Điện mặt trời áp mái và lời kể của người trong cuộc
Vốn đam mê công nghệ, anh Lê Tú (TP Thủ Đức, TPHCM), quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho gia đình mình từ năm 2022. Nhưng điều khiến anh hài lòng không chỉ đến từ sự yêu thích thiết bị hiện đại mà là hiệu quả kinh tế rõ ràng sau một thời gian sử dụng.
Gia đình anh Tú vừa sinh hoạt vừa kinh doanh tại nhà. Các hoạt động chủ yếu diễn ra vào ban ngày. Nhà anh có 6 người, gồm 2 người lớn tuổi, 2 trẻ nhỏ và vợ chồng anh - tức luôn có người ở nhà sử dụng điện suốt cả ngày. Máy lạnh, quạt, thiết bị gia dụng và hệ thống điện cho cửa hàng đều hoạt động trong khung giờ cao điểm nắng nóng, khiến hóa đơn điện hằng tháng trước đây luôn ở mức cao.
Chính nhu cầu tiêu thụ điện lớn vào ban ngày đã khiến anh Tú nhìn nhận điện mặt trời không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là một lựa chọn kinh tế hợp lý, giúp cho anh chủ động kiểm soát chi phí lâu dài.
Hệ thống hiện tại của nhà anh Tú có công suất khoảng 8 kWp, được vận hành theo mô hình "bám tải" - tức ưu tiên dùng điện mặt trời vào ban ngày, chỉ lấy điện lưới khi cần thiết. Trung bình mỗi tháng, hệ thống tạo ra từ 900 đến 1.000 kWh điện. Gia đình sử dụng khoảng 700 đến 800 kWh.

Hệ thống điện mặt trời áp mái của một hộ gia đình ở TP Thủ Đức (Ảnh: Nhật Quang).
"Ban ngày gần như không cần lấy điện từ lưới. Hóa đơn điện giảm khoảng 60% đến 70% mỗi tháng. Mùa nóng nhà tôi cũng thấy thoải mái hơn khi dùng điều hòa cả ngày", anh Tú cho biết.
Chi phí đầu tư ban đầu là khoảng 60 đến 70 triệu đồng. Anh Tú ước tính thời gian hoàn vốn trong vòng 4 đến 5 năm. Nếu có chính sách mua điện từ dân như trước, thời gian hoàn vốn có thể rút ngắn còn 3 năm.
Theo anh Tú, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà mang lại lợi ích kép. Không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng, hệ thống còn tạo sự thoải mái trong sinh hoạt khi các thành viên trong gia đình có thể sử dụng thiết bị điện mà không quá lo lắng về hóa đơn. Đặc biệt, với những hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện cao vào ban ngày, hiệu quả tiết kiệm càng rõ rệt.
Tuy nhiên, anh cho rằng việc có nên đầu tư hệ thống điện mặt trời hay không còn tùy thuộc vào thói quen sinh hoạt của từng gia đình. Với những người đi làm suốt ngày, chỉ có nhà vào buổi tối, thì việc lắp đặt hệ thống này sẽ không thực sự hiệu quả nếu không tích hợp thêm bộ lưu trữ điện. Bởi hệ thống điện mặt trời chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi được sử dụng trực tiếp trong thời gian phát điện, tức ban ngày.
Với những gia đình có người ở nhà thường xuyên, sử dụng nhiều điện vào khung giờ nắng, việc đầu tư điện mặt trời là lựa chọn đáng để cân nhắc. Họ có thể tính toán công suất lắp đặt phù hợp với mức tiêu thụ thực tế để tránh lãng phí và tối ưu hiệu quả đầu tư. Việc thiết kế đúng nhu cầu không chỉ giúp tiết kiệm mà còn rút ngắn thời gian hoàn vốn cho hệ thống.
Về việc lắp bộ tích điện, anh cho rằng chưa cần thiết đối với các hộ tại đô thị như TPHCM, nơi điện lưới ổn định. "Chi phí cao gấp đôi hoặc ba, hiệu quả kinh tế lại không tương xứng. Pin lưu trữ vẫn còn đắt, tuổi thọ giảm dần theo số lần sạc và xả, chỉ nên dùng ở vùng sâu vùng xa hoặc nơi không kết nối được lưới điện quốc gia".
Anh nói việc bảo trì rất đơn giản. Mỗi 3 đến 6 tháng, người dùng chỉ cần vệ sinh các tấm pin bằng nước sạch. Môi trường ít bụi giúp pin hoạt động hiệu quả lâu dài. Anh còn theo dõi sản lượng điện qua phần mềm giám sát. Những ngày nắng tốt, hệ thống tạo ra 30 đến hơn 40 kWh; ngày âm u còn 20 đến 25 kWh, nhưng nhìn chung vẫn ổn định quanh mức trung bình.
"Có tháng sản lượng gần 1.000 kWh, tức nhà tôi gần như tự cung cấp được toàn bộ điện dùng ban ngày. Tấm pin mặt trời bảo hành đến 10-15 năm, thậm chí 25 năm với loại cao cấp. Tôi thấy đầu tư một lần mà yên tâm lâu dài", anh nói.
Từ kinh nghiệm bản thân, anh Tú cho rằng các hộ nên đánh giá rõ nhu cầu sử dụng điện vào ban ngày. Mô hình này phù hợp với các gia đình kinh doanh tại nhà, dùng nhiều thiết bị điện giờ cao điểm, hiểu rõ nguyên lý vận hành và chủ động trong việc giám sát, bảo trì sẽ giúp hệ thống vận hành hiệu quả, kéo dài tuổi thọ.
Dù chưa có chính sách mua điện mái nhà trở lại, nhưng trong bối cảnh giá điện sinh hoạt tiếp tục tăng và nhu cầu tiết kiệm chi phí ngày càng lớn, điện mặt trời mái nhà vẫn là một giải pháp đáng cân nhắc với nhiều hộ gia đình tại TPHCM.
Tại xã Phong Phú (Bình Chánh, TPHCM), anh Quang Linh - người đang kinh doanh căn hộ dịch vụ cho thuê - cũng đang cân nhắc đầu tư điện mặt trời mái nhà. Với hệ thống phòng cho thuê sử dụng thiết bị điện liên tục như máy lạnh, bình nước nóng, chi phí điện hằng tháng luôn ở mức cao, đặc biệt vào mùa nóng.
Gần đây, khi thấy một số hộ dân trong khu vực bắt đầu lắp đặt điện mặt trời và chia sẻ về hiệu quả tiết kiệm, anh bắt đầu tìm hiểu thông tin và xem xét tính khả thi của việc áp dụng mô hình này cho căn hộ của mình. Tuy nhiên, theo anh, vẫn còn nhiều băn khoăn cần được giải đáp trước khi có thể đưa ra quyết định đầu tư.
Một trong những vướng mắc lớn nhất là chi phí lắp đặt ban đầu và phương án kỹ thuật phù hợp với mô hình nhà cho thuê có đồng hồ điện riêng cho từng phòng. Anh cũng chưa rõ nên chọn giải pháp bám tải, chỉ sử dụng điện mặt trời vào ban ngày, hay lắp thêm bộ lưu trữ điện để đảm bảo nguồn cung ổn định cả vào ban đêm.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có khả năng thiết kế và vận hành hệ thống phù hợp với quy mô công trình hiện tại cũng là yếu tố khiến anh cân nhắc.
Mức sử dụng điện ra sao thì nên lắp điện mặt trời?
Ông Nguyễn Lê Tân, Phó trưởng phòng Năng lượng, Sở Công Thương TPHCM, cho biết, tiền điện bình quân hàng tháng là yếu tố then chốt để các hộ dân cân nhắc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Với biểu giá điện sinh hoạt hiện hành, các hộ tiêu thụ dưới 300 kWh trả khoảng 2.998 đồng/kWh, và tăng lên 3.350 đồng và 3.460 đồng/kWh cho các hộ sử dụng trên 300 kWh.
"Với các hộ dùng khoảng 20 kWh mỗi ngày, có thể cân nhắc lắp đặt hệ thống công suất 4 kWp, cho sản lượng điện dao động từ 12 đến 18 kWh mỗi ngày. Nếu sử dụng điện chủ yếu vào buổi tối, nên đầu tư thêm bộ tích điện để dùng vào ban đêm", ông Tân chia sẻ.

Thông tin về mức tiêu thụ điện, lượng điện sản xuất từ hệ thống điện mặt trời áp mái đều được thống kê trên ứng dụng điện thoại thông minh (Ảnh: Nhật Quang).
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hệ thống lưu trữ điện vẫn là một rào cản. Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, mức giá dao động từ 20 đến 40 triệu đồng mỗi bộ, phù hợp với hộ tiêu thụ trung bình khoảng 20 kWh/ngày.
Việc giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên 2.204 đồng/kWh từ ngày 10/5 (chưa bao gồm VAT) cũng là yếu tố thúc đẩy các hộ dân cân nhắc đầu tư điện mặt trời. Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) tính toán, mức tăng chi phí điện mỗi tháng dao động từ 4.500 đồng đến 65.000 đồng tùy theo lượng điện tiêu thụ. Đặc biệt, biểu giá điện mới với 5 bậc, thay vì 6 bậc hiện nay, dự kiến sẽ có hiệu lực trong kỳ điều chỉnh tiếp theo, khiến các hộ tiêu thụ điện cao càng chịu áp lực lớn hơn.
