Đây là cây trồng mới, vật nuôi mới, cách làm mới giúp dân tộc Cờ Lao ở Hà Giang có thu nhập tốt hơn

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt19/02/2025

Xã Túng Sán thuộc huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là một trong những địa bàn sinh sống của đồng bào người Cờ Lao, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Việc xây dựng mô hình trồng mới, vật nuôi mới, cách làm mới giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo.


Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, xã Túng Sán đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong đó, mô hình hỗ trợ giống trâu, bò sinh sản bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo của mình.

Xã Túng Sán nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 22 km, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Xã có 647 hộ với 3.141 nhân khẩu, trong đó có 220 hộ với 1.070 nhân khẩu là người dân tộc Cờ Lao sinh sống tại 8 thôn.

Do địa hình núi cao, giao thông khó khăn, người Cờ Lao ở Túng Sán chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp. Các cây trồng truyền thống như lúa nương, ngô, đậu tương thường xuyên chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khiến năng suất thấp và đời sống người dân bấp bênh. Chăn nuôi gia súc, gia cầm dù phổ biến nhưng chưa phát triển theo hướng hàng hóa để trở thành nguồn thu nhập ổn định.

Động lực nào giúp người Cờ Lao ở Hà Giang vươn lên thoát nghèo? - Ảnh 1.

Chăm sóc chè, phát huy giá trị của cây bản địa góp phần xoá đói giảm nghèo

Tháng 7/2024, gia đình anh Min Sử Sìn, thôn 4 – Tả Chải được hỗ trợ mua 4 con bò từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để phát triển kinh tế. Sau gần 6 tháng, đàn bò của gia đình anh đã phát triển thêm được 2 con.

Anh Sìn chia sẻ: "Những năm qua, dù cố gắng làm nương, trồng ngô, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, khiến cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ khi gia đình mua được 4 con bò giống do Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ, đến nay sau một thời gian chăm sóc, đàn bò sinh trưởng phát triển rất tốt. Khi gia đình tôi nhận bò, cán bộ thú y đã tổ chức tiêm phòng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cũng như các biện pháp tránh rét cho vật nuôi. Ở đây, nguồn thức ăn dồi dào, rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc. Cứ chăm sóc tốt, bò khỏe mạnh, sinh sản đều, gia đình tôi có động lực vươn lên thoát nghèo".

Động lực nào giúp người Cờ Lao ở Hà Giang vươn lên thoát nghèo? - Ảnh 2.

Chị Giàng Thị Phấy (vợ anh Min Sử Sìn, thôn 4 - Tả Chải) chăm sóc đàn bò của gia đình được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh Nguyễn Quân

Ông Hoàng Bình Rơi, Chủ tịch UBND xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì cho biết: Với phương châm "Trao cần câu, không cho con cá", việc hỗ trợ trâu, bò giống, đã tạo "điểm tựa" giúp các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vượt khó vươn lên. Hiện nay, xã Túng Sán thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.

Cũng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm của thôn 2 - Phìn Sư, xã Túng Sán, gia đình anh Cáo Diu Páo là một trong số những hộ được Nhà nước hỗ trợ trâu để chăn nuôi vào tháng 11/2024 vừa qua. Sau khi nhận trâu giống, gia đình anh Páo đã được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng bệnh cho gia súc.

Anh Cáo Diu Páo cho biết: "Gia đình tôi rất mừng khi nhận được sự giúp đỡ này. Mặc dù công việc làm nương vất vả, nhưng nhờ có con trâu, gia đình sẽ có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi. Dù khó khăn, tôi sẽ cố gắng chăm sóc trâu thật tốt, hy vọng sẽ tạo thành đàn và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình trong tương lai".

Động lực nào giúp người Cờ Lao ở Hà Giang vươn lên thoát nghèo? - Ảnh 3.

Nhiều thanh niên dân tộc gắn bó với đàn trâu chăn nuôi thành chuỗi hàng hoá thực phẩm

"Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi sẽ học hỏi từ những người đi trước và áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc trâu tốt nhất. Tôi hy vọng với sự chăm sóc cẩn thận, đàn trâu sẽ phát triển", anh Páo chia sẻ thêm.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì ông Bùi Thanh Hưởng, cho biết: "Chương trình MTQG 1719 đã làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo đồng bào DTTS phát triển sản xuất, thu nhập ổn định. Riêng đối với các dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc Cờ Lao đã và đang tạo hiệu ứng rất tốt trong cộng đồng".

Việc tạo sinh kế bền vững cho người Cờ Lao ở Túng Sán không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương. Sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố quan trọng để đảm bảo các giải pháp này mang lại hiệu quả lâu dài, giúp người dân Cờ Lao vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững.



Nguồn: https://danviet.vn/day-la-cay-trong-moi-vat-nuoi-moi-cach-lam-moi-giup-dan-toc-co-lao-o-ha-giang-co-thu-nhap-tot-hon-20250216103319589.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available