Cuốn sách được đưa vào thư viện các trường học 

“Cùng con làm bạn với sách” dày hơn 160 trang, do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Đây là cuốn sách được tác giả Hoàng Trọng Thủy, Trưởng đại diện tổ chức Zhi Shan Foundation Taiwan, người sáng lập dự án “Làm bạn với sách” biên soạn dựa trên kinh nghiệm sau hơn 15 năm phát triển chương trình đọc sách tại miền Trung. Cuốn sách chia sẻ cách thiết lập môi trường đọc sách gia đình; cách chọn sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ; cách bồi dưỡng cảm xúc, phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết của con; những hoạt động tương tác giúp cha mẹ và con cùng khám phá thế giới sách, cũng như chia sẻ những câu chuyện thực tế về việc xây dựng văn hóa đọc…

Tác giả Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đọc sách là một hoạt động trông rất đơn giản, nhưng nếu không có chiến lược và phương pháp sẽ rất khó duy trì cũng như không đạt được kết quả mong đợi. Vai trò đồng hành của gia đình cùng nhà trường trong hành trình dẫn dắt con trẻ làm bạn với sách rất quan trọng. Với những phương pháp phù hợp như biến đọc sách thành niềm vui, lựa chọn sách theo sở thích và làm gương cho trẻ, cha mẹ có thể gieo mầm tình yêu sách vào tâm hồn trẻ, giúp trẻ trưởng thành với một nguồn tri thức phong phú và tinh thần học hỏi suốt đời.

Theo tác giả, để hình thành thói quen đọc sách lâu dài, cha mẹ cần thiết lập thời gian đọc sách cố định trong ngày, ví dụ 15 - 20 phút trước giờ đi ngủ. Điều này giúp trẻ coi việc đọc sách như một phần tự nhiên trong cuộc sống thường ngày. Một không gian đọc sách thoải mái, đầy màu sắc sẽ khơi dậy hứng thú đọc sách của trẻ. Chẳng hạn, một giá sách được thiết kế với hình dạng cây hoặc nhân vật hoạt hình sẽ kích thích sự tò mò của trẻ. Không gian đọc không nên quá chỉn chu, quy củ, sách có thể đặt ở mọi nơi để thuận tiện cho trẻ. Đến đâu cũng gặp sách sẽ kích thích hứng thú đọc của trẻ.

Với con trẻ, cha mẹ là tấm gương quan trọng. Khi trẻ thấy cha mẹ thường xuyên đọc sách, dành thời gian đọc sách bên cạnh trẻ hoặc cùng trẻ đọc một cuốn sách, trẻ sẽ tự nhiên bắt chước và hình thành thói quen này. Ngoài ra, mỗi khi trẻ đọc xong một cuốn sách hoặc thể hiện sự yêu thích với việc đọc, cha mẹ nên khen ngợi và khuyến khích để trẻ cảm thấy tự hào. Khi đọc sách cùng con, phụ huynh cần có một số tương tác để tạo hứng thú, tập trung và khuyến khích trẻ chủ động tham gia vào câu chuyện, giúp cho hoạt động đọc không những sinh động mà còn mang lại nhiều lợi ích, như rèn luyện sự tập trung, chú ý.

Ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh: “Với trẻ em, quan trọng là việc dẫn dắt, đồng hành, khích lệ, khen thưởng thậm chí là yêu cầu, điều kiện và có sự giám sát, thực hiện liên tục trong thời gian dài, may ra mới hình thành được thói quen. Khi vượt qua được cái “ngưỡng” của sự bắt buộc, từ bị động chuyển qua đọc sách chủ động bằng sự hứng thú, trẻ sẽ đọc một cách say mê”.

Cuốn “Cùng con làm bạn với sách” được giới thiệu rộng rãi và được các trường học, các nhà giáo, phụ huynh đánh giá cao về ý nghĩa và phương pháp hiệu quả của cuốn sách. Cô Phan Thị Hồng, nhân viên thư viện Trường THCS Phú Hồ (Phú Vang) chia sẻ: “Cùng con làm bạn với sách” của tác giả Hoàng Trọng Thủy góp phần thay đổi sở thích của trẻ em ngày nay. Tôi mong cuốn sách này sẽ có mặt ở tất cả hệ thống thư viện trường học và nhà trường sẽ tổ chức giới thiệu cuốn sách này để các bậc cha mẹ, các em học sinh có cơ hội được tiếp cận, thực hành những điều tác giả tâm huyết.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/cuon-cam-nang-tao-cho-tre-thoi-quen-doc-sach-153497.html