Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu ấn một thời 'ba đảm đang' ở Đồng Lạc (Nam Sách)

Việt NamViệt Nam18/04/2025


phu-nu-xa-dong-lac-ba-dam-dang-2-.jpg
Bà Nguyễn Thị The ôn lại truyền thống "ba đảm đang" của phụ nữ xã Đồng Lạc với cán bộ phụ nữ hiện nay

100% cán bộ xã là nữ

Những năm 1965-1968, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Mục tiêu của chúng là đánh vào những trọng điểm giao thông, quân sự và những nơi đông dân cư. Xã Đồng Lạc được xác định có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, nằm giữa 2 gọng kìm của quốc lộ 5A, 5B và đường 17 từ Hải Dương sang Quảng Ninh; đồng thời ở trung tâm giữa 2 cầu phao Bến Hàn và Cổ Pháp; hai cầu lớn Phú Lương và Lai Vu.

Bởi vậy, Đồng Lạc trở thành một trong những trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Trên địa bàn xã, lực lượng bộ đội bố trí dày đặc, tổ chức đánh giặc bất kể đêm ngày.

Lúc bấy giờ, thanh niên lên đường chiến đấu, phụ nữ ở lại đảm nhận nhiều cương vị quan trọng trong tổ chức Đảng, chính quyền. Ở Đồng Lạc, tất cả những chức danh chủ chốt của xã và Hợp tác xã nông nghiệp từ Bí thư Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã, Trưởng công an xã, Xã đội trưởng đến các Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đều do phụ nữ đảm nhiệm.

Bà Ninh Thị Đàm (sinh năm 1937) là số ít những cán bộ nữ của xã Đồng Lạc thời kỳ ấy hiện còn sống và minh mẫn. Ngày ấy, bà Đàm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã. Theo lời kể của bà Đàm, theo sự phân công của tổ chức, lúc thì bà tham gia công tác ở xã, lúc ở cùng trung đội dân quân. Mỗi khi địch đánh bom, cày xới đường sá, phải tham gia lấp đường. Có những gia đình trúng bom địch, nhà cửa bị san phẳng, thậm chí có nhiều người thiệt mạng, bà lại cùng các đồng chí cán bộ xã đến chỉ đạo công tác hỗ trợ, mai táng chu đáo cho người dân.

“Vững tay cày, chắc tay súng”

phu-nu-xa-dong-lac-ba-dam-dang.jpg
Thời kỳ phong trào phụ nữ "ba đảm đang", bà Ninh Thị Đàm vừa tròn việc nước, vẹn việc nhà khi chồng đi chiến đấu. Trong ảnh: Bà Đàm cùng chồng là ông Lê Như Lộc

Nhắc về hình ảnh phụ nữ “ba đảm đang” ở xã Đồng Lạc, nhiều người dân nơi đây vẫn nhớ câu chuyện về bà Vũ Thị Hội ở thôn Quan Đình. Khi bà đang gánh nước uống tiếp tế cho bộ đội, đi đến giữa đường thì máy bay địch ập đến rải bom. Mảnh bom đã phá hỏng một thùng nước nhưng bà vẫn không hề nao núng, sợ hãi. Bà bình tĩnh xách thùng nước còn lại phăng phăng tiến về phía trước, tiếp tế cho bộ đội. Hành động dũng cảm của bà đã thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh cho đảng viên và nhân dân xã Đồng Lạc hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị The (sinh năm 1944) khi ấy đảm nhận chức Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Năm tháng qua đi, khiến cho giờ đây sức khỏe của bà đã giảm sút rất nhiều. Nhớ lại thời kỳ ấy bằng những ký ức đứt đoạn, bà The xúc động nói: “Thời kỳ ấy không phân biệt phụ nữ hay nam giới, tất cả phụ nữ chúng tôi ban ngày thì tăng gia sản xuất, tối đến lại cùng bộ đội trực chiến đấu. Khi bộ đội bắn máy bay địch thì mình khuân đạn tiếp tế. Nhiều người bị thương. Chúng tôi lại khênh thương binh về chùa sơ cứu để sau đó đơn vị y tế quân đội chuyển lên tuyến trên điều trị”.

Tình hình chiến đấu cam go khiến cho công tác sản xuất của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. 6/11 thôn của xã bị máy bay bắn phá, cày nát nhiều ngôi nhà, nhiều thửa ruộng. Mặt khác, thiên tai khắc nghiệt như bệnh lúa vàng lụi, hạn hán rồi bão lũ vào thời điểm ấy gây vô vàn khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

“Công tác sản xuất phức tạp lắm. Địch đánh đêm thì mình làm ngày, địch đánh ngày thì mình làm đêm, thậm chí những ngày trời không có trăng cũng cùng nhau mò mẫm trong bóng tối mà làm. Tóm lại, cứ im tiếng súng, lặng tiếng bom là đi làm để bảo đảm sản xuất bình thường, lấy lương thực cho nhân dân và góp phần cung cấp cho quân đội”, bà Đàm cho biết.

"Vững tay cày, chắc tay súng”, phụ nữ Đồng Lạc đã vượt khó khăn, góp phần bảo đảm năng suất lúa bình quân đạt 58 tạ/ha, là mức cao so với địa phương khác ở miền Bắc lúc bấy giờ. Cá biệt, năm 1968, dù thiên tai úng lụt gây mất mùa, Đồng Lạc vẫn bảo đảm đóng thuế cho nhà nước 362 tấn thóc, 45 tấn thực phẩm, ủng hộ bộ đội hàng chục tấn rau xanh và hoa quả tươi.

Với những thành tích ấn tượng trong sản xuất và chiến đấu, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh đã ghi nhận xã Đồng Lạc là xã “ba đảm đang”. “Thời kỳ này, xã được gọi với cái tên trìu mến - xã ba đảm đang vì phong trào được ra đời và phát triển trong những năm giặc Mỹ đánh phá Hải Dương dữ dội nhất, bom đạn địch tàn phá nhiều nơi trên địa bàn xã, nhưng đến năm 1972 xã vẫn đạt 5 tấn thóc/ha”, cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Lạc (giai đoạn 1955 - 2010) đã ghi lại những dòng vẻ vang như thế.

Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “ba đảm nhiệm” với nội dung: đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Sau đó phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “ba đảm đang”.

THANH NGA


Nguồn: https://baohaiduong.vn/dau-an-mot-thoi-ba-dam-dang-o-dong-lac-nam-sach-409555.html

Chủ đề: ba đảm đang

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm