Hội thảo nằm trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” do Thứ trưởng Bộ VHTTDL, PGS.TS Tạ Quang Đông làm chủ nhiệm đề tài.
Công nghệ tạo sự đổi mới cho nghệ thuật biểu diễn
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nghệ sĩ… để làm rõ hơn thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và tìm ra những giải pháp hiệu quả, có tính thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Minh Thu (Trưởng Ban Nghiên cứu nghệ thuật - Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) cho biết, trong thế kỷ XXI, công nghệ 4.0 ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội; trong đó có nghệ thuật biểu diễn.
Công nghệ 4.0 đã tạo sự thay đổi và phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mở ra nhiều cơ hội mới cho sáng tạo, sản xuất, phân phối và trải nghiệm nghệ thuật. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và công nghệ 4.0 đã cho ra đời những sản phẩm và trải nghiệm độc đáo, mang tính tương tác, cá nhân hoá cao mà trước đây khó có thể thực hiện được.
TS. Trần Thị Minh Thu cho rằng, công nghệ 4.0 cho phép khán giả đắm chìm trong không gian biểu diễn như thật, tạo nhiều hiệu ứng sống động, cuốn hút người xem; giúp nghệ thuật biểu diễn tiếp cận khán giả toàn cầu, vượt qua giới hạn về địa lý.
“Tuy nhiên trong thực tế, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hạn chế. Một phần vì sử dụng khó, chi phí vận hành cao, phần vì cơ sở vật chất và trang thiết bị đã lạc hậu hoặc không được đầu tư đồng bộ”, TS. Trần Thị Minh Thu nêu.
Cùng với đó, đội ngũ nhân sự kỹ thuật còn chưa nắm chắc cách vận hành, các công nghệ mới. Các biên đạo, đạo diễn cũng chưa hiểu rõ tác dụng, phương pháp áp dụng trên thực tế.
Một số chương trình được áp dụng công nghệ mới thì chưa đảm bảo tính nghệ thuật, tương tác, thiên về trình chiếu hình ảnh; dẫn đến hiệu quả chưa cao. Thị trường công nghiệp biểu diễn ở nước ta cũng vì thế chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có.
Phát triển đồng bộ hạ tầng, công nghệ
Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) nhấn mạnh, công nghệ 4.0 đang mang lại những giá trị, hình thức tiếp cận, thu hút khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.
Hàng trăm hiệu ứng, phần mềm từ đơn giản đến phức tạp được phát triển đang tạo nên nhiều sự lựa chọn cho đội ngũ những nhà sáng tạo nghệ thuật. Qua đó, quan điểm, phương pháp dàn dựng đã có những thay đổi một cách nhanh chóng.
Công nghệ 4.0 đã tạo ra nhiều hiệu ứng, hiệu quả mới. Nhiều thể loại, hình thức nghệ thuật được hưởng lợi, tạo ra nhiều triển vọng để phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra nước ngoài; tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nghệ thuật của nước nhà.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết thêm, công nghệ 4.0 không chỉ thu hút người xem mà còn góp phần quan trọng vào sáng tạo các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, giúp nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả; tạo ra những xu thế mới trong xu hướng toàn cầu.
Minh chứng là nhiều chương trình trên thế giới và tại Việt Nam khi áp dụng công nghệ 4.0 đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan toả, đem đến trải nghiệm phong phú cho khán giả; có sự cộng hưởng giữa những giá trị truyền thông và hiện đại.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL về phê duyệt Kế hoạch xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá được đề cao. Mục tiêu hướng đến là phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ hiện đại đáp ứng được yêu cầu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu rõ, trong phát triển công nghiệp văn hoá, nghệ thuật biểu diễn được coi là lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống là vấn đề cần được tập trung thực hiện. Trong dòng chảy của nghệ thuật biểu diễn hiện nay, rất cần có những nghiên cứu, giải pháp từ lý luận đến thực tiễn để tạo ra sự “chuyển dịch” thực sự trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
“Việt Nam cần có sự định vị rõ ràng những giá trị mà nghệ thuật biểu diễn mang lại, nhất là khi tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0; nhất là với nghệ thuật truyền thống. Để làm được điều này, chúng ta không thể đi sau mà phải hoà chung vào dòng chảy phát triển của thế giới.
Do đó, đề tài Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần có sự nghiên cứu công phu, tạo ra sự thay đổi mang tính bền vững và thực chất”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề như cơ sở lý luận, thực tiễn về ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; tầm quan trọng của công nghệ 4.0 đối với nghệ thuật biểu diễn; các công nghệ mới ứng dụng vào nghệ thuật biểu diễn sẽ mang lại những đặc điểm, ưu thế nổi trội, hiệu ứng nào?...
Hội thảo cũng trao đổi về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn ở một số nước tiêu biểu, những bài học thành công và cả chưa thành công để Việt Nam học hỏi; thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam; giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm năng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật trong giai đoạn mới…
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/da-dang-hoa-trai-nghiem-cho-khan-gia-148406.html
Bình luận (0)