Gửi tiết kiệm, vàng, chứng khoán hay bất động sản thường được xem là những kênh đầu tư thu hút nhiều người "xuống tiền", với mục tiêu cất giữ hay thu lời từ các khoản nhàn rỗi. Khẩu vị của nhà đầu tư cũng thay đổi trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.
Xét từ đầu năm đến nay, vàng đang sinh lời tốt nhất trong số các kênh đầu tư.
Vàng tăng 40% trong nửa năm
Từ đầu năm, giá vàng trong nước và thế giới đã ghi nhận những biến động đáng chú ý với xu hướng tăng mạnh, phản ánh ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị toàn cầu.
Biểu đồ giá từ đầu năm cho thấy, từ đầu tháng 1, giá vàng bắt đầu tăng đều và liên tục, đặc biệt tăng vọt từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Thời điểm cao nhất, giá SJC chạm mốc 124 triệu đồng/lượng, trước khi điều chỉnh nhẹ và ổn định quanh mức 120 triệu đồng/lượng hiện nay.
Theo dữ liệu đến hiện tại, giá bán ra của vàng miếng SJC đang ở quanh 120-121 triệu đồng/lượng, nhẫn trơn ở mức 116 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi cũng lên tới 106,4 triệu đồng/lượng.
Ngày 1/1, giá vàng miếng SJC ở mức khoảng 85 triệu đồng/lượng. Đến hết tháng 6, giá đã tăng lên vùng giá 120 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 35 triệu đồng, tương đương hơn 40% chỉ trong vòng nửa năm. Tuy giá vàng thế giới cũng tăng mạnh nhưng biên độ thấp hơn và vẫn thấp hơn đáng kể so với giá SJC trong nước.
Nếu một nhà đầu tư mua vàng miếng SJC vào ngày đầu năm với giá 85 triệu đồng/lượng, sau nửa năm, họ tạm lãi gần 33 triệu đồng/lượng, tương đương gần 40%, mức sinh lời cao so với nhiều kênh đầu tư khác trong cùng giai đoạn.
Ngược lại, nếu mua vàng ở đỉnh giá khoảng 124 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 4, và nắm giữ đến thời điểm hiện tại, người mua đã lỗ khoảng 6,2 triệu đồng/lượng. Mức lỗ chưa quá lớn, nhưng cho thấy rủi ro của việc mua vào khi thị trường tăng nóng.

Vàng vẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nửa đầu năm (Ảnh: Mạnh Quân).
Trước đó, năm 2024, thị trường vàng được các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá là một năm đầy biến động, mang tính cột mốc trong lịch sử với những diễn biến trước nay chưa từng có tiền lệ.
Đơn cử như việc khi giá vàng trong nước lẫn quốc tế liên tục có đỉnh kỷ lục mới, thị trường đã có những diễn biến nổi cộm. Ngân hàng Nhà nước lần đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng sau hơn 10 năm. Người dân xếp hàng để mua vàng với mức giá “bình ổn”. Lần đầu tiên, khách muốn mua vàng phải đăng ký trực tuyến. Mặt hàng vàng miếng, vàng nhẫn trở nên khan hiếm trên thị trường...
Từ đầu năm, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi có xu hướng tăng mạnh. Nếu đầu tháng 1, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 81-82 triệu đồng/lượng, còn giá SJC khoảng 85 triệu đồng/lượng, thì mức chênh chỉ khoảng 3-4 triệu đồng.
Đến đầu tháng 5, khi giá vàng đạt đỉnh, giá vàng thế giới ở mức 107 triệu đồng/lượng, còn SJC vượt 122 triệu đồng/lượng - chênh lệch lên tới hơn 15 triệu đồng/lượng. Tính đến ngày hết quý II, dù giá đã hạ nhẹ, khoảng cách giữa vàng SJC và vàng thế giới vẫn hơn 10 triệu đồng/lượng.
Chứng khoán tăng gần 9% sau nửa năm
VN-Index - chỉ số đại diện cho sàn TPHCM chốt phiên giao dịch cuối tháng 6 tại 1.376 điểm, tăng 3,3% so với tháng trước và 8,6% so với đầu năm. Đây là vùng giá cao nhất của chỉ số kể từ 4/2022 đến nay.
Nửa năm qua, thị trường chứng khoán trải qua nhịp điều chỉnh mạnh và đột ngột vào đầu tháng 4 do thông báo áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhịp giảm này khiến VN-Index mất 17%, thủng mốc 1.100 điểm và buộc nhiều công ty chứng khoán hạ dự báo triển vọng tăng trưởng năm nay.

Chứng khoán Việt lên đỉnh 3 năm (Ảnh: Đăng Đức).
Thị trường sau đó hồi phục mạnh nhờ những hành động giảm thiểu tác động của thuế quan từ Chính phủ. Kết quả đàm phán mới đây đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ. Mới nhất, tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính ngày 2/7, ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nói về triển vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9, sau hàng loạt giải pháp đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức đánh giá.
Lãi suất ở vùng thấp
Năm 2023, sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành, các ngân hàng bước vào "cuộc đua" giảm lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức đỉnh 10-12,5%/năm thời điểm đầu năm được điều chỉnh xuống chỉ còn 5% trước khi năm 2023 khép lại.
Sang năm 2024, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm nhưng đến cuối năm, các ngân hàng đã bắt đầu trả lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng, tuy nhiên đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ. Năm 2024, mỗi tháng có ít nhất 10 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Sang năm nay, lãi suất được điều chỉnh tăng liên tục trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại về lãi suất ngày 25/2, 29 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 đến 1,05 điểm %/năm.
Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" thanh, kiểm tra các nhà băng tăng lãi huy động thời gian qua. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo. Trong đó, Thống đốc cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.

Lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức thấp (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đến hết tháng 6, thị trường chỉ còn 3 ngân hàng trả lãi suất từ 6%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất chỉ ở mức 3-5% cho một năm, tức trong nửa đầu năm nay nhận lãi 1,5-2,5%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh và số ít nhà băng khác trả lãi quanh 3%/năm, đa số đơn vị trên thị trường đều trả từ 4%/năm trở lên, mức cao nhất là 5%/năm.
Bất động sản "sốt nóng" nhờ thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố
Trong các kênh đầu tư phổ biến còn có bất động sản. Tuy nhiên, kênh này chưa có chỉ số mang tính đại diện để có thể so sánh cùng hệ quy chiếu.
Từ đầu năm, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, nhất là phân khúc chung cư. Tuy nhiên, đầu tháng 3, thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố khiến đất nền ở nhiều khu vực lên “cơn sốt”.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), liên quan tới thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố, thời gian qua, nhiều địa phương ghi nhận mức giá tăng 5-30% như Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, vùng ven Hà Nội...
Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá bất động sản vừa qua tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt xuất hiện tình trạng tăng giá nhanh cục bộ tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập, đặt cơ quan hành chính mới.

Quang cảnh Hà Nội với tầm nhìn 2 tòa nhà cao nhất Hà Nội (Keangnam và Lotte) (Ảnh: Tiến Tuấn).
Tuy nhiên, xu hướng “sốt giá” nhanh chóng hạ nhiệt. Tại nhiều địa phương hiện nay, giá đất nền đã chững và giao dịch thấp. Theo dữ liệu của một đơn vị bất động sản, trong tháng 5, phân khúc đất nền có mức độ quan tâm giảm mạnh nhất tới 15% so với tháng trước đó. Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là xu hướng nhất thời, không mang tính chất bền vững, gây ra những hệ lụy cho thị trường bất động sản.
Quý II, chỉ những địa phương được ấn định là trung tâm hành chính sau khi sáp nhập mới tiếp tục tăng giá nhẹ và thanh khoản tốt. Còn lại những thị trường khác đều đã chững lại, đi ngang. Cũng trong quý này, giao dịch chung cư tại các thành phố lớn giảm mạnh, giá điều chỉnh giảm.
Nguyên nhân dẫn tới việc cả giá và giao dịch chung cư giảm, do Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều văn bản tháo gỡ cho thị trường, giúp nguồn cung tăng. Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội có thể sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường.
Chuyên gia: Chứng khoán tiếp tục là lựa chọn nổi bật
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm đã có diễn biến tích cực, với chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong vòng ba năm qua, bất chấp các yếu tố rủi ro bên ngoài như căng thẳng thương mại, lạm phát toàn cầu hay bất ổn địa chính trị. Kết quả này phần nào cho thấy sự thích nghi tốt của nền kinh tế Việt Nam trước biến động quốc tế, đồng thời phản ánh hiệu quả từ các chính sách điều hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông, triển vọng thị trường trong nửa cuối năm tiếp tục khả quan. Một số nhóm ngành được dự báo sẽ hút dòng tiền mạnh gồm công nghệ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, vận tải, dịch vụ và hàng tiêu dùng. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng về khả năng nâng hạng thị trường trong thời gian tới, cùng với sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Về thị trường bất động sản, chuyên gia cho rằng tình hình đã khả quan hơn so với một đến hai năm trước, khi giao dịch có dấu hiệu phục hồi và thanh khoản được cải thiện rõ nét trong nửa đầu năm. Việc một loạt luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7, cùng với quá trình tái cơ cấu các địa phương và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, được xem là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho đà hồi phục của thị trường.
Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý xu hướng kinh doanh đang thay đổi rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân không còn quá phụ thuộc vào mặt bằng kinh doanh truyền thống, nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và mô hình livestream bán hàng. Điều này có thể khiến nhu cầu về bất động sản giảm bớt ở một số phân khúc nhất định. Đồng thời, các quy định mới cũng dần siết lại hoạt động đầu cơ, hướng tới một thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn thay vì tăng trưởng nóng như giai đoạn trước.
Khi được hỏi về kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong nửa cuối năm, ông Khánh cho rằng chứng khoán nhiều khả năng tiếp tục là lựa chọn nổi bật, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế cũng như khả năng thích ứng trước các rủi ro bên ngoài. Ngược lại, dù giá vàng vẫn ở vùng cao kỷ lục, nhưng biên độ lợi nhuận đã không còn hấp dẫn như trước. Đồng thời, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp khiến kênh tiết kiệm dần kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Chứng khoán là kênh đầu tư phản ánh sức khỏe nền kinh tế (Ảnh: Mạnh Quân).
“Xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư hiệu quả hơn đang gia tăng. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tâm lý chuộng an toàn đã bớt đi, tạo điều kiện cho dòng tiền đổ mạnh hơn vào các kênh như chứng khoán và bất động sản”, ông Khánh nhận định. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, đánh giá kỹ các yếu tố vĩ mô, xu hướng dòng tiền và chất lượng tài sản đầu tư để tránh rủi ro trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.
Đầu tư nửa cuối năm: Chưa có kênh quá nổi bật
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), nhận định rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thuế quan và tâm lý thị trường.
Theo ông Huân, yếu tố mang tính quyết định là chính sách thuế. Nếu thuế suất của Việt Nam ở mức hợp lý, thấp hơn hoặc cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực, điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ xuất nhập khẩu và tăng cường niềm tin vào nền kinh tế.
Ngược lại, nếu mức thuế vẫn cao hơn các đối thủ, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể rút đi, khiến tăng trưởng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn toàn cầu ngày càng gay gắt, việc cải thiện môi trường thuế trở thành yếu tố sống còn để giữ chân nhà đầu tư.
Một tín hiệu đáng lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) đã giảm 3 tháng liên tiếp và hiện ở dưới ngưỡng 50 điểm. Diễn biến này cho thấy khu vực sản xuất đang đối mặt với khó khăn và cần được theo dõi chặt chẽ trong những tháng tới.
Về mặt bằng lãi suất, ông Huân cho rằng khó có khả năng tăng trong nửa cuối năm. Nếu có biến động, cơ quan điều hành chắc chắn sẽ có biện pháp can thiệp để ổn định. Giữ lãi suất thấp là điều kiện cần thiết để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Tỷ giá VND/USD được dự báo ít biến động mạnh. Dù đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tỷ giá trong nước. Chỉ khi tình hình thuế quan xấu đi thì tỷ giá mới có thể chịu áp lực tăng.
Thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm được dự báo sẽ lình xình quanh mốc hiện tại. Ông Huân cho biết chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.300 điểm đến 1.400 điểm, do mức tăng vừa qua chủ yếu đến từ một số mã vốn hóa lớn, trong khi đa số tài khoản nhà đầu tư vẫn chưa có lãi.
Thông tin về khả năng nâng hạng thị trường không tạo ra tác động lớn, bởi chưa có thông báo chính thức nào từ các tổ chức quốc tế. Thậm chí nếu được nâng hạng, thông tin này cũng đã phần nào phản ánh vào giá từ trước đó.
Nhóm ngành thu hút dòng tiền vẫn là ẩn số. Nếu địa chính trị căng thẳng, cổ phiếu dầu khí có thể được chú ý. Nếu thương mại thuận lợi, nhóm xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi. Mọi kịch bản phụ thuộc vào diễn biến chính sách và tình hình thế giới.
Với thị trường bất động sản, ông Huân đánh giá đang có xu hướng phục hồi. Việc nhiều quy định mới được triển khai cùng nguồn cung được khơi thông giúp thị trường ấm dần lên. Tuy nhiên, khả năng tái diễn tình trạng “sốt nóng” là rất thấp. Chính phủ sẽ có biện pháp kiểm soát nếu thị trường tăng quá nhanh để tránh đầu cơ. Giai đoạn chỉ cần giữ đất là có lời đã qua. Nhà đầu tư giờ đây buộc phải cân nhắc kỹ hơn khi xuống tiền.
Về các kênh đầu tư trong nửa cuối năm, ông Huân cho rằng chưa có kênh nào nổi bật vượt trội. Vàng đang biến động khó lường, giao dịch còn bị hạn chế. Bất động sản phục hồi nhưng chưa mạnh. Chứng khoán thì khó có cú bứt phá rõ rệt khi đã tăng khá nhiều.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định hiện nay, ông Huân khuyến nghị nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro. Việc dồn tiền vào một kênh duy nhất tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Không nên đặt tất cả trứng vào một giỏ. Nhà đầu tư cần giữ sự linh hoạt và tỉnh táo trước những biến động sắp tới," ông Huân nhấn mạnh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dau-tu-gi-de-tien-de-ra-tien-nua-cuoi-nam-20250703151105869.htm
Bình luận (0)