Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đến TP.HCM dự đại lễ

Thay vì lên kế hoạch xuất ngoại, lên núi, xuống biển…, nhiều người dân TP.HCM năm nay chọn ở lại TP đón đại lễ mừng 50 năm đất nước thống nhất. Được dự báo là điểm đến hút khách nhất mùa lễ 30.4 - 1.5 năm nay, TP.HCM đã chuẩn bị một "đại tiệc" với những chương trình hấp dẫn để chiêu đãi tất cả người dân cùng du khách.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên30/03/2025

Lễ diễu binh, diễu hành lần đầu tiên trong lịch sử

Những ngày qua, người dân TP.HCM liên tục chia sẻ hình ảnh tiêm kích, trực thăng quân sự bay tầm thấp trên bầu trời TP. Từ bất ngờ, lạ lẫm, cảm xúc dần chuyển qua háo hức, mong đợi khi biết rằng đây là hoạt động diễn tập của Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng nhằm chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Đến TP.HCM dự đại lễ- Ảnh 1.

Trực thăng diễn tập bay trên bầu trời TP.HCM. Đại lễ 30.4 năm nay, lễ duyệt binh, diễu hành là một trong những điểm nhấn nổi bật phục vụ người dân, du khách trong và ngoài nước

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Chị Nguyễn Mỹ Chi (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết các buổi sáng những ngày qua luôn trông tới giờ trực thăng xuất hiện để chụp hình, quay phim, chia sẻ khoảnh khắc ấn tượng với gia đình và bạn bè. "Lần đầu tiên tôi nhìn thấy trực thăng bay ở tầm thấp như vậy, có lúc đi trên đường còn nghe rõ tiếng động cơ trực thăng và tiêm kích rền vang, tưởng chừng ngay trên đầu. Đầu tiên là thấy lạ, bất ngờ. Nhớ lại hồi nhỏ bà nội hay kể thời chiến tranh nghe tiếng máy bay là sợ hãi, ẵm con đi tìm chỗ trú. Còn giờ mình ngồi đây, nghe tiếng máy bay ngay trên đầu, nhưng lại vui vẻ hò nhau đi xem, rồi mong đợi tới ngày 30.4 thật nhanh để được xem duyệt binh. Cũng tiếng máy bay đó nhưng sau 50 năm đã mang hai thái cực cảm xúc khác biệt. Tự nhiên cảm thấy quá hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên ở thời bình, biết ơn ông cha đã dùng máu xương giành lấy độc lập tự do cho dân tộc", chị Mỹ Chi xúc động chia sẻ.

Quê ở Phú Yên, 11 năm vào TP.HCM sinh sống và lập nghiệp, thay vì rục rịch "săn" vé về quê như mọi năm, lễ này "không ai có thể kéo tôi đi khỏi TP vì tôi không thể bỏ lỡ lễ duyệt binh được. 50 năm nữa, chắc gì đã còn được ở đây để tham dự khoảnh khắc ý nghĩa đó. Tôi tính đi metro lên Ba Son, rồi đi bộ tới đường Lê Duẩn cùng xem pháo hoa, cùng chung niềm hân hoan xúc động đón đại lễ với mọi người, rất phấn khích", chị Mỹ Chi nói tiếp.

Đến TP.HCM dự đại lễ- Ảnh 2.

Trực thăng diễn tập bay trên bầu trời TP.HCM chuẩn bị cho đại lễ 30.4

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Với những người sinh ra và lớn lên ở TP.HCM thì càng xúc động gấp nhiều lần. Nhà 3 đời gốc Sài Gòn, bạn Hải Anh (H.Củ Chi) kể bà nội cô năm nay đã gần 90 tuổi, những ngày qua hôm nào cũng "đòi" Hải Anh mở Facebook để bà xem hình ảnh trực thăng. Khi biết sẽ có lễ duyệt binh, bà nói nhất định phải đưa bà đi xem. Hải Anh bảo: "Chỉ mới nhìn thấy hình ảnh trực thăng thôi, bà đã rơm rớm nước mắt rồi, vì ông nội là một trong những chiến sĩ hải quân được điều động vào Sài Gòn tham gia kháng chiến và hy sinh trước khi được chứng kiến khoảnh khắc giải phóng miền Nam. Vì thế, bà rất xúc động. Đợt rồi khai trương metro, tôi cũng đưa bà đi trải nghiệm, bà cũng khóc vì TP thay đổi hiện đại quá. Thế nên, năm nay cả đại gia đình tôi sẽ không đi du lịch dịp 30.4, ở lại TP xem duyệt binh, cùng đón đại lễ lịch sử này".

Theo kế hoạch đã được UBND TP.HCM phê duyệt, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia bao gồm hoạt động diễu binh, diễu hành tại TP.HCM dự kiến diễn ra từ 6 giờ 30 ngày 30.4 tại trục đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất. Trong đó, lễ diễu binh dự kiến bắt đầu lúc 8 giờ. Chương trình với nhiều nội dung gồm bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều; không quân bay chào mừng; diễu hành của xe mô hình Quốc huy, khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc; xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe mô hình biểu tượng 50 năm Ngày thống nhất đất nước; diễu binh các khối quân đội, dân quân tự vệ; diễu binh các khối công an; diễu hành các khối quần chúng. Hoạt động diễu binh, diễu hành được lãnh đạo Đảng bộ và UBND TP.HCM thống nhất lưu ý nghiên cứu để làm đặc sắc hình ảnh 5 cánh quân tiến về Sài Gòn 50 năm trước. Các đơn vị thực hiện được giao tận dụng khai thác tối đa công nghệ, bố trí địa điểm cho người dân xem trình diễn máy bay và lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, lắp đặt màn hình LED phục vụ người dân theo dõi chương trình dù máy bay ở bất cứ đâu.

Đến TP.HCM dự đại lễ- Ảnh 3.

Du khách tham quan TP.HCM những ngày cận lễ 30.4

ẢNH: NHẬT THỊNH

Loạt chương trình nghệ thuật kỷ lục kết hợp du lịch hấp dẫn

Bên cạnh lễ diễu binh, diễu hành được trông đợi nhiều nhất, dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, TP.HCM còn mang đến cho người dân và du khách những "bữa tiệc" nghệ thuật, văn hóa đỉnh cao hoành tráng nhất từ trước đến nay.

Theo kế hoạch từ Sở VH-TT TP, chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật sẽ diễn ra từ 21 - 21 giờ 15 tại khoảng 30 điểm trên sông Sài Gòn, khu vực Q.1 và TP.Thủ Đức. Đồng thời, 10.500 drone được huy động để tạo nên màn trình diễn ấn tượng. Ban tổ chức cũng lập hồ sơ đề nghị xác lập kỷ lục VN về số lượng drone tham gia bay cùng lúc, vượt xa mức hơn 4.000 chiếc từng được thực hiện tại một số địa phương. Bên cạnh đó, sự kiện "Ngày hội thống nhất non sông" diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực sông Sài Gòn từ cầu Ba Son đến bến Nhà Rồng, bắt đầu lúc 19 giờ với hàng loạt hoạt động biểu diễn nghệ thuật và thể thao dưới nước.

Ngoài các chương trình chính, Sở VH-TT đề xuất tổ chức nhiều sự kiện đồng hành như "Con đường nhiếp ảnh TP.HCM", ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân với quy mô 4.000 người, cùng các màn đồng diễn thể dục thể thao với sự tham gia của 1.400 người. Trong tháng 4 và 5, TP.HCM còn tổ chức lễ hội sắc màu vào các tối 19, 26.4 và 3, 10, 17, 24, 31.5. Sự kiện diễn ra từ 19 - 21 giờ 30 tại quảng trường trước trụ sở UBND TP, phố đi bộ Nguyễn Huệ và sông Sài Gòn. Hoạt động bao gồm trình diễn 1.000 - 2.000 drone, bắn pháo hoa nghệ thuật với kinh phí xã hội hóa. Lễ hội còn có trình diễn nhạc giao hưởng, mapping ánh sáng 3D, ca múa nhạc nghệ thuật trên phố đi bộ, biểu diễn đờn ca tài tử trên sông, diễu hành thuyền hoa đăng, thuyền buồm, cùng các màn bay phản lực nước, lướt ván Flyboard, ván chèo và dù lượn, tạo nên không gian lễ hội sôi động.

Đến TP.HCM dự đại lễ- Ảnh 4.

Du khách tham quan TP.HCM những ngày cận lễ 30.4

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trước đó, hưởng ứng các hoạt động chào mừng, Sở Du lịch TP đã tổ chức cuộc thi "Thiết kế chương trình du lịch chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" và ghi nhận rất nhiều sản phẩm tour, tuyến được thiết kế ấn tượng, làm nổi bật thêm nét đặc trưng của TP.HCM gắn với sự kiện trọng đại của dân tộc.

Có thể kể đến các sản phẩm được giải cao như: Tour "Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng" của Công ty CP Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt đưa du khách ngược dòng thời gian qua các di tích nổi bật, tái hiện hành trình phát triển của TP.HCM. Chương trình "Chuyến tàu 50 năm: Hành trình kết nối những miền văn hóa" của Công ty Vietravel, du khách đến từng điểm đến khác biệt với hành trình đa phương thức với 5 chuyến tàu hỏa đẹp nhất VN, đi du thuyền trên vịnh Hạ Long và Nha Trang, thưởng thức tinh hoa ẩm thực VN khi đi qua các vùng miền của đất nước. Đặc biệt, trong sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, vào lúc 11 giờ 30 ngày 30.4, du khách có mặt tại Di tích lịch sử Dinh Độc Lập đúng vào thời khắc lịch sử đầy tự hào của cả dân tộc VN... 

Chương trình du lịch "Huyền thoại về những anh hùng đặc công Rừng Sác - Đất thép thành đồng - TP.HCM" của Công ty CP Lữ hành Vietluxtour sẽ đưa du khách tìm về lịch sử với các điểm đến như Di tích lịch sử Rừng Sác là khu căn cứ của Đoàn 10 Rừng Sác, gắn liền với những cuộc chiến đấu của bộ đội đặc công từ năm 1966 - 30.4.1975; đảo khỉ Cần Giờ; Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác; Địa đạo Củ Chi… Hay tour "Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại" của nhóm Penguins Team đưa du khách trở về với lịch sử, khám phá những công trình ngầm được thiết kế tinh vi giữa lòng TP. Từng bước đi qua những đường hầm, lắng nghe những câu chuyện hào hùng của các chiến sĩ biệt động, du khách sẽ hiểu rõ hơn về một thời kỳ oanh liệt của dân tộc và những con người dũng cảm đã tạo nên huyền thoại ngay trong lòng địch…

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ TP là nơi mỗi địa danh, mỗi góc phố, mỗi khoảnh khắc đều có thể trở thành dấu ấn trong lòng người dân và du khách. Vì vậy, nhân kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của du lịch TP, Sở Du lịch cùng các đơn vị liên quan tôn vinh 50 biểu tượng đặc trưng - những dấu ấn góp phần làm nên một TP.HCM hội nhập, đa dạng văn hóa, sôi động nhưng cũng rất đỗi thân thương, nghĩa tình. Trong đó có thể kể đến nhóm di tích có Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cột cờ Thủ Ngữ, trụ sở UBND TP, hệ thống di tích Biệt động Sài Gòn, bến Nhà Rồng. Nhóm văn hóa tâm linh có Lăng Ông Bà Chiểu, rối nước, âm nhạc dân tộc. Nhóm ẩm thực có cà phê bệt, bánh mì Sài Gòn, cơm tấm…

Những biểu tượng này không chỉ là công trình hiện đại hay địa danh nổi tiếng mà còn là những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống hay món ăn thân quen đã đi cùng nhiều thế hệ người dân và du khách.

"Nóng bỏng" vé máy bay tới TP.HCM

Theo ghi nhận của các công ty lữ hành, năm nay TP.HCM có nhiều hoạt động quảng bá về sự kiện kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất nên nhiều khách đoàn các tỉnh, thành khác tham gia đăng ký tour nội đô khá sôi động. Đối tượng chính là khách từ các công ty tổ chức các sự kiện như kết nạp Đảng, về nguồn… và đặc biệt là khách inbound (khách quốc tế tới VN) đăng ký trải nghiệm các chương trình tour Sài Gòn xưa và nay (có tham quan metro). Xu hướng cũng được thể hiện rõ qua kế hoạch khai thác hàng không, khi chỉ tính riêng các đường bay đi, đến TP.HCM trong dịp lễ 30.4 và 1.5, các hãng hàng không đã có kế hoạch thực hiện hơn 5.000 chuyến với trung bình 462 chuyến/ngày, cung ứng 1,03 triệu ghế. Đây là đường bay chiếm tỷ trọng lớn nhất dịp lễ, tăng 21% so với năm trước.

Đến TP.HCM dự đại lễ- Ảnh 5.

TP.HCM sẽ tổ chức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại khoảng 30 điểm trên sông Sài Gòn dịp lễ 30.4 - 1.5

ẢNH: NHẬT THỊNH

Nhu cầu tăng cao, giá vé máy bay "nóng hầm hập". Nếu như những năm trước, chặng bay TP.HCM ra Hà Nội sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều thì năm nay, chiều ngược lại cũng "bỏng tay" không kém. Đơn cử, nếu 1 gia đình 3 người từ Hà Nội muốn vào TP.HCM đón lễ 30.4, bay ngày 29.4 sẽ mất ít nhất gần 8 triệu đồng tiền vé 1 chiều. Đó là phải chấp nhận bay lúc 4 giờ 30 sáng của Vietjet, bởi nếu cũng hãng này, chọn giờ bay đẹp hơn vào trưa hoặc chiều, giá vé sẽ từ 2,9 - 3,7 triệu đồng/chiều, tương đương giá vé tết chiều TP.HCM ra bắc. 

Cùng ngày, Bamboo Airways không có chuyến bay nào từ Hà Nội vào TP.HCM giá vé dưới 3,1 triệu đồng/chiều, tương đương giá vé của Vietravel Airlines. Một số chuyến bay của Bamboo Airways còn hết vé hạng thường, chỉ còn ghế hạng thương gia với giá hơn 5,6 triệu đồng/chiều. Hãng hàng không Vietnam Airlines huy động dàn máy bay Boeing 787 phục vụ đường bay này, phủ mọi khung giờ, lượng ghế trống còn ê hề nhưng không có ghế nào giá dưới 3,8 triệu đồng/chiều. Nhiều chuyến bay cũng chỉ còn hạng thương gia, giá gần 9 triệu đồng/chiều.

Từ Hải Phòng, các chuyến bay tới TP.HCM dịp lễ cũng có giá không dưới 2 triệu đồng/chiều, đó là bay sáng sớm hoặc đêm muộn. Còn lại, đa phần các chuyến bay trong ngày của Vietjet và Vietnam Airlines đều trên 2,6 triệu đồng/chiều.

Khảo sát của PV Thanh Niên ở thời điểm này cho thấy đường bay từ các địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc về TP.HCM dịp lễ 30.4 không có nhiều biến động, vẫn dao động quanh mức hơn 1 triệu đồng/vé 1 chiều tùy đường bay.

Để sẵn sàng đón lượng khách "khủng" dịp cao điểm lễ, nhà ga hành khách quốc nội T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang chạy nước rút cho lễ khai trương ngày 30.4. Dự kiến nhà ga T3 hiện đại cùng hệ thống đường dẫn, cầu vượt đồng bộ sẽ phục vụ gần 80% số chuyến bay nội địa đến, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất, tương ứng tỷ lệ thị phần khai thác các chuyến bay nội địa của 2 hãng Vietnam Airlines và Vietjet theo kế hoạch từ đơn vị khai thác cảng. Đa số người dân di chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất dịp lễ này sẽ được sử dụng hạ tầng nhà ga mới.

Báo cáo từ Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 1,635 triệu lượt, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 19,2% so với kế hoạch năm 2025; khách nội địa ước đạt 8,574 triệu lượt, tăng 6,3%, đạt 19,1% kế hoạch năm. Tổng thu của ngành du lịch TP sau 3 tháng ước đạt 56.662 tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 21,8% kế hoạch năm 2025. Ngành du lịch TP đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế năm nay, tăng hơn 40% so với 2024 và doanh thu cũng tăng đến gần 37%, hướng tới con số 260.000 tỉ đồng.

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/den-tphcm-du-dai-le-185250329222603745.htm



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm