Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan. (Nguồn: VOV) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm chính thức Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đối với quan hệ song phương và hợp tác Quốc hội giữa hai nước?
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc củng cố quan hệ giữa Armenia và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác giữa hai Quốc hội. Hai nước có quan hệ hữu nghị lâu dài và chuyến thăm một lần nữa khẳng định cam kết của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đây là cơ hội tuyệt vời để hai bên trao đổi ý tưởng, tìm kiếm những hướng hợp tác mới và xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho sự hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa.
Quan hệ giữa Quốc hội hai nước đóng vai trò quan trọng trong quan hệ song phương. Quốc hội Armenia và Quốc hội Việt Nam đã duy trì quan hệ hợp tác tích cực và xây dựng thông qua các chuyến thăm và đối thoại liên nghị viện.
Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan vào tháng 11 năm ngoái đã khôi phục đối thoại chính trị cấp cao sau gián đoạn do đại dịch COVID-19 và những diễn biến của khu vực cũng như toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng.
Hai nước cũng tích cực hợp tác trong các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và AIPA. Việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố quan hệ hợp tác toàn diện giữa Armenia và Việt Nam.
Hợp tác kinh tế song phương thời gian qua đã có bước tiến lớn, cụ thể là kim ngạch thương mại song phương năm 2024 của Việt Nam với Armenia đạt gần 500 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2023. Chúng ta có thể kỳ vọng vào những bước tiến ngoạn mục hơn nữa hay không, thưa Đại sứ?
Quan hệ giữa hai nước luôn được xây dựng trên nền tảng hữu nghị, cởi mở và chân thành. Mối liên kết lịch sử giữa Armenia và Việt Nam có từ thế kỷ XVII-XVIII, khi các thương nhân Armenia buôn bán ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Sang thế kỷ XX, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam, đáng chú ý là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Yerevan vào năm 1959. Các chuyên gia Armenia cũng đã làm việc tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc và hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hiện nay, có rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế giữa Armenia và Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam và vị trí chiến lược của Armenia tại khu vực Á-Âu, hai nước có thể tận dụng lợi thế để đẩy mạnh thương mại và đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan. (Nguồn: TTXVN) |
Thời gian tới, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, thương mại, giáo dục và giao lưu nhân dân. Việt Nam là đối tác quan trọng của Armenia trong khu vực ASEAN, và mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một chương trình hợp tác mang lại lợi ích chung cho cả hai quốc gia.
Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam để xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm thương mại, công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, giáo dục và khoa học.
Thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các quốc gia, con người và nền kinh tế. Việt Nam hiện là nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 800 triệu USD - cao hơn nhiều lần so với 15 năm trước.
Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm cơ hội để đưa nhiều sản phẩm Armenia vào thị trường Việt Nam.
Về đầu tư, Armenia kỳ vọng sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân. Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Armenia hoạt động tại Việt Nam, tham gia vào các dự án hợp tác chung, trong đó một số dự án đã được triển khai.
Trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu, Armenia đã thiết lập chế độ thương mại tự do với Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm Armenia như rượu brandy, rượu vang và hàng nông sản chế biến có tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam.
Để thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác, chúng tôi đang tích cực kết nối các doanh nghiệp Armenia và Việt Nam, hỗ trợ hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Armenia, đồng thời xem xét khả năng mở đường bay trực tiếp giữa hai nước. Ngoài ra, việc sắp tới ký kết thỏa thuận miễn thị thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và du lịch.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các doanh nghiệp Armenia tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Armenia. (Nguồn: TTXVN) |
Tình hữu nghị giữa hai dân tộc bắt nguồn từ giao lưu nhân dân. Đại sứ kỳ vọng như thế nào về sợi dây gắn kết này giữa hai nước với thế hệ trẻ?
Giao lưu nhân dân là yếu tố quan trọng giúp kết nối văn hóa. Trước khi Liên Xô tan rã, khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam đã theo học tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành ở Armenia.
Chúng tôi hy vọng con số này sẽ tăng trở lại, vì thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cầu nối và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Hội Hữu nghị Việt Nam-Armenia quy tụ những cá nhân đã từng học tập tại Armenia trong thời kỳ Liên Xô. Họ luôn trân trọng những kỷ niệm tại Armenia và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Armenia tại Hà Nội. Nhiều thành viên của hội đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp Đại sứ Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Suren Baghdasaryan ngày 18/2. (Ảnh: Anh Sơn) |
Armenia có thế mạnh về công nghệ và khởi nghiệp, Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang chú trọng này?
Armenia đã trở thành một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng. Kinh nghiệm của Armenia cho thấy, để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh cần:
Sự hỗ trợ của chính phủ & các chính sách ưu đãi: Thành lập các khu kinh tế đặc biệt và đưa ra các chính sách miễn, giảm thuế cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ.
Đầu tư vào giáo dục & nghiên cứu phát triển (R&D): Armenia chú trọng giáo dục STEM và hợp tác nghiên cứu, điều này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghệ.
Hợp tác quốc tế: Việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài đã giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo của Armenia.
Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm này bằng cách thúc đẩy các liên doanh, hỗ trợ trao đổi tri thức và khuyến khích khởi nghiệp công nghệ. Việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-armenia-chuyen-tham-cua-chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-danh-dau-buoc-tien-quan-trong-dac-biet-trong-hop-tac-quoc-hoi-310025.html
Bình luận (0)