Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để kinh tế cửa khẩu phát triển xứng tầm

Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) An Giang được xác định là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Việc sáp nhập tỉnh, mở rộng không gian phát triển, hình thành một tỉnh lớn với địa hình đa dạng “núi - đồng bằng - biên giới - biển đảo”. Đây là lợi thế chiến lược to lớn để hiện thực hóa tầm nhìn: An Giang trở thành trung tâm phát triển năng động của ĐBSCL, hướng tới mục tiêu trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Báo An GiangBáo An Giang14/07/2025

Vị trí chiến lược

An Giang với vị trí chiến lược, là đầu mối giao thương quan trọng với Campuchia và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong, nên đã được Chính phủ chọn Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang là 1 trong 8 khu kinh tế Cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới, biến nơi đây thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh đang hoàn thiện quy hoạch phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển mạnh khoa học - công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Tỉnh xem đây là ưu tiên hàng đầu để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm đưa An Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. An Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức khảo sát tuyến biên giới đường thủy

Theo Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang Trần Minh Nhựt, 5 năm qua, đơn vị đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hàng năm, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt khoảng 95% tổng kế hoạch, đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều đề án trọng điểm, như: Đề án đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; hồ sơ nâng cấp Cửa khẩu Khánh Bình lên cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sông); Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống (193,31ha) được Thủ tướng cho chủ trương đầu tư; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung khu Kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2045; UBND tỉnh cũng chấp thuận đầu tư Trung tâm Logistics Cửa khẩu Tịnh Biên giai đoạn 1 (25ha, thực hiện 2026 - 2030)… và quyết tâm xây dựng các Đồ án quy hoạch mới, chỉnh lý quy hoạch các khu công nghiệp, khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu (Khu công nghiệp Định Thành, Bình Hòa, Xuân Tô mở rộng, khu chức năng Vĩnh Xương) nhằm bảo đảm quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

“Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên là cửa khẩu quốc tế đường bộ, thông thương với cửa khẩu Phnom Den của tỉnh Takeo, Campuchia. Cửa khẩu này có nhiều lợi thế cho hoạt động xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hàng hoá tiêu dùng, mua bán, trao đổi, điều phối hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia; cửa ngõ chiến lược giúp hàng hóa nước ta tiếp cận nhiều hơn với thị trường thế giới…” - đại diện doanh nghiệp cho biết.

Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tỉnh đã tiếp và làm việc với 47 nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư vào các ngành: May mặc, giày da, chế biến nông sản... tại các khu công nghiệp, khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu. Hiện, các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh An Giang (cũ) có 44 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 7.050 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 19.500 lao động. Ngân sách Nhà nước đã bố trí trên 329 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu, giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, An Giang quy hoạch 5 khu công nghiệp (856,94ha), trong đó 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 219,75ha. Tại tỉnh Kiên Giang (cũ) đã có 23 dự án đăng ký đầu tư vào 2 khu công nghiệp (Thạnh Lộc và Thuận Yên) được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.603,83 tỷ đồng và tổng diện tích đăng ký là 85,73ha.

Quyết tâm phát triển

Khi sáp nhập, quy mô các khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ lớn hơn, rộng hơn. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết: “Với lợi thế, tiềm năng vượt trội, thời gian tới, An Giang sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, tối ưu tiềm năng của hệ thống khu kinh tế cửa khẩu; kết nối biên giới qua hệ thống 9 cửa khẩu, trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu Khánh Bình đang chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế), giúp đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu, giao thương với Campuchia và tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết vùng thông qua tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến N1 và sắp tới là tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, thương mại biên giới, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa và hợp tác quốc tế với Campuchia”.

Tỉnh An Giang mới hình thành, với tiềm năng và lợi thế khai thác kinh tế biên giới. Nếu có quy hoạch và chính sách đồng bộ, Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế biên mậu hấp dẫn tiếp giáp Campuchia, trở thành vùng kinh tế sôi động, hấp dẫn, kết nối giao thương hiệu quả giữa vùng ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mekong. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Tới đây, tỉnh tập trung 3 khâu đột phá: Chuyển đổi số, cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phát triển bền vững khu công nghiệp, khu kinh tế. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các dự án và khu công nghiệp. Đầu tư phát triển hạ tầng quan trọng - chủ động triển khai Đề án đầu tư Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Đặc biệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm còn tồn đọng.

“Kỳ vọng của Nhân dân và doanh nghiệp đối với các khu kinh tế cửa khẩu là khai thác được lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế, du lịch, huy động sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới để phát triển kinh tế”- bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, phường Hà Tiên cho biết.

HẠNH CHÂU

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/de-kinh-te-cua-khau-phat-trien-xung-tam-a424232.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm