Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Diễn viên "Bao giờ cho đến tháng Mười" kể kỷ niệm nhớ đời sau hơn 4 thập kỷ

(Dân trí) - Sau 41 năm kể từ khi "Bao giờ cho đến tháng Mười" ra mắt, những kỷ niệm, dấu ấn của tác phẩm điện ảnh kinh điển này lần đầu được hé lộ, qua lời kể của nam chính và đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Báo Dân tríBáo Dân trí21/04/2025

Tối 19/4, chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt đã đưa khán giả trở lại với một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Tác phẩm lọt top 18 phim châu Á xuất sắc nhất do CNN bình chọn, không chỉ khắc họa nỗi đau chiến tranh mà còn lay động trái tim người xem bởi giá trị nhân văn sâu sắc.

Diễn viên Bao giờ cho đến tháng Mười kể kỷ niệm nhớ đời sau hơn 4 thập kỷ - 1unnamed-1-1745116251651.webp

"Bao giờ cho đến tháng Mười" lọt vào danh sách 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại (Ảnh: VTV cung cấp).

NSƯT Hữu Mười suýt mất vai vì ăn nhót

NSƯT Hữu Mười sinh năm 1957 tại Kim Động, Hưng Yên, là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh Việt Nam, được nhiều khán giả biết đến qua vai thầy giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười.

Lớn lên trong gia đình có 11 anh em, không ai theo nghệ thuật, nhưng từ nhỏ ông đã mê phim ảnh qua Nổi gióVĩ tuyến 17 ngày và đêm, thần tượng Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh.

Năm 1973, tình cờ thấy thông báo tuyển diễn viên, Hữu Mười nộp đơn vỏn vẹn 6 dòng, suýt bị loại vì cẩu thả. May mắn, một giám khảo nhận ra tố chất, giúp ông vào khóa 2 Trường Điện ảnh Việt Nam, học cùng NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Thanh Quý, NSND Đào Bá Sơn.

Diễn viên Bao giờ cho đến tháng Mười kể kỷ niệm nhớ đời sau hơn 4 thập kỷ - 266-1745116333749.webp

NSƯT Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" (Ảnh: VTV cung cấp).

Sau tốt nghiệp, Hữu Mười về Hãng phim truyện Việt Nam, khởi đầu với vai phụ trong Khôn dạiNgày ấy ở sông LamPhương án ba bông hồng. Năm 1982, ông tỏa sáng với vai thầy giáo Thứ - một nhân vật được xây dựng theo hình mẫu của nhà văn Nam Cao - trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy.

Hai năm sau, đạo diễn Đặng Nhật Minh giao Hữu Mười kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười.

Ít ai biết rằng, ban đầu, ông không phải là ứng cử viên đầu tiên cho vai thầy giáo Khang bởi đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn tránh lặp hình ảnh thầy giáo của NSƯT Hữu Mười trước đó.

Thế nhưng, bằng tài năng của mình, ông đã chinh phục đạo diễn Đặng Nhật Minh và được lựa chọn vào vai diễn này.

Nhân vật thầy giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) được xem là một trong những vai diễn để đời của NSƯT Hữu Mười, đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với công chúng và trở thành biểu tượng trong lòng người yêu điện ảnh Việt.

Trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt, NSƯT Hữu Mười đã tiết lộ một kỷ niệm "nhớ đời" khi suýt mất vai vì… ăn nhót.

Hữu Mười kể rằng, trong lúc đoàn phim quay cảnh đoàn chèo cùng với NSƯT Lê Vân (trong vai cô Duyên), ông mải trò chuyện với người dân tại sân đình. Khi đó, có một cô mang túi nhót ra mời. Do đang mặc quần áo của nhân vật để chuẩn bị vào vai, Hữu Mười đã không "mài nhót" như cách thông thường mà ăn trực tiếp, ăn được 2 quả thì đau bụng.

Sau đó, Hữu Mười đi ra chỗ người chạy máy nổ, cách xa sân khấu, rồi lại uống trà, nói chuyện quên giờ. Đoàn phim không tìm thấy ông, người làm ánh sáng báo tắt máy. Đạo diễn Đặng Nhật Minh giận dữ, tuyên bố cắt vai khi ông đã quay được nửa phim.

"Lúc ấy mà bị đuổi khỏi vai thì coi như ước mơ trở thành "tài tử quốc doanh" của tôi đã tan tành", Hữu Mười cười nhớ lại.

Người quay phim động viên ông hoàn thành phân cảnh, hy vọng đạo diễn đổi ý. May mắn, NSND Đặng Nhật Minh giữ ông lại. Đây vừa là kỷ niệm buồn, nhưng cũng là ký ức không bao giờ ông quên.

Diễn viên Bao giờ cho đến tháng Mười kể kỷ niệm nhớ đời sau hơn 4 thập kỷ - 3dscf0046-1745116527120.webp

NSƯT Hữu Mười chia sẻ trong chương trình "Cine 7 - Ký ức phim Việt" (Ảnh: VTV).

Sau này, khi trở thành đạo diễn, NSƯT Hữu Mười mới thấu hiểu cho sự nghiêm khắc của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Ông tâm sự: "Đạo diễn có những cơn nóng giận như thế là chính xác. Bởi là đạo diễn khi ra đoàn làm phim, nếu diễn viên đến muộn, không tập trung vào vai hoặc không kỷ luật thì tôi cũng không chấp nhận được. Khi đó, tôi mới hiểu tôi đã vô kỷ luật như thế nào trong vai diễn của mình".

Nhớ lại thời làm phim Bao giờ cho đến tháng Mười, NSƯT Hữu Mười chia sẻ: "Thời đó nghèo, thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi thường nói vui rằng "nghệ sĩ quốc doanh" chỉ biết ăn lương Nhà nước và đi đóng phim.

Nếu chưa nhận được phim, hàng ngày chúng tôi phải đến hãng để trao đổi nghiệp vụ, đọc tài liệu. Trước khi lên đường theo đoàn làm phim, chúng tôi phải ra hàng gạo cắt tem gạo để nộp cho đoàn. Hành lý mang theo chỉ là chiếc ba lô. Hoàn thành xong một vai diễn, chúng tôi chỉ nhận được tiền bồi dưỡng, nếu là vai chính được khoảng 15-20 đồng".

NSND Đặng Nhật Minh: "Xem phim của tôi, nhiều người nước ngoài cho rằng rất Việt Nam"

Bao giờ cho đến tháng Mười không chỉ là bộ phim xuất sắc mà còn là "đứa con tinh thần" chứa đựng nhiều tâm huyết của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Tên phim Bao giờ cho đến tháng Mười cũng mang ý nghĩa sâu sắc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lấy cảm hứng từ câu ca dao trong tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng: "Bao giờ cho đến tháng mười/ Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta/ Gặt hái ta đem về nhà/ Phơi khô quạt sạch ấy là xong công".

Câu ca dao này cũng chính là câu mở đầu trong bài thơ mà nhân vật thầy giáo Khang đọc trong phim.

Nói về NSƯT Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang, đạo diễn Đặng Nhật Minh dành nhiều lời khen ngợi: "Anh Hữu Mười là một diễn viên giỏi, thời đó mới đi học ra. Trước đó, anh Hữu Mười đã đóng vai thầy giáo rồi. Với Bao giờ cho đến tháng Mười, tôi ấn tượng ở cảnh thầy Khang xem chèo. Ánh mắt anh ấy lặng thầm, không diễn, nhưng chứa đựng mọi cảm xúc. Khó có ai thay thế".

Với sự nghiệp sáng tác đồ sộ, đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn tâm niệm mỗi bộ phim là một lời tâm sự gửi đến khán giả. Bao giờ cho đến tháng Mười cũng không ngoại lệ. Ông cũng là người hiếm hoi trong làng điện ảnh hầu như chỉ làm phim dựa trên kịch bản do chính mình viết.

Diễn viên Bao giờ cho đến tháng Mười kể kỷ niệm nhớ đời sau hơn 4 thập kỷ - 4unnamed-1745116251599.webp

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh (Ảnh: VTV).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, khi tìm đề tài, ông đã nghĩ đề tài chiến đấu chủ yếu chỉ phản ánh về những chiến sĩ ngoài mặt trận, còn biết bao con người, thân phận sống ở nông thôn, nên ông muốn phim nói về điều đó.

"Tôi muốn kể về những con người hậu phương. Tất cả là sự tích lũy của tôi khi sống ở nông thôn trong thời kỳ sơ tán", ông nói.

Bao giờ cho đến tháng Mười thể hiện rõ phong cách sáng tác, nét tinh tế, sâu lắng của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Tác phẩm không chỉ là ký ức chiến tranh mà còn là lời nhắn gửi thế hệ tương lai, khơi dậy niềm tin vào hạnh phúc và hòa bình.

Đặc biệt là trong phân cảnh phiên chợ âm dương và câu nói đầy ám ảnh của nhân vật Nam (chồng của Duyên): "Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc/ Chỉ có những người còn sống mới có thể làm được điều đó/ Anh đã làm xong phần việc của mình rồi/ Cái còn lại mãi mãi là cái không bao giờ nhìn thấy được". Lời thoại như triết lý, nhấn mạnh giá trị sự sống và hy sinh, chính là điều mà đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh muốn gửi gắm.

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Xem phim của tôi, nhiều người nước ngoài cho rằng rất Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam ngay trong máu thịt của tôi rồi".

Có thể nói, Bao giờ cho đến tháng Mười là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, không chỉ bởi giá trị nghệ thuật mà còn bởi những thông điệp ý nghĩa. Bộ phim là minh chứng cho tài năng của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và sự cống hiến của các nghệ sĩ, trong đó có NSƯT Hữu Mười.


Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/dien-vien-bao-gio-cho-den-thang-muoi-ke-ky-niem-nho-doi-sau-hon-4-thap-ky-20250420095115853.htm




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm