Đề xuất trên được Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh nêu trong tờ trình dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều nay (27/5).
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, theo Bộ trưởng, dự thảo luật bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong đó có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu chiều nay.
Dự thảo luật còn quy định, UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư. Việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.
Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Một nội dung mới nữa được Bộ trưởng Xây dựng nhắc đến là việc sửa đổi quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng và công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, công trình đường sắt quốc gia dùng chung với đường sắt địa phương, đường sắt dùng chung với đường bộ.
"Việc bổ sung các quy định này tạo cơ sở pháp lý cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, ví dụ như việc đầu tư xây dựng cầu chung giữa đường sắt và đường bộ (cầu Lạch Huyện, cầu Cần Thơ 2...)", Bộ trưởng Minh cho hay.
Để rút ngắn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, dự thảo luật đã bổ sung các quy định được áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Mặt khác, dự thảo luật bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để thể chế hóa Kết luận số 49 của Bộ Chính trị nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Thẩm tra về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về quy hoạch mạng lưới đường sắt, tuyến đường sắt và ga đường sắt, ủy ban đề nghị rà soát, làm rõ những nội dung mới, khác so với quy định của Luật Quy hoạch.
Nếu không có những nội dung mới, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị dẫn chiếu thực hiện theo Luật Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, theo ông Huy, một số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.
Nguồn: https://vtcnews.vn/de-xuat-cac-tinh-duoc-quyet-dinh-xay-duong-sat-do-thi-ar945538.html
Bình luận (0)