Đề nghị bãi bỏ hẳn quy định về công bố hợp quy
Sáng 10/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi, bổ sung), đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Bắc Ninh đề nghị bãi bỏ hẳn quy định về công bố hợp quy, chứ không giữ lại một phần như trong báo cáo thẩm tra dự luật.
Lý giải cho đề xuất này, bà Trần Thị Vân cho rằng quy định về công bố hợp quy chỉ là quy định mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết. Các sản phẩm nhóm 2 vốn là hàng hóa sản xuất kinh doanh có điều kiện đã được đánh giá và cấp giấy chứng nhận đầy đủ theo quy định của pháp luật và quốc tế, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã đảm bảo các điều kiện về quy trình sản xuất chất lượng.
"Việc một doanh nghiệp lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu, đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận là vô lý và lãng phí", đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.
Hơn nữa, những quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát các hoạt động đơn lẻ, thông qua một mẫu mà doanh nghiệp đi kiểm nghiệm.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, điều này dẫn đến doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách làm mẫu tốt mang đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà mẫu không tốt. Đây là kẽ hở để một bộ phận doanh nghiệp gian dối đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn công bố như vụ việc gần 600 nhãn sữa giả vừa qua.
Cùng với đó, công bố hợp quy sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi, giảm mức độ cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu Trần Thị Vân dẫn chứng, chỉ để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy trong một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình 3-5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15-30 triệu đồng. "Thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm/lần, tạo ra chu kỳ lãng phí liên tục. Đơn cử với một nhà máy 300-500 sản phẩm, chi phí có thể đội lên 1,5-2 tỷ đồng", bà Vân nhấn mạnh.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng cho rằng, chi phí thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy là một gánh nặng tài chính không nhỏ, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian kéo dài để hoàn tất các thủ tục này làm chậm quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, giảm sức cạnh tranh. Điều này vô hình chung làm tăng chi phí sản xuất chung, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa "Made in Vietnam".
Đại biểu Tú Anh đề xuất, Nhà nước chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm hiệu quả. Đây là xu thế tất yếu của cải cách hành chính hiện đại. Nguồn lực tiết kiệm từ việc cắt giảm tiền kiểm cần được tập trung đầu tư cho công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên đánh giá rủi ro và thông tin cảnh báo. Thị trường cần được giám sát chặt chẽ và bất kỳ hành vi gian lận, vi phạm nào về chất lượng cũng cần bị xử lý nghiêm khắc để tạo tính răn đe.
Đại biểu Trịnh Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng
Không nên chỉ dừng ở việc "đi sau để hội nhập"
Tiếp đó, đại biểu Tú Anh góp ý về việc nâng cao vai trò dẫn dắt của hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia. Hiện nay có hơn 60% tiêu chuẩn Việt Nam của chúng ta được xây dựng trên cơ sở hài hòa, chấp nhận từ tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc "đi sau để hội nhập", chúng ta sẽ khó có thể bứt phá. Việt Nam chưa có nhiều tiêu chuẩn quốc gia mang tính dẫn dắt, tạo ra xu thế, hay thể hiện vai trò tiên phong của quốc gia trong những lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh hoặc có định hướng chiến lược phát triển.
Nữ đại biểu này đề xuất, Luật sửa đổi cần quy định rõ ràng, mạnh mẽ chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể để phát triển các tiêu chuẩn Việt Nam mang tính tiên phong. Cần có những chương trình quốc gia về phát triển tiêu chuẩn dẫn dắt, xác định các lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam có lợi thế hoặc có ý nghĩa chiến lược như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu và y học cổ truyền, năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số quốc gia, trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng, công nghệ chuỗi khối (blockchain), và logistics xanh... Hình thành cơ chế "đặt hàng" từ Nhà nước và thị trường cho việc nghiên cứu - xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam theo định hướng "Make in Vietnam".
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ra-ke-ho-de-doanh-nghiep-gian-doi-trong-vu-600-nhan-sua-gia-20250510143620049.htm
Bình luận (0)