Sáng 28/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi sắp xếp bộ máy
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, mục đích ban hành Luật nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 26/143 điều, sửa kỹ thuật 22/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và bổ sung mới 1 điều.
Về những nội dung sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh tại các điều từ 38 đến 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện không còn phù hợp với sự thay đổi khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Vì vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến bổ sung 1 điều về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, quy định chức danh, hệ lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và giao Chính phủ quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt.
Song song với đó, khoản 31 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến bãi bỏ 16 điều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đẩy mạnh việc trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh trên cơ sở hệ lực lượng, các chức danh cụ thể đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tập trung sửa đổi các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính với các lý do như nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị xác định rõ phạm vi sửa đổi là các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp để phù hợp với bối cảnh của Kỳ họp thứ 9; chưa sửa đổi các nội dung về thời hiệu xử phạt, mức phạt tiền tối đa vì đây là những nội dung có tác động lớn đến quyền của cá nhân, tổ chức, trong khi chưa có tổng kết và đánh giá tác động đầy đủ mà tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện Luật này, theo dự kiến tại Kỳ họp thứ 10.
Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, cơ quan thẩm tra tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến để khắc phục vướng mắc thời gian qua và việc bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 1 năm lên 3 năm.
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới, đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực. Về việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện Luật.
Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9
Tham gia thảo luận, các ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng thời, khắc phục một số hạn chế, bất cập phổ biến của Luật hiện hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, đặc biệt là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ một số quy định liên quan tới phạm vi sửa đổi, bổ sung, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề cấp bách, thật sự cần thiết phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và bám sát yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Các nội dung khác đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện tại Kỳ họp thứ 10.
Về thời hiệu xử phạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt đối với vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến để khắc phục vướng mắc thời gian qua và bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi sửa toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung, cơ sở xác định mức phạt tối đa trong các lĩnh vực mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa với yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ.
Nguồn
Bình luận (0)