Ông Lưu Mạnh Thức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng mặt trời SPC, cho rằng, để đưa ra quyết định lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình, trước tiên cần xác định rõ mức tiêu thụ điện bình quân mỗi tháng. Điều này là cơ sở quan trọng để lựa chọn phương án lắp đặt phù hợp, tránh lãng phí và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo ông, tại TPHCM, một hộ gia đình điển hình có tủ lạnh và có người sinh hoạt thường xuyên trong ngày có thể tiêu thụ lượng điện tương ứng với hóa đơn khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Với nhu cầu như vậy, phương án hợp lý là lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất tạo ra khoảng 6 kWh mỗi ngày, tương đương sản lượng từ 600 đến 720 kWh mỗi tháng.
Từ mức sản lượng đó, hộ gia đình có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống có công suất phù hợp, kèm theo bộ pin lưu trữ, dao động khoảng 60 triệu đồng. Thời gian thu hồi vốn dự kiến vào khoảng 4 đến 5 năm, tùy thuộc vào mức tiêu thụ thực tế và điều kiện vận hành của từng hộ.
Mục tiêu phủ sóng 50% hộ dân lắp điện mặt trời mái nhà
Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực mà TPHCM ưu tiên, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.
TPHCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà, hướng đến tỷ lệ 50% hộ dân và 50% công sở sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia) vào năm 2030. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong định hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững của thành phố.
Theo thống kê từ EVNHCMC, TPHCM hiện có 13.985 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã ký hợp đồng mua bán điện theo quy định. Tổng công suất lắp đặt đạt 349,651 MWp, trong đó có 453 hệ thống có công suất từ 100 kWp trở lên, chiếm đến 220,695 MWp.
Ngoài ra, 559 chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống để tự sản xuất và tự tiêu thụ điện, với tổng công suất khoảng 48,55 MWp, tuân theo Nghị định 135/2024 và Nghị định 58/2025.
Trong giai đoạn 2025-2030, TPHCM đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt tối thiểu 15% tổng công suất cực đại của hệ thống điện. Một phần quan trọng của mục tiêu này là mở rộng quy mô điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công và các tài sản công trên địa bàn.
Theo Quyết định 306 ngày 22/1/2025 do UBND TPHCM ban hành, tổng công suất dự kiến lắp đặt tại các trụ sở công là 166,357 MWp trong giai đoạn 2025-2028.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết Sở đã phối hợp với ngành điện với nhiều hoạt động thúc đẩy sử dụng và phát triển năng lượng xanh trên địa bàn. Theo bà Ngọc, đây là chủ đề không mới nhưng luôn được Sở quan tâm thường xuyên và điều chỉnh liên tục nhằm đáp ứng xu hướng chuyển đổi công nghệ, đổi mới chính sách và nâng cao hiệu quả sử dụng điện trong thực tế.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cần cân nhắc phù hợp với nhu cầu và mức độ tiêu thụ điện của từng hộ gia đình (Ảnh: EVN).
Hàng năm, việc cập nhật công nghệ mới được xem là một trong những nội dung trọng tâm. Từ góc độ cơ quan quản lý, Sở Công Thương không chỉ đóng vai trò điều phối mà còn chủ động lan tỏa thông tin đến cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.
Đối với đề án phát triển điện mặt trời mái nhà, bà Ngọc đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các nghị định cụ thể, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương phối hợp cùng EVNHCMC xây dựng bộ thủ tục hành chính rõ ràng, công khai, minh bạch, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận và triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thực tế.
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. An ninh năng lượng trở thành vấn đề sống còn đối với mọi quốc gia. Xu thế chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Việt Nam, quá trình này là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với các cam kết quốc tế.
Quy hoạch điện 8 được ban hành năm 2023, điều chỉnh tháng 4/2025 đã đặt mục tiêu về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào điện than, đồng thời thúc đẩy điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện hạt nhân.
Dù vậy, quá trình hiện thực hóa vẫn đang gặp không ít thách thức khi nhiều dự án đã đầu tư nhưng chưa thống nhất giá điện chính thức, nâng cấp hạ tầng truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển nguồn điện, công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ…
Tuyến bài “Chuyển đổi năng lượng công bằng trong quy hoạch điện 8” do Báo Dân trí thực hiện sẽ phản ánh bức tranh tổng thể về định hướng, làm rõ hiện trạng phía Nam, đặc biệt tại các địa phương giàu tiềm năng phát triển điện tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời ghi nhận tâm tư, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Tuyến bài góp phần lan tỏa nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và đề xuất giải pháp cho một tương lai phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dien-mat-troi-ap-mai-o-tphcm-chuyen-dich-xanh-tu-mai-nha-nguoi-dan-20250703073600191.htm
Bình luận (0)