Nhìn vào bảng so sánh của Bộ GD-ĐT có thể thấy, tất cả các môn, điểm học bạ đều cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT, mức độ chênh lệch tùy từng môn.
Đáng chú ý, điểm trung bình môn toán thi tốt nghiệp THPT là 4,78. Trong khi điểm học bạ môn toán đạt trung bình 6,7 ở lớp 10; 6,89 ở lớp 11 và 7,51 ở lớp 12. Hệ số tương quan lần lượt là 0,67 - 0,68 - 0,63.
Một điều nữa cũng dễ dàng nhận thấy là điểm học tập trung bình tất cả các môn ở cấp THPT đều tăng mạnh ở lớp 12. Ví dụ, môn toán, điểm trung bình lớp 10, lớp 11 lần lượt là 6,70 và 6,89 thì đến lớp 12 là 7,51; môn ngữ văn từ 6,93 của lớp 10 lên 7,35 của lớp 12...
Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025
ẢNH: TUẤN MINH
Nhiều năm trước, theo quy định xét tốt nghiệp THPT, điểm học bạ lớp 12 chiếm 30%, điểm thi 70%. Tuy nhiên, đến năm 2025, thay đổi đáng chú ý là tỷ lệ điểm học bạ chiếm 50% trong xét tốt nghiệp, tăng đáng kể so với mức 30% của năm trước.
Điều này có nghĩa là quá trình học tập trong suốt 3 năm THPT sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, thay vì chỉ dựa vào kết quả thi.
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tăng tỷ trọng điểm học bạ và tính điểm cả 3 năm THPT thay vì riêng lớp 12 như trước nhằm giúp học sinh có sự chuẩn bị dài hơi và tránh tâm lý học tủ, học lệch thay vì chỉ dồn sức ôn thi trong một thời gian ngắn.
Bảng so sánh giữa điểm thi và điểm học bạ từng môn do Bộ GD-ĐT thực hiện:
Trường học có "dễ dãi" khi chấm điểm?
Thầy Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên chuyên luyện thi ở Hà Nội, phân tích: chỉ cần nhìn vào điểm trung bình của học bạ và điểm thi để xem chênh lệch thế nào.
Trong trường hợp này, ở tất cả các môn, điểm học bạ đều cao hơn so với điểm thi, cho thấy việc cho điểm trong học bạ ở trường lớp rõ ràng có phần "dễ hơn" so với điểm thi (nhất là với các môn được đánh giá là khó năm nay như toán, tiếng Anh).
Các giá trị độ lệch chuẩn cho thấy mức độ phân hóa của điểm số. Độ lệch chuẩn của điểm thi tốt nghiệp cao hơn, phản ánh mức độ phân hóa tốt hơn hẳn so với điểm học bạ. Nó cho thấy kỳ thi tốt nghiệp đã làm tốt vai trò phân loại năng lực thực chất của học sinh hơn học bạ.
"Hệ số tương quan giữa điểm học bạ và điểm thi cho biết điểm học bạ đó có phản ánh đúng năng lực của học sinh (so với điểm thi) hay không. Hệ số này càng cao thì "mức độ phản ánh đúng" này sẽ càng tốt", theo thầy Ngọc.
Từ những phân tích trên, thầy Ngọc cho rằng: "Thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo công bằng và phân loại, không nên dùng học bạ để tuyển sinh các ngành cạnh tranh cao, nếu có thì cần kết hợp thêm nhiều công cụ tuyển sinh khác. Bộ GD-ĐT yêu cầu quy đổi cả điểm xét tuyển bằng học bạ về cùng 1 thang đo với các phương thức khác để đảm bảo công bằng là cần thiết".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, độ vênh giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT nêu trên chưa phản ánh hết thực tế về sự "dễ dãi" trong việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên ở cấp THPT do số lượng thí sinh học và thi phần lớn các môn không tương đồng.
Ngoại trừ môn toán và ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay thì tất cả các môn còn lại đều là môn thi tự chọn. Thí sinh chọn môn nào để thi về cơ bản đều là những môn học thế mạnh của em đó.
Do vậy, so sánh kết quả học tập của tất cả học sinh được học với kết quả thi của số ít thí sinh chọn thi mà điểm học bạ đã cao hơn điểm thi thì kết quả đưa ra chỉ mới phản ánh một phần độ "vênh" giữa các cách đánh giá này.
Xét ở góc độ tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT đề nghị: "Các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập THPT trong xét tuyển, cần căn cứ vào dữ liệu này để xây dựng và công bố quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào cho từng chương trình, ngành, nhóm hoặc lĩnh vực đào tạo".
Tuy nhiên, có lẽ chính Bộ GD-ĐT cũng cần nhìn vào kết quả đối sánh này để xem lại việc sử dụng tới 50% tỷ lệ điểm học bạ để xét tốt nghiệp THPT đã thực sự yên tâm chưa. Hoặc có thể đặt vấn đề ngược lại về độ khó, độ phân hóa của đề thi đã phù hợp với tính chất của kỳ thi xét tốt nghiệp THPT chưa?
Nguồn: https://thanhnien.vn/diem-hoc-ba-tat-ca-cac-mon-deu-cao-hon-diem-thi-tot-nghiep-thpt-185250722172822073.htm
Bình luận (0)