Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại sứ Ito Naoki: Việt Nam là quốc gia có tầm quan trọng chiến lược với Nhật Bản

Đại sứ tin rằng quan hệ hợp tác trên diễn đàn quốc tế sẽ là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Ishiba Shigeru và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

VietnamPlusVietnamPlus24/04/2025

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29/4.

Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã chia sẻ với báo chí những tiến triển trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian gần đây, cũng như giới thiệu về mục đích chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản.

Củng cố 3 trụ cột hợp tác

Đại sứ Ito Naoki cho biết Quốc hội Nhật Bản sẽ có kỳ họp dài trong tháng Năm và tháng Sáu, nên các nhà lãnh đạo Nhật thường có một tuần trước kỳ họp được xem như “thời gian vàng” để thực hiện chuyến công du đến quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với Nhật Bản. Lần này, Thủ tướng Ishiba thăm Việt Nam và Philippines.

daisunhat.jpg
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki trả lời báo chí về chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản sắp tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại sứ Ito Naoki khẳng định Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, nơi có rất nhiều tiềm năng với dân số hơn 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Thủ tướng Ishiba từng có dịp gặp Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhưng ông chưa có lần nào gặp Tổng Bí thư Tô Lâm. Vì vậy, chuyến thăm lần này cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo Nhật Bản xây dựng và vun đắp quan hệ với Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam.

Đại sứ Ito Naoki cho biết Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và Nhật Bản tin rằng đây cũng sẽ là thời điểm để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Đại sứ cho rằng hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam chủ yếu được triển khai trên 3 trụ cột: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến mở rộng đầu tư và thương mại; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh; và thúc đẩy giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa.

vna-potal-thu-tuong-toa-dam-voi-cac-doanh-nghiep-nhat-ban-7881714.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng chủ trì Toạ đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ở trụ cột kinh tế, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, sự hợp tác giữa hai nước đóng vai trò rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này. Nhật Bản sẽ thúc đẩy cụ thể hợp tác trong các lĩnh vực chủ chốt mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển hơn nữa của Việt Nam.

Về năng lượng, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang được triển khai thông qua sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) do Nhật Bản đề xướng. Hai nước đã quyết định triển khai 15 dự án đầu tư của Nhật Bản vào năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất điện gió ngoài khơi và sản xuất điện mặt trời, với quy mô đầu tư lên tới 20 tỷ USD.

Hai nước hợp tác phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực như bán dẫn. Chương trình NEXUS của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, trong đó có hoạt động nghiên cứu chung về bán dẫn giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như phát triển nguồn nhân lực trẻ đang được xem xét. Ngoài ra, Trường Đại học Việt Nhật - dự án hợp tác chung giữa hai nước - đang chuẩn bị mở khóa đào tạo nhân sự ngành bán dẫn vào mùa Thu năm nay.

vna-potal-doi-thoai-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-nhat-ban-lan-thu-8-7752350.jpg
Ngày 12/12/2024, tại Tokyo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Funakoshi Takehiro đồng chủ trì Đối thoại Đối tác Chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 8. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Ở trụ cột an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru đã đến thăm Việt Nam. Vào tháng Tư, tàu khu trục Suzunami của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã cập cảng Đà Nẵng và tiến hành huấn luyện với hải quân Việt Nam.

Trong hai năm qua, hợp tác công nghệ trong lĩnh vực thiết bị quốc phòng đã có những bước tiến vững chắc. Năm 2023, Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ xử lý chống ăn mòn cho quân đội Việt Nam và năm 2024 Nhật Bản đã bàn giao cho Việt Nam hai xe vận chuyển vật tư.

Ở trụ cột giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản lên tới 630.000 người, lượng khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản là 620.000 người, khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam là 710.000 người mỗi năm.

Đại sứ khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo là thị trường mà người trẻ Việt Nam lựa chọn trong mục tiêu tìm kiếm việc làm. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình mới "Việc làm để phát triển kỹ năng", trong khi các doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng cải thiện hơn nữa môi trường làm việc cho người lao động Việt Nam.

vna-potal-chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-tiep-dai-su-nhat-ban-tai-viet-nam-ito-naoki-7642182.jpg
Chiều 9/10/2024, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Người lao động Việt Nam sẽ tiếp tục đến Nhật Bản, làm việc tại đây và học hỏi kỹ năng, sau đó quay trở về Việt Nam và đóng góp cho nền kinh tế và doanh nghiệp của Việt Nam. Sự luân chuyển nhân lực như vậy là yếu tố vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương.

“Có 170.000 người đang học tiếng Nhật tại Việt Nam. Đây là con số không hề nhỏ, nhưng chúng tôi muốn gia tăng thêm nữa, cũng như tăng thêm số lượng nhân lực tiếng Nhật trình độ cao. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ishiba Shigeru, Đại sứ quán Nhật Bản đang phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình khung với mong muốn gia tăng số lượng người học tiếng Nhật trong trung và dài hạn, hoàn thiện môi trường giáo dục tiếng Nhật,” Đại sứ cho biết.

Điểm nhấn văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản

Việt Nam và Nhật Bản cũng đang tích cực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Sự hợp tác này ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là khi tình hình toàn cầu không ngừng biến động.

Theo Đại sứ Ito Naoki, Việt Nam đang thực hiện chính sách ngoại giao chủ động hơn tại những diễn đàn như Liên hợp quốc hoặc ASEAN, và Nhật Bản cũng mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác và liên kết để ủng hộ định hướng của Việt Nam. Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì trong khuôn khổ hợp tác Nhật Bản-Mekong, và các bên sẽ cùng thảo luận để đạt được kết quả.

Đại sứ tin rằng quan hệ hợp tác trên diễn đàn quốc tế sẽ là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Ishiba Shigeru và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

vna-potal-le-hoi-giao-luu-van-hoa-phat-giao-viet-nam-nhat-ban-7726096.jpg
Lễ hội giao lưu Văn hóa Phật giáo Việt Nam–Nhật Bản ngày 27/11/2024 tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Nhân dịp này, Đại sứ cũng chia sẻ về sự hiện diện của Việt Nam tại Hội chợ triển lãm thế giới Expo 2025 Osaka, Kansai. Theo đó, nhiều hoạt động hấp dẫn tôn vinh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 9/9 - Ngày Quốc gia Việt Nam tại Expo 2025. Nhật Bản muốn cùng Chính phủ Việt Nam kỷ niệm ngày này một cách long trọng.

Đại sứ cũng giới thiệu một sự kiện văn hóa khác là Triển lãm nghệ thuật quốc tế Setouchi Triennale, được tổ chức 3 năm một lần tại các hòn đảo thuộc vùng Biển nội địa Seto nằm giữa đảo Shikoku và đảo Honshu ở Nhật Bản.

Năm nay, lần đầu tiên không gian ghệ thuật này có những sự kiện của Việt Nam, trong đó bao gồm một khu chợ bán đồ thủ công mỹ nghệ, vật phẩm và thực phẩm Việt Nam. Đây cũng là dịp giới thiệu góc nhìn đương đại chưa từng biết đến của thế hệ nghệ sỹ trẻ Việt Nam./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dai-su-ito-naoki-viet-nam-la-quoc-gia-co-tam-quan-trong-chien-luoc-voi-nhat-ban-post1034663.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm