay tôi, nói: "Anh Tư ơi, lát nữa gặp má tôi, anh đừng nói tôi chết. Nghe tôi chết, má buồn tội nghiệp. Hãy nói với má rằng tôi đi quân y vài hôm". Nói đến đó, đầu Ẩn nghẹo sang một bên, buông tay", ông Tư Cang kể lại. 

Vuốt mắt từ biệt hai đồng đội, ông không cầm được nước mắt…

Sáu Ẩn ra đi khi mới 21 tuổi, mang lý tưởng đánh đuổi quân xâm lược nhưng canh cánh trong lòng là tình yêu gia đình khôn xiết. Ông Tư Cang nói thêm, sau này, ông gặp mẹ của Sáu Ẩn, sống gần khu địa đạo Bến Đình. Người mẹ già khi đó mắt đã mù vì khóc thương con. 

Một lần khác, đơn vị mất đồng chí tên Khương. Đêm trước khi hy sinh, Khương vào ấp chiến lược, được vợ tặng chiếc khăn rằn. Ngày hôm sau anh trúng bom tan xác. Hố bom rỗng hoác, chỉ còn thấy mảnh vụn báng súng AK và mấy mẩu khăn rằn. 

Đại tá 97 tuổi nói, bước vào tình báo là xem như các chiến sĩ tự nguyện khắc 4 chữ "coi như chết rồi". Những năm ác liệt, đường dây liên lạc quý giá của H.63 không bị lộ, bởi khi cận kề cái chết, chiến sĩ cũng không bao giờ phản bội cơ sở. 

"Khi đã lựa chọn lý tưởng thì phải dấn thân và chấp nhận hy sinh. Sự thành công tới mức hoàn hảo của H.63 ở ở chỗ đó, không ai phản bội trong bất cứ hoàn cảnh nào", ông nói và kể về câu chuyện của Trung đội trưởng Tư Lâm - người bị địch bắt ở Hóc Môn khi đang làm nhiệm vụ hồi tháng 3/1968. 

Hôm đó, chiến sĩ giao thông Tám Kiên chạy về báo ông Tư Cang, Tư Lâm bị bắt rồi, phải di chuyển ngay vì nguyên tắc tình báo không cho phép ở lại. "Tôi nói cô Tám Kiên đi để bảo vệ đường dây, còn tôi ở lại, đặt cược niềm tin Tư Lâm không phản bội. Nếu Tư Lâm dẫn địch về đây, tôi thủ trong người 2 trái lựu đạn. Một trái hy sinh tại chỗ, một trái giết thêm vài tên địch", ông Tư Cang kể.

Đợi đến hôm sau, hôm sau nữa, tình huống xấu không hề xảy ra. Đồng đội của Tư Cang không hề hé một lời, bị đày ra Phú Quốc, chịu tra khảo dã man, hồ sơ lưu là "tù binh cộng sản loại ngoan cố".

Vài năm sau, Tư Lâm bị trực thăng địch bắn chết trong một lần cố vượt ngục. Sau này, có dịp đến Phú Quốc, ông Tư Cang lặng người thắp nén nhang cho người đồng đội biết mình sẽ đi vào cái chết mà sẵn sàng chấp nhận để làm tròn nhiệm vụ.

13.webp

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, Đại tá Tư Cang nghẹn ngào nhớ lại cái chết của những chiến sĩ đã hy sinh, góp phần thầm lặng cho cách mạng. Ông sống sót, cụm H.63 lập nhiều thành tích, được phong đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, là nhờ lòng trung thành vô hạn của những cán bộ dũng cảm như Tư Lâm. 

Quân số toàn cụm có 45 người, trong quá trình hoạt động 27 người hy sinh, 13 người bị thương, ngay cả ông Tư Cang cũng là thương binh hạng 2. Tỷ lệ thương vong cao, nhưng đổi lại, những điệp viên nòng cốt như Phạm Xuân Ẩn và đường dây liên lạc được an toàn cho đến ngày thống nhất đất nước.

Khép lại những kỷ niệm bi tráng, Đại tá Tư Cang thuật lại đoạn kết trong bài Tấu địa đạo mà trung đội trưởng Hồ Minh Đạo của H.63 biểu diễn trong buổi đón xuân 1971: 

"Quân Mỹ đánh vào chúng tôi, B52, B57, tàu thủy, bom, chất độc, hơi cay, cỏ cây chết, đất đá trụi nhưng con người không lay chuyển… Ôi đáng quý, đáng yêu, đáng ghi vào lịch sử, những con đường địa đạo quê hương".

14.webp

Nội dung: Bích Phương

Ảnh: Trịnh Nguyễn

Thiết kế: Đức Bình

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/cuoc-doi-bi-an-song-hai-the-gioi-cua-dai-ta-tinh-bao-lung-danh-tu-cang-20250422190151106.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm