Chất lượng giáo dục
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn, nền tảng số sẽ hỗ trợ dạy học và kiểm tra đánh giá trên môi trường mạng một cách rõ ràng, đồng thời cho phép tiếp cận rất nhiều kiến thức từ các nguồn, không bị bó hẹp trong chương trình cố định.
Các tư liệu trên nền tảng số cũng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và tiếp cận các chuẩn mực giáo dục tiên tiến. Sở đã tăng cường đầu tư, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin cho các trường.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục có đường truyền internet cáp quang và máy tính phục vụ quản lý điều hành; 100% trường học ứng dụng phần mềm quản lý.
Với phương châm “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo phải lấy người học và nhà giáo làm trung tâm”, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục theo hướng tìm kiếm giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả trong đời sống, tạo môi trường sáng tạo năng động, khơi dậy niềm đam mê học tập và khám phá cho học sinh.
Tại cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 15, đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ 3S trong xây dựng bản đồ phân vùng và cảnh báo sạt lở tại tỉnh Lạng Sơn” của nhóm học sinh Nguyễn Triệu Vy và Nguyễn Khánh Ngân (Trường trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, phường Đông Kinh) đã xuất sắc đoạt giải Nhì với những đánh giá tích cực về tính khả thi.
Thông qua các tài liệu đánh giá yếu tố phát sinh sạt lở lưu vực, địa chất, rừng và lớp phủ thực vật, độ dốc, lượng mưa..., nhóm nghiên cứu đã bước đầu xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở và đề xuất giải pháp quản lý sạt lở.
“Địa phương sẽ truyền thông, hướng nghiệp và định hướng để học sinh lựa chọn các tổ hợp môn khoa học cơ bản, chuẩn bị tạo nguồn lực nghiên cứu khoa học cũng như phát triển khoa học ứng dụng. Sở cũng tổ chức việc nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục, nhất là tại các trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học theo chương trình của Chính phủ”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh cho biết.
Thiếu thốn về nhân lực và cơ sở vật chất
Trình độ giáo viên bộ môn tin học trên địa bàn tỉnh không đồng đều, một số chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên bộ môn này cũng như cán bộ công nghệ thông tin còn thiếu, nhất là ở cấp mầm non và tiểu học.
“Trường trung học cơ sở Tân Văn chúng tôi chỉ có duy nhất 1 giáo viên được đào tạo chuyên ngành, giảng dạy bộ môn tin học. Vì nguồn nhân lực ít ỏi, giáo viên này phải tăng cường cho nhiều trường khác chung quanh địa bàn.
Ngoài ra, giáo viên tại trường đã triển khai giáo án điện tử nhưng vì nguồn xã hội hóa còn hạn chế, năng lực nội tại của trường chưa bảo đảm đủ ti-vi, thiết bị nghe nhìn cho các lớp, nên chưa đáp ứng nhu cầu và chất lượng bài giảng”, cô giáo Lý Phương Thảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2025 về chuyển đổi số của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, trang bị thêm thiết bị, bố trí phòng máy tính, phòng dạy các tiết ứng dụng công nghệ thông tin... tại nhiều cơ sở giáo dục vùng xa còn thiếu.
Nhiều trường (hầu hết thuộc cấp học mầm non) chưa có phòng máy tính hoặc số lượng rất ít không đủ cho việc dạy và học môn tin học, ngoại ngữ.
Ở một số trường học, mạng internet cáp quang, hạ tầng sóng di động thiếu ổn định.
Thầy giáo Phạm Bá Hồng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở thị trấn Bắc Sơn, xã Bắc Sơn cho biết, diện tích phòng học môn tin học của trường là 45m2, không bảo đảm theo quy định là 60m2, do trường đã được xây dựng từ lâu. Số lượng máy tính cũng chỉ đủ cho một nửa số học sinh trong một lớp.
“Nhiều học sinh rất hứng thú với các môn tin học, công nghệ, tuy nhiên các em chỉ có điều kiện tiếp cận khi ở trường, bởi gia đình thuộc diện hộ nghèo nên không thể tự trang bị cho các em điều kiện học tập số hóa tại nhà”, thầy Hồng chia sẻ thêm.
Tỉnh Lạng Sơn đã đưa chương trình giáo dục STEM-Robotics-AI (chương trình học kết hợp giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tạo ra rô-bốt và trí tuệ nhân tạo) vào nội dung giảng dạy từ nhiều năm nay, nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của học sinh và giáo viên.
Tuy nhiên, với những hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện thực hành chương trình này ở các địa bàn khó khăn của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hạn chế. Nhiều trường tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh hiện chỉ đủ khả năng thuê thiết bị, giáo cụ cho học sinh mỗi khi có kỳ thi cấp tỉnh hay huyện.
“Thấy niềm đam mê của các em, tập thể giáo viên chúng tôi, bằng nỗ lực của bản thân, đã thành lập được câu lạc bộ rô-bốt của trường. Đến nay, các em cũng đã giành được nhiều giải thưởng cấp huyện. Điều đó đã khích lệ thầy và trò của trường rất nhiều”, thầy Lý Văn Thơ, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Thiện Hòa, xã Thiện Hòa cho biết.
Ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng nhiều giải pháp, quyết tâm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn công tác quản lý giáo dục và hoạt động giảng dạy. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo được đặt lên hàng đầu; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội công nghệ thông tin...
“Việc hợp tác sẽ giúp chúng tôi nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành, qua đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang huy động mọi nguồn lực để có thêm trang thiết bị tin học và phòng máy tính phục vụ dạy và học cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh”, đồng chí Hoàng Quốc Tuấn cho biết.
Nguồn: https://nhandan.vn/day-va-hoc-o-vung-cao-xu-lang-post894730.html
Bình luận (0)