Một góc không gian trưng bày “cuộc đối thoại” của nghệ sĩ đương đại với điêu khắc gia Điềm Phùng Thị

Tròn 105 ngày sinh của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2025), những nghệ sĩ đương đại có “cuộc đối thoại” như thế ngay chính không gian nghệ thuật mang tên bà nằm trên đường Lê Lợi, cạnh bờ sông Hương.

Hơn 30 tác phẩm nghệ thuật cùng nhiều bộ trang sức được các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ hệ thống mô đun linh hoạt của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị để tiếp biến. Mỗi sáng tạo như một tiếng lòng trân trọng, ngưỡng mộ tài năng sáng tạo của bậc tiền bối. Các nghệ sĩ tìm hiểu, cảm thấu triết lý và mỹ cảm tạo hình của nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị. Để từ đó, sử dụng các thủ pháp phù hợp mang sắc thái Điềm Phùng Thị vào trong các tác phẩm của mình hoặc để kể thêm một câu chuyện mới trong xã hội hiện tại.

Đưa đến cho người xem bộ poster ba tấm về bà Điềm Phùng Thị, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nói rằng, đã được thực hiện với lòng kính trọng, ngưỡng mộ tài năng của bậc tiền bối. Ba poster lấy cảm hứng từ tình cảm sâu sắc, lòng yêu nghề, sự đam mê sáng tạo của bà Điềm. Chúng không chỉ được hiển hiện qua tác phẩm cụ thể, với thủ pháp tạo hình hiện đại qua cấu trúc các mô đun đặc trưng của bà như một nhận diện độc đáo riêng có mà còn từ trái tim cháy bỏng, sáng tạo và cống hiến cho cuộc đời. Với ngôn ngữ thiết kế khúc chiết, hiện đại kết hợp giữa mảng đồ họa - chữ - hình đồ họa 2D đã phối hợp tạo nên chân dung một tài hoa điêu khắc gia.

Trong khi đó, 2 tác phẩm “Thế giới quan của Điềm Phùng Thị” và “Ngôn ngữ” trưng bày trong “cuộc đối thoại” này được họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh lấy cảm hứng từ các mô đun của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Họa sĩ này cho rằng, các mô đun này là một ngôn ngữ mới trong ngôn ngữ điêu khắc đương đại của thế kỷ XX. “Lấy cảm hứng từ ý tưởng đó cũng như cảm phục sức sáng tạo của bà, nên tôi vẽ bằng cảm xúc chân thành của hàng hậu thế. Thế giới quan của bà quá rộng lớn mà sức của tôi thì có hạn, nên tôi cố vẽ 2 tác phẩm như lời tưởng niệm nghệ sĩ tài danh, đó là một nhân duyên tiếp nối và sự kế thừa từ bà”, họa sĩ Thịnh trải lòng.

Xem “cuộc đối thoại” của các họa sĩ đương đại với điêu khắc gia nổi tiếng mới thấy được công sức lao động miệt mài của bà Điềm Phùng Thị. Sức sáng tạo của bà tựa như một dòng sông văn hóa chảy mãi, nối kết những tâm hồn, những giá trị nghệ thuật xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Và các thế hệ nghệ sĩ đã tiếp biến và sáng tạo từ ngôn ngữ nghệ thuật Điềm Phùng Thị vào sáng tác riêng của mình nhằm thể hiện sự tiếp nối của các thế hệ nghệ sĩ trong dòng chảy nghệ thuật ấy lại thêm ý nghĩa, góp phần truyền tải và lan tỏa nghệ thuật Điềm Phùng Thị đến với công chúng.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, đơn vị đang quản lý Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị cho rằng, “cuộc đối thoại” này như một gạch nối tri ân những cống hiến to lớn của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị dành cho nền nghệ thuật Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. “Thế hệ hôm nay và mai sau mãi trân trọng, tri ân, tưởng nhớ đến tấm lòng, công lao to lớn của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và tiếp tục giữ gìn, quảng bá, phát huy công trình nghệ thuật Điềm Phùng Thị đến với công chúng và bạn bè quốc tế”, bà Trai chia sẻ.

Thế giới nghệ thuật riêng biệt

Điềm Phùng Thị được thế giới nhìn nhận là nữ điêu khắc gia đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam và có sức ảnh hưởng lớn trong nền nghệ thuật điêu khắc thế giới. Tên tuổi của bà đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và được cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ khi là một trong 2 người châu Á có tên trong từ điển Larousse - Nghệ thuật thế kỷ XX (1991), được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học - Văn học và Nghệ thuật châu Âu (1992).

Sự độc đáo của Điềm Phùng Thị là đã sáng tạo ra một loại hình điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô đun hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự, còn Giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc, trong tư tưởng của đạo giáo được xem như là “7 quãng nhân sinh” của Điềm Phùng Thị. Chỉ bằng 7 mẫu tự này thôi, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã tạo dựng nên cả một thế giới nghệ thuật riêng biệt.

Qua công trình nghệ thuật đồ sộ (gần 400 tác phẩm) của bà dành tặng cho Huế, công chúng yêu nghệ thuật không chỉ biết đến bà như một người phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ và tài năng mà còn biết đến tâm hồn của một nghệ sĩ lớn, một người phụ nữ Việt Nam sống xa xứ mà luôn luôn hướng về quê hương, đất nước.


Nhật Minh

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/my-thuat-dieu-khac/cuoc-doi-thoai-cua-nghe-si-voi-nha-dieu-khac-diem-phung-thi-155311.html