Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 262 công đoàn xã, phường, đặc khu được thành lập. Riêng Quảng Ninh đã thành lập 22 công đoàn xã, phường, đặc khu. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành công văn số 4251/TLĐ-ToC ngày 12/6/2025 hướng dẫn tạm thời về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn xã, phường, đặc khu, là cơ sở bước đầu để các địa phương triển khai hoạt động phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Tuy nhiên, do đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, công đoàn cấp xã hiện mới chỉ thực hiện nhiệm vụ ở mức độ phối hợp, hướng dẫn công đoàn cơ sở, chưa thể vận hành toàn diện. Công đoàn xã, phường chưa được phân bổ kinh phí hoạt động, chưa đủ cán bộ chuyên trách, dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ còn bị động, gián đoạn.
Ông Nguyễn Ngọc Sáu, Chủ tịch Công đoàn phường Việt Hưng, chia sẻ: Chúng tôi rất mong muốn công đoàn phường sớm đi vào hoạt động thực chất, vì hiện tại phường có tới 86 công đoàn cơ sở với hơn 12.000 đoàn viên nhưng chưa có điều kiện về nhân lực, kinh phí, cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể, nên chưa thể tổ chức được các hoạt động thường xuyên như mong muốn.
Trước đây, công đoàn cấp huyện được tổ chức với đầy đủ bộ máy, biên chế và ngân sách độc lập. Còn hiện tại, công đoàn cấp xã đang trong giai đoạn chuyển tiếp, tổ chức theo hình thức lâm thời. Một số cán bộ được phân công về làm công tác công đoàn tại xã, phường chưa có kinh nghiệm công tác công đoàn. Công tác tài chính cũng chưa được phân cấp rõ ràng, ảnh hưởng đến khả năng triển khai nhiệm vụ tại địa phương.
Bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Trưởng Ban công tác Công đoàn (Ủy ban MTTQ tỉnh) cho biết: Các công đoàn xã, phường, đặc khu đã được thành lập và cử ra Ban Chấp hành. Tuy nhiên, để phát huy vai trò trong thực tiễn, rất cần sự hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, nhất là Điều lệ Công đoàn sửa đổi, cũng như cơ chế tài chính cụ thể.
Cùng với việc tổ chức lại công đoàn cấp xã, các công đoàn cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước cấp xã hiện cũng đã được sáp nhập hoặc giải thể. Theo LĐLĐ tỉnh, tổng số công đoàn cơ sở trong toàn tỉnh đã giảm từ 2.274 xuống còn 1.180; số đoàn viên công đoàn giảm từ hơn 141.000 xuống còn 107.538 người. Sự thay đổi này đòi hỏi cần có vai trò kết nối, điều phối hiệu quả từ công đoàn cấp xã để duy trì hoạt động công đoàn tại cơ sở một cách thông suốt.
Thực tế cho thấy, điều quan trọng hiện nay là sớm ban hành Điều lệ Công đoàn mới, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, chế độ cán bộ và cơ chế tài chính cho công đoàn cấp xã. Đồng thời, cần hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc về phương thức vận hành để các công đoàn xã, phường, đặc khu có căn cứ pháp lý đầy đủ trong triển khai nhiệm vụ, tránh tình trạng lúng túng, chờ đợi kéo dài.
“Mong sớm có hướng dẫn cụ thể và có kinh phí thì công đoàn cấp xã mới thực hiện tốt vai trò chăm lo, đồng hành cùng người lao động, nhất là tại các địa bàn có đông doanh nghiệp như phường Việt Hưng” - Chủ tịch Công đoàn phường Việt Hưng bày tỏ.
Dù còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện, song việc thành lập công đoàn cấp xã là bước chuyển quan trọng trong tổ chức hệ thống công đoàn phù hợp với mô hình tổ chức mới của chính quyền địa phương. Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự chủ động của LĐLĐ tỉnh và sự phối hợp của chính quyền địa phương, tin tưởng rằng công đoàn cấp xã sẽ sớm ổn định tổ chức, phát huy hiệu quả, góp phần chăm lo thiết thực cho người lao động trong tình hình mới.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/dam-bao-hoat-dong-cong-doan-cap-xa-phuong-trong-giai-doan-chuyen-tiep-3366792.html
Bình luận (0)