Các cấp Hội phối hợp tổ chức 18 tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong tháng 4/2025 |
Đưa pháp luật đến gần với nông dân
Chỉ tính riêng trong tháng 4/2025, các cấp HND trên địa bàn thành phố đã phối hợp tổ chức lồng ghép 40 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với các chỉ thị, nghị quyết của Hội cho 2.000 lượt hội viên nông dân. HND thành phố tổ chức 9 lớp tập huấn thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với HND Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”.
Để công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, HND chú trọng việc duy trì sinh hoạt 7 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 420 thành viên tham gia. Thông qua hoạt động cụ thể của các câu lạc bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của hội viên, nông dân; nâng cao nhận thức và chấp hành chính sách, pháp luật cho hội viên, nông dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.
Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) ở xã Phú Hồ (Phú Vang) được biết đến là mô hình hiệu quả với sự tham gia của nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn. Mô hình này được thành lập dựa trên cơ sở các tổ, mỗi tổ gồm 10 - 15 người, có nhiệm vụ triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định về PCCC và CNCH; nắm chắc tình hình liên quan đến công tác PCCC, kịp thời phản ánh với chính quyền địa phương và công an xã để nhanh chóng xử lý khi có tình huống xảy ra.
Chủ tịch UBND xã Phú Hồ, ông Đào Vũ Bích cho biết: Từ công tác tuyên truyền của HND các cấp và chính quyền, các ngành ở địa phương, các hội viên nông dân đã tích cức tham gia các tổ liên gia an toàn PCCC và CNCH. Qua đó, hội viên nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình tự giác chấp hành các quy định pháp luật về PCCC và CNCH, tích cực tham gia mô hình…
Lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp
Các cấp Hội trên địa bàn đã triển khai các phong trào thi đua giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững nhằm góp phần củng cố, xây dựng niềm tin trong hội viên, nông dân. Theo HND thành phố Huế, tháng 4/2025, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 18 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho 800 lượt hội viên, nông dân. Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp và các lớp tập huấn về kinh tế tập thể cho 300 lượt người tham dự.
Ông Phan Xuân Nam, Phó Chủ tịch HND thành phố cho biết: Các cấp Hội tăng cường thành lập chi, tổ HND nghề nghiệp để giúp nông dân liên kết chặt chẽ hơn giữa các hội viên cùng thực hiện mô hình trên địa phương theo nguyên tắc “5 cùng", bao gồm: Cùng lĩnh vực lao động, sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng địa bàn sinh sống; cùng sử dụng một loại tài nguyên; cùng chịu trách nhiệm. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả và đầu ra trong tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao giá trị, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.
Điển hình như mô hình trồng rừng theo chứng chỉ FSC ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc). Trước thực trạng trồng rừng truyền thống, bà con chưa nắm bắt về kỹ thuật lâm sinh, trồng và chăm sóc, chu kỳ kinh doanh 4 - 5 năm khai thác, sản phẩm gỗ chỉ bán nguyên liệu giấy với giá rẻ, không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế từ rừng trồng thấp, HND ở xã đã vận động các hộ trồng rừng thành lập Chi hội chứng chỉ FSC rừng Hòa Lộc, ban đầu gồm 25 thành viên, với tổng diện tích hơn 189ha. Sau hơn 7 năm trồng và chăm sóc, tất cả rừng trồng FSC của các thành viên thuộc chi hội đến kỳ khai thác đã đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200 - 220m3/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60 - 70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên đến 250 - 300 triệu đồng/ha, trong khi rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác thì lợi nhuận chỉ khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả đó, chỉ sau vài năm, chi hội đã mở rộng lên 55 thành viên, với tổng diện tích gần 550ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Theo ông Phan Xuân Nam, các cấp HND sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tập hợp nông dân nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nông dân. Trong đó, lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với nhu cầu theo từng nhóm hội viên, nông dân, phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương và hoạt động Hội trong thời gian tới.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/dam-bao-hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-153597.html
Bình luận (0)