Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điều đặc biệt gì khiến Hội Kiêng gió trở thành di sản văn hóa phi vật thể?

Hằng năm, khi rừng hồi, rừng quế nhuộm lá, đồng bào Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh lại bước vào ngày hội lớn, Hội Kiêng gió.

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt13/05/2025

Phong tục giữ làng, giữ bản

Huyện Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh, gồm nhiều cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống như Tày, Dao, Sán Chỉ... Trong đó, người Dao ở Bình Liêu gồm hai nhánh là Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y, trong đó người Dao Thanh Phán cư trú chủ yếu là ở xã Đồng Văn.

Những người phụ nữ Dao Thanh Phán chuẩn bị trang phục để dự Hội Kiêng gió. Ảnh: Bùi My

Đến nay, đồng bào Dao ở Bình Liêu vẫn giữ gìn tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán và những lễ hội riêng, góp phần tạo nên một Bình Liêu đa sắc màu văn hóa. Một trong những nét văn hóa đặc sắc đó là tục kiêng gió của người Dao Thanh Phán.

Trong tập quán lâu đời của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu, tục Kiêng gió chỉ diễn ra duy nhất vào một ngày duy nhất, đó là mùng 4 tháng 4 âm lịch.

Theo truyền thuyết, từ thuở xa xưa, con người và muông thú cùng chung sống giữa đại ngàn. Người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu đã biết khai nương, làm rẫy, nhưng mùa màng luôn bị thú rừng tán phá, đàn vật nuôi cũng thường xuyên bị thú dữ săn bắt, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.

Không cam chịu trước sự tàn phá ấy, người Dao Thanh Phán đã tụ họp, lập đàn cầu khấn thổ địa – vị thần cai quản núi rừng. Cảm động trước lòng thành, thần hiện lên trao cho họ lời dặn: "Mỗi loài vật đều có linh hồn và sức mạnh riêng. Nếu biết kính trọng và thuận theo quy luật của tự nhiên, các con sẽ chung sống hòa thuận với muôn loài".

Từ đó người Dao Thanh Phán lập đền thờ thần rừng, hằng năm tổ chức lễ cúng cầu mong mùa màng bội thu, vật nuôi khỏe mạnh. Và theo lời dặn của thần, họ đặt ra những ngày kiêng kị, mỗi ngày tương ứng với một loài vật, hay hiện tượng thiên nhiên.

Ngày Dần, kiêng hổ vì hổ là chúa sơn lâm, ngày này không ai vào rừng. Ngày Mão kiêng cáo, vì cáo tinh ranh, dễ gây tai họa. Mùng 1 tháng 2 âm lịch, kiêng chim ri – loài chim nhỏ nhưng mang điềm báo về sự biến đổi thời tiết. Mùng 1 tháng 3 âm lịch, kiêng thần sét, không ai chặt cây, phá rừng. Mùng 3 tháng 3 âm lịch, kiêng lợn rừng, không săn bắt hay động vào loài vật này.

Đồng bào Dao Thanh Phán ríu rít nói cười, mua sắm trong phiên chợ Hội Kiêng gió. Ảnh: Bùi My

Và mùng 4 tháng 4 âm lịch, kiêng gió. Vào ngày này, người Dao Thanh Phán ra khỏi nhà từ sáng sớm, để thần gió vào nhà, mang đi những điều không may, và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, hạnh phúc.

Trong ngày này, người Dao Thanh Phán tạm gác lại công việc, không đi nương làm rẫy, không ra ruộng, thay vào đó họ tụ tập vui chơi, hò hẹn, uống rượu với nhau, kết bạn với nhau…

Điểm tập trung đông nhất trong ngày Kiêng gió, phải nói tới khu chợ Đồng Văn. Từ sáng sớm, con đường xuống chợ đã đông nghẹt người, khắp nơi tràn ngập bóng áo đen thêu chỉ đỏ, mũ đỏ của người Dao Thanh Phán, áo xanh của người Sán Chỉ, áo chàm của người Tày...

Người người, nhà nhà khắp mọi thôn bản về đây tụ họp, xúm quanh những sạp hàng bán sản vật địa phương, thổ cẩm, chỉ màu sặc sỡ, mũ xếp… Dọc khắp các quán rượu quanh chợ, già trẻ gái trai đều cùng nhau uống rượu, tận hưởng cảm giác ngất ngây của men rượu. Những bàn rượu có thể kéo dài từ sáng sớm cho đến tận chiều muộn.

Chị Lý Thị Hạnh (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) cho hay, từ sáng sớm chị đã sửa soạn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để cả nhà cùng đi chơi.

“Hôm nay là Hội Kiêng gió nên không được làm bất cứ việc gì. Bởi vậy ngày hôm nay, mình sẽ chỉ mang tiền đi chợ, gặp gỡ bạn bè hoặc người thân, cùng uống rượu, cùng đi chơi” - chị Lý Thị Hạnh nói.

Công bố và đón nhận Quyết định đưa "Tục Kiêng gió của người Dao" xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Bùi My

Quảng bá văn hóa địa phương

Những năm gần đây, Hội Kiêng gió được mở rộng quy mô, trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn trước. Trong ngày hội, nhiều tiết mục văn nghệ, trình diễn trang phục, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc… thu hút không chỉ người Dao Thanh Phán ở Đồng Văn, mà người Dao ở các huyện lân cận như Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, cùng đồng bào các dân tộc cũng tìm đến.

Đây là dịp để địa phương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của người Dao Thanh Phán nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu nói chung. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Năm nay, Hội Kiêng gió ở Đồng Văn càng trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết, vì diễn ra lễ công bố và đón nhận Quyết định đưa "Tục Kiêng gió của người Dao" xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Hội Kiêng gió năm nay còn có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc.

Ông Dường Phúc Thím (Xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh): “Hôm nay chúng tôi rất vui mừng khi tục Kiêng gió của người Dao Thanh Phán được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với người Dao Thanh Phán, tục kiêng gió rất thiêng liêng, bởi vậy rất mong nét đẹp văn hóa truyền thống của chúng tôi sẽ ngày càng được lan tỏa, không chỉ trong phạm vi địa phương mà còn vươn xa hơn, ra khu vực và nước ngoài”.

Hội Kiêng gió năm 2025 có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ khu Phòng Thành (thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc). Ảnh: Bùi My

Từ bao đời nay, tục Kiêng gió không chỉ là một nghi lễ mang yếu tố tâm linh, mà còn là thông điệp văn hóa sâu sắc về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cõi thực và cõi vô hình. Đó là cách cộng đồng người Dao củng cố niềm tin, gắn kết yêu thương và giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng. Qua năm tháng, tục lệ ấy không hề bị mai một, mà vẫn sống động trong đời sống, được gìn giữ bởi các nghệ nhân, các thầy mo, thầy cúng và cộng đồng.

Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Phạm Đức Thắng cho hay: "Việc tục Kiêng gió được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là một vinh dự, mà còn là trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Chúng tôi xác định rõ ràng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống chính là nền tảng cho phát triển bền vững, là con đường để Bình Liêu xây dựng bản sắc riêng, nâng tầm hình ảnh địa phương trong dòng chảy hội nhập".

Nguồn:https://danviet.vn/dieu-dac-biet-gi-khien-hoi-kieng-gio-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-d1329139.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm