Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026 cho tất cả mặt hàng

(PLVN) - Thảo luận tại Tổ chiều 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng cho toàn bộ các mặt hàng, thay vì chỉ một số nhóm như hiện nay.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam22/05/2025

Giảm thuế để thúc đẩy sản xuất, tăng tiêu dùng trong nước

Chiều 21/5, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và một số dự án luật khác.

Tham gia thảo luận ở Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên họp, đa số các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án Luật. Đồng thời, các đại biểu góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.

Đa số các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề xuất giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026 cho tất cả mặt hàng ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn (bên trái). (Ảnh: VGP).

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến động khó lường, đặc biệt là Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng với nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam cần tăng cường phát huy nội lực trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường tiêu dùng trong nước.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, việc này cũng là góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ trên 8% trở lên và tiến tới tăng trưởng lên đến hai con số.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động cũng như góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta chưa có sự đánh giá về việc giảm thuế giá trị gia tăng đến tiêu thụ hàng hóa như thế nào để có những đề xuất, kiến nghị tiếp theo cho việc thực hiện chính sách về thuế.

Ngoài ra, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026. Đồng thời, đại biểu đề nghị việc giảm thuế không nên chỉ áp dụng ở một số mặt hàng mà nên mở rộng trên tất cả hàng hóa.

Giảm thuế nhưng ngân sách vẫn tăng, cần mở rộng cho mọi mặt hàng

Nhận định về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, có ý kiến cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng sẽ làm thất thu nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc giảm thuế cho thấy nguồn thu ngân sách vẫn tăng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: VGP)

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: VGP)

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên thì tổng mức bán buôn, bán lẻ và doanh thu tiêu dùng phải tăng trưởng. Do đó, việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng không nên chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng mặt hàng, thúc đẩy việc bán buôn, bán lẻ mà cần áp dụng cho tất cả các mặt hàng, trong đó có sản phẩm công nghệ, viễn thông...

Cùng quan điểm tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, đây là một Nghị quyết đã được triển khai, không phải là chính sách mới nên không phải là thí điểm. Do đó, cần xác định rõ tính chất để bảo đảm thống nhất trong việc thực hiện và ban hành văn bản pháp luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng đồng tình với đề xuất ban hành một nghị quyết độc lập của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Ông phân tích, đợt giảm thuế lần này được Chính phủ kiến nghị áp dụng trong thời gian dài hơn (18 tháng) và phạm vi hàng hóa, dịch vụ được mở rộng hơn so với những lần giảm thuế được ban hành trước đây. Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết riêng có thể là phù hợp để bảo đảm tính quy phạm pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển. (Ảnh: VGP)

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển. (Ảnh: VGP)

Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Hiển lưu ý, nếu ban hành dưới hình thức là Nghị quyết độc lập thì cần cân nhắc tên gọi của Nghị quyết cho phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong khuôn khổ phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác như: chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm để Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự, nhằm bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Nguồn: https://baophapluat.vn/de-xuat-giam-thue-vat-2-den-het-nam-2026-cho-tat-ca-mat-hang-post549304.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm