Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại Lộc chọn nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao để phát triển kinh tế bền vững

Thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển phù hợp, vừa phát huy lợi thế hiện có của xã Đại Lộc, vừa nâng cao giá trị sản xuất theo hướng bền vững.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng21/07/2025

Cánh đồng sản xuất lúa giống tại xã Đại Lộc. Ảnh: TÚ QUÂN
Cánh đồng sản xuất lúa giống tại xã Đại Lộc. Ảnh: TÚ QUÂN

Nền tảng từ nông nghiệp

Những năm qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa luôn được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống hợp tác xã nông nghiệp của địa phương, nằm trong tốp hợp tác xã điển hình toàn quốc. Đơn vị đang chủ động sản xuất và liên kết sản xuất lúa với diện tích hơn 300ha.

Ông Trương Cảm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa chia sẻ, đơn vị đã chủ động liên kết với nông dân địa phương để sản xuất các giống lúa theo quy trình an toàn, bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời cung cấp giống, vật tư đầu vào để nông dân sản xuất và thu mua toàn bộ loại lúa này nhằm sản xuất bánh tráng và gạo an toàn.

Liên kết với 6 doanh nghiệp bao tiêu khoảng 1.000 tấn lúa giống cho thành viên, với mức giá thu mua cao gấp 2,5-3 lần so với sản xuất lúa thương phẩm.

Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn Đại Lộc luôn tích cực tuyên truyền tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất. Xây dựng phương án tích tụ ruộng đất nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao đời sống nông dân.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Đại Lộc gần 2.950ha, với tổng sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hằng năm đạt hơn 21.000 tấn. Trong đó, diện tích liên kết sản xuất lúa giống là 476ha, chiếm hơn 22% tổng diện tích sản xuất lúa toàn xã.

Ông Huỳnh Hưng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lộc cho biết, phát huy thế mạnh nông nghiệp của 5 địa phương thuộc huyện Đại Lộc cũ trước khi sáp nhập (Đại Hiệp, Đại Nghĩa, Đại An, Đại Hòa, Ái Nghĩa), hiện nay xã Đại Lộc đã xác định 2 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh.

Trong đó, vùng 1 tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật với các sản phẩm chủ yếu là rau sạch, cây màu, cây công nghiệp hằng năm và hình thành vùng nông nghiệp an toàn, vùng nguyên liệu OCOP (thuộc khu vực các xã Đại Nghĩa, Đại An, Đại Hòa cũ).

Vùng 2 phát triển chuyên canh sản xuất lúa, bắp, đậu xanh giống, trong đó thu hút các công ty giống, trường nông nghiệp, trung tâm sản xuất giống đầu tư, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị (thuộc khu vực thị trấn Ái Nghĩa, Đại Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Hòa cũ).

“Để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, chúng tôi ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong đó, phát huy vai trò chủ thể của các hợp tác xã nông nghiệp địa phương trong việc đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời tích cực thực hiện liên kết “4 nhà” gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”, ông Quang nói.

Thu hút công nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trên địa bàn xã Đại Lộc chiếm hơn 60%. Toàn xã có 6 cụm công nghiệp với 34 cơ sở sản xuất hoạt động ổn định, tổng số vốn đầu tư 4.450,5 tỷ đồng.

Bên trong nhà máy của Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam (doanh nghiệp nước Đức), hoạt động tại Cụm công nghiệp Đại An (xã Đại Lộc). Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương, Chủ tịch UBND xã Đại Lộc nói, thuận lợi của địa phương là nằm gần vùng “nội đô” của thành phố, có quốc lộ 14B đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển công nghiệp.

Định hướng của xã Đại Lộc là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực dọc quốc lộ 14B. Trong đó, ưu tiên thu hút dự án vốn FDI, dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, làm động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội.

Đồng thời triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch các cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt hơn 80%.

Để hiện thực hóa bước đột phá này, ông Khương cho biết, song song với xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư, xã Đại Lộc sẽ tạo môi trường thuận lợi, an toàn nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Đáng chú ý, địa phương định hướng phối hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 600ha.

Trong đó, kiến nghị thành phố đưa vào danh mục một số dự án động lực, trọng điểm liên quan đến công nghiệp như làm đường gom của các cụm công nghiệp Đại Hiệp, Đại An, Đại Nghĩa 2 có tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước khoảng 46 tỷ đồng.

Thu hút vốn đầu tư tư nhân vào dự án xây dựng khu xử lý nước thải tập trung và hệ thống đường ống dẫn nước thải tại lô đất phía tây giáp cụm công nghiệp Đại Hiệp (kinh phí 70 tỷ đồng); cùng các dự án thuộc Quyết định số 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ như đầu tư kết cấu hạ tầng các Cụm công nghiệp Đông Phú, Tích Phú, Đại Hiệp mở rộng, Đại An giai đoạn 2 và mở rộng.

Nguồn: https://baodanang.vn/dai-loc-chon-nong-nghiep-va-cong-nghiep-cong-nghe-cao-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-3297433.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm