Một địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống
Ngày 9.5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam 19 tỉnh, thành phía Nam, do Phó chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thu Thảo, dẫn đầu tổ chức báo công lên Bác về công tác thi đua của Hội 6 tháng đầu năm.
Đây là đoàn đầu tiên đến dâng lên Bác thành tích của mình nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19.5.1890-19.5.2025).
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận do ông Nguyễn Hoài Anh (giữa) dẫn đầu viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận
ẢNH: Q.H
Bà Lê Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Thuận (Cụm trưởng Cụm thi đua Đông Nam bộ) cho biết, năm 2025 có chủ đề "Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", nên Hội LHPN Cụm thi đua miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đã chọn địa điểm Trường Dục Thanh (TP.Phan Thiết) để báo công lên Người.
Theo bà Yến, năm 2025, công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, như thực hiện tốt phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới"; "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, đã đạt được nhiều kết quả tốt ngay từ những tháng đầu năm.
"Hôm nay (9.5), Hội LHPN các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đã về đây, địa chỉ từng in dấu chân Người để báo cáo với Bác những kết quả thi đua đạt được và xin hứa không ngừng học tập, làm theo gương Bác; tiếp tục nâng cao trình độ kiến thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", bà Lê Thị Hải Yến phát biểu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu Quốc hội trong lần thăm quan Trường Dục Thanh
ẢNH: Q.H
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh, thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, lễ báo công của Hội LHPN các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ tại bảo tàng hôm 9.5 là đợt mở đầu của tháng 5, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng theo bà Nga, từ nay đến ngày sinh nhật Bác, dự kiến có hàng chục đoàn, tổ chức nhiều tỉnh, thành trong cả nước (khoảng 135.000 lượt khách) đến báo công, dâng lên Người những thành tích xuất sắc. Hiện bảo tàng đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để phục vụ người dân và du khách đến thăm quan, báo công nhân dịp ngày sinh của Người.
Học sinh tham quan triển lãm hình ảnh về Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận
ẢNH: Q.H
"Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ chu đáo người dân và du khách đến tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có quần thể di tích trường Dục Thạnh nhân các ngày lễ lớn như: kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2.9.1945-2.9.2025); 81 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944-22.12.2025)", bà Thu Nga chia sẻ.
Giá trị sáng ngời của lòng yêu nước
Trước khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở Trường Dục Thanh dạy học. Theo các tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, thời điểm Bác dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh khoảng từ tháng 8 (hoặc tháng 9) năm 1910 đến tháng 2.1911 thì vào Sài Gòn.
Triển lãm ảnh nghệ thuật về quê hương Bình Thuận tại khuôn viên di tích Dục Thanh
ẢNH: Q.H
Các nhà nghiên cứu dựa vào lời kể của những người học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành là cụ Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Kinh Chi và các tài liệu khác để khẳng định, Bác dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn và Thể dục ở Trường Dục Thanh. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng "Thầy Thành dạy Thể dục là chính và dạy thay các thầy khác, trợ giảng ba môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn ở Trường Dục Thanh".
Tháng 11.1978, quần thể khu di tích Dục Thanh được Bình Thuận trùng tu, khôi phục; bao gồm: nhà thờ cụ Nguyễn Thông, ngôi trường xưa Bác dạy học; nhà Ngư, nơi Bác ở nội trú với các đồng nghiệp và học trò; nhà Ngọa Du Sào, nơi Bác hay đọc sách và bàn luận việc nước. Ngoài ra, trong quần thể Trường Dục Thanh còn có giếng nước, cây khế trong khu vườn do Bác đích thân chăm sóc hằng ngày.
Hội phụ nữ các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ làm lễ báo công và tham quan trường Dục Thanh, ngày 9.5
ẢNH: Q.H
Vì vậy, Trường Dục Thanh không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận, mà còn là biểu tượng sống động về lòng yêu nước, ý chí quyết tâm vượt lên hoàn cảnh của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con đường tìm đường cứu nước. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Giá trị lịch sử của Trường Dục Thanh còn là minh chứng hùng hồn cho tinh thần hiếu học, lòng yêu nước và quyết tâm đổi thay vận mệnh dân tộc bằng tri thức và hành động.
Nguồn: https://thanhnien.vn/di-tich-truong-duc-thanh-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-binh-thuan-18525051019185512.htm
Bình luận (0)