Tháng 2/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh năm 2025. Theo đó, 62 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 3.757 học viên được triển khai, đảm bảo vừa nâng cao năng lực chuyên môn, vừa rèn giũa kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ công chức, viên chức các cấp. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng Đề án chiến lược phát triển của Trường Đại học Hạ Long đến năm 2030, tạo cơ sở xây dựng chuỗi liên kết giữa đào tạo đại học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Đầu quý I/2025, Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức Hội nghị làm việc nhằm rà soát nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao và định hướng ngành nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Tại hội nghị, các bên đã thảo luận sâu về phương thức liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành mũi nhọn như CNTT, tự động hóa, cơ điện tử, và dịch vụ du lịch - khách sạn…
Song song với đào tạo nghề, Quảng Ninh tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030. Qua đó nâng cao chất lượng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đa dạng về hình thức, phương thức học tập; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích người lao động tự học, tự bồi dưỡng để thích ứng nhanh với công nghệ mới, mô hình kinh doanh hiện đại.
Sở GD&ĐT phối hợp với UBND 4 thành phố (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả) rà soát, xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển giáo dục chất lượng cao, tạo nền tảng cho nguồn nhân lực tương lai. Tỉnh đã phê duyệt danh sách 22 trường đầu tư theo tiêu chí chất lượng cao giai đoạn 2022-2025; đến nay, 12 trường đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ có thêm 4 trường và đến hết năm 2026 sẽ hoàn thành 17 trường. Hệ thống trường chất lượng cao không chỉ nâng chuẩn mực giáo dục, mà còn là nơi ươm mầm nhân tài, đáp ứng nhu cầu lao động công nghệ cao, sáng tạo trong tương lai.
Cùng với đó, để khuyến khích người trong độ tuổi lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp tạo công ăn, việc làm cho người dân như: Đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính… thu hút các doanh nghiệp đầu tư; thành lập các hợp tác xã (HTX); tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX... Theo đó quý I/2025, Quảng Ninh có 410 doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.800 doanh nghiệp và trên 800 chi nhánh đang hoạt động. Có 28 HTX thành lập mới, nâng tổng số lên 710 HTX đăng ký hoạt động, có kê khai thuế trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, quý I/2025, Quảng Ninh đã tạo việc làm mới cho trên 7.650 lượt lao động, đạt 25,5% kế hoạch năm (30.000 lượt). Trong đó, gần 1.700 lao động tiếp cận nguồn vốn vay chính sách; khoảng 2.500 người làm việc tại các khu công nghiệp; 500 lao động làm cho các doanh nghiệp ngành Than; 1.600 người được tuyển dụng trong ngành Du lịch - dịch vụ; 150 lượt đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; hơn 1.200 lượt ở các ngành nghề khác.
Hiện Quảng Ninh đang tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - chính quyền địa phương và xây dựng chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo nghề. Những nỗ lực đồng bộ này được kỳ vọng sẽ giúp Quảng Ninh không chỉ đáp ứng đủ lao động chất lượng cao cho các ngành then chốt, mà còn tạo động lực phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/de-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-3359152.html
Bình luận (0)