Giáo hoàng Francis (tên khai sinh: Jorge Mario Bergoglio) sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ khi được bầu chọn vào ngày 13/3/2013. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Tây Bán cầu, Nam Mỹ và dòng Tên (Jesuit).
Lòng thương xót, đối thoại liên tôn giáo...
Thời kỳ của Giáo hoàng Francis nổi bật với sự tập trung vào lòng thương xót, tính khiêm nhường, công lý xã hội, đối thoại liên tôn giáo...
Giáo hoàng Francis tuyên bố 2015 - 2016 là Năm thánh ngoại thường về lòng thương xót, khuyến khích Giáo hội nhấn mạnh sự cảm thông và tha thứ. Ngài nổi tiếng với những hành động khiêm nhường như rửa chân cho tù nhân, bao gồm cả phụ nữ và người ngoài Công giáo trong các nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh.
Giáo hoàng Francis năm 2021. Ảnh: Quirinale.
Năm 2015, Giáo hoàng Francis đưa ra Thông điệp Laudato si’, đề cập các vấn đề môi trường và kêu gọi hành động toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Năm 2023, Ngài đưa ra Tông huấn Laudate Deum. Là phần tiếp theo của Laudato si’, tông huấn này nhấn mạnh sự cấp bách của việc đối phó khủng hoảng khí hậu và phê phán việc phủ nhận biến đổi khí hậu.
Giáo hoàng Francis với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania năm 2017. Ảnh: White House.
Năm 2019, Giáo hoàng Francis cùng với Đại giáo sĩ Ahmad al-Tayyeb của Đại học Hồi giáo Al-Azhar (Cairo, Ai Cập) ký Tuyên ngôn về Tình huynh đệ nhân loại, nhằm thúc đẩy hòa bình và chung sống giữa các tôn giáo khác nhau.
Giáo hoàng Francis đã thực hiện các chuyến thăm quan trọng tới nhiều quốc gia Hồi giáo như Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Iraq..., thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo.
Giáo hoàng Francis tại một chủng viện ở Argentina, nơi Ngài theo học để trở thành linh mục vào những năm 1950. Ảnh: Wikipedia.
Về công lý xã hội và vấn đề kinh tế, Giáo hoàng Francis chỉ trích chủ nghĩa tư bản, ủng hộ người di cư và tị nạn. Ngài lên án chủ nghĩa tư bản không kiềm chế và bất bình đẳng kinh tế, kêu gọi các hệ thống kinh tế ưu tiên phẩm giá con người hơn lợi nhuận.
Giáo hoàng Francis luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc đón nhận và bảo vệ người di cư, kêu gọi các quốc gia thể hiện lòng nhân ái và đoàn kết.
Vương cung thánh đường Thánh Peter, Vatican. Ảnh: Jebulon.
Những câu nói nổi tiếng của Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis đã chia sẻ nhiều câu nói sâu sắc phản ánh tầm nhìn của Ngài về lòng thương xót, công bằng xã hội và tình yêu thương. Dưới đây là một số câu nói nổi tiếng của Ngài.
-“Một chút lòng thương xót làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và công bằng hơn”
-“Chúng ta phải khôi phục hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, mở lòng với tương lai, lan tỏa tình yêu thương. Hãy sống nghèo giữa những người nghèo”
-“Tình yêu là sức mạnh vĩ đại nhất để biến đổi thực tại vì nó phá bỏ những bức tường của sự ích kỷ và lấp đầy những hố sâu ngăn cách chúng ta”
-“Tình yêu không đứng yên, mà phục vụ người khác. Những ai yêu thương thì nhanh chóng phục vụ, nhanh chóng dấn thân vào việc phục vụ người khác”
-“Ngay cả khi chúng ta không biết ngày mai sẽ mang lại điều gì, chúng ta cũng không nên nhìn về tương lai với sự bi quan và từ bỏ. Chúng ta chọn tình yêu và tình yêu làm cho trái tim chúng ta nhiệt thành và hy vọng”
-“Lòng tốt không phải là một chiến lược ngoại giao, mà là một hình thức của tình yêu mở lòng đón nhận và giúp chúng ta trở nên khiêm nhường hơn”
-“Làm ơn tránh xa việc nói xấu. Nói xấu giết chết, nói xấu đầu độc”
-“Quyền con người không chỉ bị vi phạm bởi khủng bố, đàn áp hay ám sát, mà còn bởi các cấu trúc kinh tế bất công tạo ra sự bất bình đẳng to lớn”...
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis thúc đẩy một hình thức quản trị Giáo hội mang tính bao trùm và tham vấn cao hơn, khuyến khích đối thoại cởi mở giữa giáo sĩ và giáo dân.
Năm 2016, Ngài đưa ra Tông huấn Amoris Laetitia, thảo luận về tình yêu và đời sống gia đình, mở ra cơ hội cho người Công giáo ly hôn và tái hôn tham gia đầy đủ hơn vào đời sống Giáo hội.
Về các vấn đề đạo đức và luân lý, Giáo hoàng Francis phản đối án tử hình, phản đối phá thai. Ngài tuyên bố án tử hình là không thể chấp nhận trong mọi trường hợp, đồng thời cập nhật Giáo lý Công giáo để phản ánh lập trường này. Ngài vẫn giữ quan điểm phản đối phá thai, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sự sống từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên.
Hồi ký về lạm dụng tình dục, tham nhũng
Trong hồi ký “Hope” (Hy vọng) xuất bản tháng 1/2025, Giáo hoàng Francis chia sẻ về những thách thức trong triều đại giáo hoàng, bao gồm lạm dụng tình dục trong Giáo hội và tham nhũng tài chính tại Vatican.
Ngay sau khi được bầu chọn vào năm 2013, Giáo hoàng Francis liền đến gặp người tiền nhiệm của mình là Benedict XVI (lúc đó đã từ nhiệm) tại dinh thự mùa hè Castel Gandolfo. Trong cuộc gặp này, ông Benedict trao cho Giáo hoàng Francis một chiếc hộp trắng lớn chứa các tài liệu mật.
Ông Benedict nói rằng nội dung trong hộp liên quan đến “những tình huống khó khăn và đau đớn nhất: các vụ lạm dụng, tham nhũng, giao dịch đen tối và sai phạm”. Ông nói thêm: “Tôi đã làm được đến đây, đã thực hiện những hành động này, đã loại bỏ những người liên quan. Bây giờ đến lượt Ngài”.
Giáo hoàng Francis trò chuyện với Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner; tay Ngài cầm ly đựng đồ uống mate truyền thống của Argentina. Ảnh: Wikipedia.
Hành động này tượng trưng cho việc chuyển giao trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề nhức nhối trong Giáo hội.
Giáo hoàng Francis thừa nhận khủng hoảng lạm dụng tình dục trong hàng ngũ linh mục đã tác động sâu sắc đến Giáo hội; Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của trách nhiệm và sự sám hối.
Con tem về chuyến viếng thăm mục vụ của Giáo hoàng Francis tới Azerbaijan ngày 2/10/2016. Ảnh: Post of Azerbaijan.
Giáo hoàng bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc về những tổn thương do các linh mục phạm tội gây ra. Ngài nói: “Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, tôi đã cảm nhận được trách nhiệm đối với tất cả tội ác do một số linh mục, vốn rất đông, gây ra”.
Người đứng đầu Tòa Thánh nhấn mạnh trách nhiệm của Giáo hội trong việc xin lỗi và chuộc lỗi cho những tổn thất khủng khiếp mà các nạn nhân phải chịu đựng. Ngài cũng nêu rõ các biện pháp đã được triển khai để chống lại nạn lạm dụng và hỗ trợ nạn nhân.
Giáo hoàng Francis rửa chân cho các tù nhân vào Thứ Năm Tuần Thánh ở Paliano, Ý, năm 2017. Ảnh: Vatican News.
Hồi ký “Hope” cũng đề cập đến những vụ bê bối tài chính làm xấu hình ảnh Vatican. Giáo hoàng Francis trình bày những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy tính minh bạch và liêm chính trong các tổ chức tài chính của Giáo hội.
Ngài mô tả cải cách quản lý tài chính của Vatican là “nhiệm vụ khó khăn nhất” trong triều đại giáo hoàng của mình, đồng thời chỉ ra sự chống đối mạnh mẽ từ những người có lợi ích gắn bó với các thực tiễn cũ kỹ.
Dù đối mặt với nhiều thử thách, Ngài khẳng định rằng sự thật không bao giờ bị che giấu và “bóng tối” luôn là lựa chọn tồi tệ nhất.
Giáo hoàng Francis gặp gỡ các tù nhân và nhân viên của nhà tù dành cho phụ nữ Rebibbia ở Rome vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/3/2024. Ảnh: Vatican Media.
Xuyên suốt “Hope”, Giáo hoàng Francis chia sẻ về hành trình cải cách liên tục của Giáo hội. Ngài thừa nhận những khó khăn khi đối diện các vấn đề ăn sâu bám rễ, nhưng vẫn kiên định trong cam kết thúc đẩy văn hóa minh bạch, trách nhiệm và lòng trắc ẩn.
Hồi ký của Ngài không chỉ là sự phản tỉnh cá nhân mà còn là lời kêu gọi hành động, kêu gọi Giáo hội tiếp tục phấn đấu vì công lý và đổi mới dù phải đối mặt nhiều khó khăn.
Giáo hoàng Francis rời Nhà nguyện Sistine sau khi được bầu làm giáo hoàng và ngay trước khi xuất hiện lần đầu tiên trên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 13/3/2013 tại Vatican. Ảnh: L'Osservatore Romano.
Nguồn: https://tienphong.vn/dau-an-sau-dam-cua-giao-hoang-francis-post1719568.tpo
Bình luận (0)