Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đề xuất bỏ quy định về thi nâng ngạch; bổ nhiệm cán bộ, công chức vào ngạch tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm; liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Quan điểm xây dựng Luật là quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 chương, 52 điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành) với các nội dung cơ bản sau: Sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ.
Cụ thể, về sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã.
Quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật này.
Đề xuất bỏ thi nâng ngạch; bổ nhiệm cán bộ, công chức vào ngạch tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính. Chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức;
Đồng thời đề xuất bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ…
Nêu quan điểm thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức; tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng, nội dung của dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Hồ sơ dự án Luật có đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến.
Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh là yêu cầu cấp thiết
Về sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, UBPLTP tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã và nhận thấy việc liên thông tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Liên quan đến nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức (Điều 4), UBPLTP cơ bản tán thành việc tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc, khắc phục chế độ “biên chế suốt đời”.
Về vị trí việc làm công chức (Điều 27), UBPLTP đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm; đồng thời đề nghị cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định về ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ khi tồn tại song song cơ chế ký hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ và chế độ công chức, công vụ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng cũng nêu ý kiến thẩm tra về chính sách thu hút đối với người có tài năng vào làm việc cơ quan nhà nước và trọng dụng đối với cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ; về tuyển dụng công chức; về đánh giá cán bộ, công chức; về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức…
Qua thảo luận, các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình chuẩn bị dự án Luật này.
Đồng thời các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
Tại Phiên họp, các ý kiến cũng góp ý về vấn đề liên quan đến tài chính - ngân sách; về chính sách trọng dụng nhân tài; về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức…
Tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu nêu.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ và Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đầy đủ, có chất lượng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
UBTVQH tán thành việc sửa đổi các quy định để thực hiện liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh và thống nhất chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, UBTVQH tán thành việc tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế để bảo đảm tính ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức trong thời gian tới.
UBTVQH tán thành việc quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách thu hút đối với người có tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước và trọng dụng cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ, quy định khái quát vào luật và giao Chính phủ quy định chi tiết khung chính sách để bảo đảm thực hiện linh hoạt.
Đồng thời nhất trí bổ sung quy định thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, các nhà khoa học đáp ứng yêu cầu để thực hiện một số nhiệm vụ, vị trí việc làm của công chức.
UBTVQH tán thành với việc bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức và đề nghị trong Tờ trình là thể chế hóa chủ trương Kết luận mới nhất của Đảng.
Về vị trí việc làm của công chức, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị tiếp tục hoàn thiện, làm rõ hơn trong Tờ trình và dự thảo Luật quy định về đánh giá cán bộ, công chức và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị là nghiên cứu bổ sung các quy định về đánh giá cán bộ, công chức để khắc phục những hạn chế lâu nay như nể nang, chưa thực chất, dẫn đến việc xếp loại là dàn đều; quy định về xử lý kỷ luật gắn với quy định về xếp loại, đánh giá đảm bảo đồng bộ và thực chất. Ngoài ra, đề nghị làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách trong Tờ trình.
Trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Nguồn: https://baohungyen.vn/de-xuat-bo-thi-nang-ngach-bo-nhiem-can-bo-cong-chuc-vao-ngach-theo-vi-tri-viec-lam-3180909.html
Bình luận (0)