PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, qua đời vào ngày 11/5, hưởng thọ 90 tuổi.
Nhắc đến ông, không thể không nhắc đến đề xuất cải tiến tiếng Việt thành "Tiếq Việt" làm dậy sóng và kéo theo những ý kiến tranh luận nhiều năm trước.

PGS.TS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến tiếng Việt, qua đời vào ngày 11/5, hưởng thọ 90 tuổi (Ảnh: T.L).
Vào tháng 11/2027, cuốn sách vừa xuất bản của PGS.TS Bùi Hiền keo theo những tranh cãi nảy lửa với những đề xuất điều chỉnh tiếng Việt.
Một ví dụ về cải tiến tiếng Việt được PGS.TS Bùi Hiền đưa ra như "luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Thời điểm đó, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...
Những bất hợp lý mà PGS.TS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
PGS.TS Bùi Hiền sinh năm 1935 tại Hạ Hòa, Phú Thọ. Ông là giảng viên tiếng Nga, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Lễ viếng của ông được tổ chức vào 13h ngày 12/5, an táng tại Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ.
Tác giả Bùi Hiền nhận định đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin.
Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại.
Từ đó, ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước.
Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n' để biểu đạt.

Bản hoàn chỉnh chữ viết cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền đề xuất (Ảnh: T.L).
Trong khi dư luận "dậy sóng" về phần 1 cải tiến phụ âm "Tiếq Việt", PGS.TS Bùi Hiền tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu 40 năm và quyết định công bố phần 2 (trọn vẹn công trình).
Ở phần thứ hai, ông hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của tiếng Việt.
PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ, ông tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội) để từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc một âm vị - một chữ cái.
Ông nêu ra hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng.
Toàn bảng chữ cái (âm vị) tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) ông đề xuất gồm 33 đơn vị.
Trong bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm trong bảng trên để lưu ý rằng, đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ.
Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
Điềm tĩnh trước phản ứng của dư luận
Khi công bố từng phần công trình nghiên cứu đề xuất cải tiến tiếng Việt, trước những ý kiến phản đối gay gắt, PGS.TS Bùi Hiền vẫn điềm tĩnh cho rằng phản ứng này là bình thường, nhất là khi công trình chưa hoàn thành.
Chính ông lúc cũng chia sẻ: "Nếu tự dưng nhìn chữ cải tiến, tôi cũng thấy ngớ ngẩn".
Tuy nhiên, nhà khoa học này giữ quan điểm dù các nhà quản lý chưa có chủ trương áp dụng phương án cải tiến chữ quốc ngữ nào thì việc ông nghiên cứu dưới góc độ khoa học và mang tính cá nhân... là quyền của ông.
Ông cũng nhấn mạnh, bản thân đã dành hơn 40 năm nghiên cứu công trình khoa học này và trải qua nhiều khó khăn, để có được văn bản hoàn thiện và ông cảm thấy rất mãn nguyện.

PGS.TS Bùi Hiền (Ảnh: T.L).
Còn trước ý kiến bình luận thiếu thiện chí, thậm chí ác ý, ông cho rằng là chuyện bình thường bởi sẽ có người hiểu, có người chưa hiểu.
Ông cũng tự đánh giá việc nghiên cứu khoa học của mình mang tính thử nghiệm, ai thích có thể sử dụng.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, thậm chí ném đá, nhiều nhà giáo dục, nhà khoa cho rằng nghiên cứu về việc cải tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền là việc đáng trân trọng.
Cải tiến được cấp bản quyền
Cuối năm 2017, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chính thức kí và cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền.
Khi ấy, PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ, ông đăng ký bản quyền không phải vì sợ người khác xâm phạm nghiên cứu của mình mà chỉ để ngăn chặn những trường hợp sử dụng chữ cải tiến của mình với mục đích xấu. Ông hoan nghênh mọi người sử dụng chữ viết mới trong cuộc sống hoặc trong nghiên cứu khoa học.
Đến tháng 3/2018, PGS.TS Bùi Hiền dừng toàn bộ việc nghiên cứu cải tiến "Tiếq Việt".
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-xuat-la-ve-tieq-viet-cua-pgs-bui-hien-tung-gay-suc-soi-the-nao-20250512103513591.htm
Bình luận (0)