Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân "bứt tốc"

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thời ĐạiThời Đại16/05/2025

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân "bứt tốc"
Các đại biểu đã tập trung phân tích những điểm nghẽn hiện tại, đề xuất các giải pháp đột phá để thúc đẩy khu vực kinh tế này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 15/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Các đại biểu đã tập trung phân tích những điểm nghẽn hiện tại, đề xuất các giải pháp đột phá để thúc đẩy khu vực kinh tế này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tạo tiền đề để kinh tế tư nhân "bứt tốc"

Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự bứt phá, cần có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tháo gỡ các rào cản về thể chế, nguồn lực và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Dự thảo Nghị quyết được kỳ vọng là "cú hích" quan trọng, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và Bộ Tài chính, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế tổng thể, do đó cần có sự kết nối với các thành phần kinh tế khác như kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Khi đề ra một hệ thống các giải pháp, cơ chế thể chế nên có những chính sách kết nối giữa các thành phần kinh tế chứ không chỉ riêng kinh tế tư nhân," Đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân "bứt tốc"
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế tổng thể, do đó cần có sự kết nối với các thành phần kinh tế khác như kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. (Ảnh: Vietnam+)

Một trong những vấn đề khác được các đại biểu Quốc hội quan tâm là tính rõ ràng và cụ thể của các khái niệm trong dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khái niệm "doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" cần được xem xét, điều chỉnh để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với thực tiễn.

"Tôi thấy rằng khái niệm này trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ," ông Hùng nói và đề xuất bổ sung các khái niệm quan trọng khác, như vườn ươm công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, dự án xanh, dự án tuần hoàn và thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử… để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Đại biểu Hùng đề nghị nâng cao tính răn đe bằng cách sử dụng cụm từ "nghiêm cấm" thay vì "xử lý nghiêm" đối với các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Điểm mới trong dự thảo Nghị quyết với nhiều đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù cho kinh tế tư nhân, bao gồm hỗ trợ về ngân sách, đất đai và thuế phí. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ủng hộ việc các địa phương sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần bổ sung thêm "cơ chế chính sách ưu đãi, thuận lợi" để đảm bảo thủ tục đăng ký, đầu tư, tham gia vào các khu công nghiệp được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

Liên quan đến hỗ trợ thuế phí, đại biểu Hùng đánh giá cao các nội dung miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song, ông cho rằng mức ưu đãi này vẫn chưa tương xứng so với các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI, do đó cần cân nhắc để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng nêu vấn đề doanh nghiệp có thể “lách” thuế bằng cách thành lập pháp nhân mới sau 3 năm để tiếp tục hưởng ưu đãi, do đó cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Cần nhấn mạnh vai trò của cơ quan công quyền

Trong khi đó, Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) lại đặt vấn đề về "quán tính thể chế," tức là những ảnh hưởng kéo dài từ thời kỳ kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Những điều đã gây khó khăn cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, ông dẫn chứng các số liệu về sự thiên lệch trong tiếp cận chính sách và nguồn lực, chi phí không chính thức phổ biến, thực trạng sợ trách nhiệm và trì trệ trong cạnh tranh cũng như khó khăn trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

"Theo báo cáo CPI năm 2023, chỉ có 29,6% doanh nghiệp tư nhân đánh giá việc tiếp cận đất đai là thuận lợi, 63% doanh nghiệp FDI và 73% doanh nghiệp Nhà nước được ưu tiên bố trí đất công và tài sản công thông qua các cơ chế đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định," đại biểu Trung Anh dẫn chứng.

Thêm vào đó, ông Trung Anh đặt câu hỏi liệu dự thảo Nghị quyết đã đủ quan tâm đến vai trò của các cơ quan công quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hay chưa. Nghị quyết này chưa đề cập đến phần còn lại, đó là của các cơ quan hành pháp - đây là lực lượng phải hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân chuyển sang thời kỳ mới trở thành một trong những trụ cột lớn của của Nhà nước. Theo đó, Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng của Nghị quyết, bao gồm cả các cơ quan công quyền của Nhà nước, để đảm bảo sự chuyển đổi tư duy và hành động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân "bứt tốc"
Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) lại đặt vấn đề về "quán tính thể chế," tức là những ảnh hưởng kéo dài từ thời kỳ kinh tế Nhà nước là chủ đạo. (Ảnh: Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Diễm (đoàn Trà Vinh) đề nghị dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp, nông thôn và khoa học kỹ thuật ứng dụng. Bà đề xuất phân nhóm cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Thêm vào đó, bà Diễm đề nghị làm rõ cụm từ "dấu hiệu vi phạm rõ ràng" trong quy định về thanh tra doanh nghiệp đồng thời quy định rõ tỷ lệ phần trăm diện tích đất và số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.

Liên quan đến hỗ trợ lãi suất vay vốn, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Diễm đề xuất quy định rõ Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% trên năm trên tổng số vốn vay để tránh những cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện.

Về ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ, Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp, để tạo không gian tài chính đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ông cũng đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học.

Mặt khác, đại biểu Hồng Diễm đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, giáo án đào tạo, giáo viên, tổ chức đào tạo lao động, phục vụ sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của thị trường mà không phụ thuộc vào quy định hiện hành của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành.

Liên quan đến quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/7/2026, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ, cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về quy định và thủ tục nộp thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ, tạo cơ chế kiểm tra, giám sát, tăng cường tương tác giữa Cơ quan Thuế và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai. Đặc biệt, ông cho rằng cần quan tâm đến triển khai giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Theo Vietnamplus

https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-giai-phap-de-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-but-toc-post1038740.vnp

Nguồn: https://thoidai.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-giai-phap-de-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-but-toc-213560.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm