Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Định vị giá trị gạo Điện Biên: [Bài 2] Khi vàng thau lẫn lộn

Giữa tiềm năng lớn và kỳ vọng cao, gạo Điện Biên vẫn loay hoay tìm chỗ đứng vì thiếu một chính sách đồng bộ để giữ gìn và phát triển thương hiệu xứng tầm.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam02/04/2025

Danh xưng chưa trọn vẹn

Năm 2014, sau một thời gian dài chuẩn bị, gạo Điện Biên được cấp chỉ dẫn địa lý, một danh xưng được ví như “tấm áo choàng đỏ” khoác lên một sản phẩm đặc sản địa phương, mang theo kỳ vọng mở ra cánh cửa phát triển bền vững. Nhưng rồi, sau tiếng vỗ tay ban đầu, mọi thứ lại rơi vào khoảng lặng.

Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) là vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc. Ảnh: Tú Thành.

Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) là vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc. Ảnh: Tú Thành.

Gạo Điện Biên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý số 00043, dành riêng cho hai giống lúa Bắc Thơm số 7 và IR64. Khu vực được đăng ký gồm 15 xã, phường trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Một vinh dự lớn, nhưng cũng là thử thách không nhỏ, bởi đi kèm với danh xưng là nghĩa vụ kiểm soát chất lượng, quản lý quy trình, định vị thương hiệu.

Nhiều năm trôi qua, “tấm áo chỉ dẫn địa lý” ấy dường như vẫn treo lơ lửng trong tủ kính, chưa có một ai mạnh dạn khoác lên vai. Cho đến năm 2018, vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” theo đúng quy định. Những văn bản hành chính liên tiếp được ban hành, những hội thảo được tổ chức, nhưng điều còn thiếu lại chính là một hệ thống liên kết thật sự, một cánh tay nối dài từ đồng ruộng đến thị trường.

Trong khi đó, ở ngoài kia, trên thị trường, cụm từ “gạo Điện Biên” bị dùng một cách rộng rãi, đôi khi thiếu kiểm soát. Những bao gạo mang nhãn “Tám Điện Biên”, “Séng Cù Điện Biên” tràn ngập các trang thương mại điện tử, cửa hàng, thậm chí chợ truyền thống, nhưng không ai chắc chắn được đó có thực sự là gạo được trồng trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý, hay có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đặc thù.

Nông dân tất bật thu hoạch lúa giữa mùa vàng rực rỡ. Ảnh: Đức Bình.

Nông dân tất bật thu hoạch lúa giữa mùa vàng rực rỡ. Ảnh: Đức Bình.

Giá cả thì muôn hình vạn trạng, có nơi còn rẻ hơn giá gốc tại các HTX trong vùng, một nghịch lý đau lòng. Tình trạng “mượn danh”, “gắn mác”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của sản phẩm thật mà còn làm xói mòn niềm tin của chính những người nông dân đã đổ mồ hôi trên đồng ruộng.

“Vết xước” sau ánh hào quang của thương hiệu

Khi Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên” chính thức khởi động vào năm 2019, người ta từng tin rằng, đó sẽ là “bản đồ vàng” mở lối cho hạt gạo quý bước ra thị trường lớn, sánh vai cùng những đặc sản quốc gia. Mô hình chuỗi khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến truy xuất nguồn gốc, được kỳ vọng sẽ là nền móng cho một thương hiệu mạnh, đủ sức lan tỏa.

Nhưng giữa lý thuyết và thực tế, lại là một hành trình gian nan mà không phải ai cũng đủ sức đi đến cuối con đường.

Một trong những “người mở đường” đầy khát vọng là Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, với 50 ha vùng nguyên liệu đặt tại xã Thanh An, huyện Điện Biên. Doanh nghiệp này không chỉ là đơn vị đầu tiên được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “gạo Điện Biên” (giai đoạn 2018-2023), mà còn là nơi gìn giữ những giá trị chuẩn mực nhất của chuỗi sản xuất: từ việc cấp giống, hỗ trợ phân bón hữu cơ, đưa máy móc vào canh tác đến tổ chức giám sát chất lượng từng lô ruộng.

Sau 5 năm âm thầm đồng hành cùng nông dân, Safe Green buộc phải dừng lại. Không phải vì chất lượng sản phẩm, mà vì thương hiệu mà họ bảo vệ, rốt cuộc lại không được ai bảo vệ.

“Chúng tôi được cấp quyền chỉ dẫn địa lý cho giống Bắc Thơm số 7 và IR64, nhưng trên thị trường thì ‘Gạo Tám Điện Biên’ mới là cái tên được biết đến rộng rãi. Trớ trêu thay, chúng tôi lại không được phép dùng cái tên ấy, còn nhiều nơi khác thì cứ vô tư sử dụng, thậm chí bán gạo trộn, chất lượng kém, vẫn gắn mác Điện Biên”, chị Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Safe Green, chia sẻ trong niềm tiếc nuối.

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Ảnh: Tú Thành.

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Ảnh: Tú Thành.

Câu chuyện về một thương hiệu gạo từng được cất công "thắp lửa” nhưng rồi bị thổi tắt giữa gió ngược thị trường, nghe mà nao lòng. “Chúng tôi làm nghiêm túc, tuân thủ kỹ thuật, kiểm nghiệm từng lô. Mỗi sai lệch nhỏ đều phải hủy bỏ, trả về, mất trắng bao nhiêu tiền bạc và công sức. Nhưng người tiêu dùng lại không phân biệt được gạo đạt chuẩn với gạo được trộn, được tẩy, được gắn mác sai lệch. Cuối cùng, người làm thật thành kẻ lạc lõng giữa chính vùng đất của mình”, chị Hiên bùi ngùi.

Giống lúa thoái hóa. Gạo thì bị trộn. Chính sách thì triển khai dang dở. Doanh nghiệp, nếu không đủ bền gan chỉ còn cách rút lui trong lặng lẽ.

Chị Hiên kể về những ngày đầu đầy quyết tâm: “Tôi từng cấp giống, cấp phân bón, đưa máy móc vào cấy, từng cải tạo được chất lượng đất, năng suất lúa rõ rệt. Nhưng đến khi chuỗi bị đứt gãy, người dân lại quay về với cách làm cũ. Phun thuốc nhiều, gieo sạ tràn lan. Thậm chí vụ vừa rồi, cánh đồng Séng Cù sắp gặt mà vẫn trắng thuốc bảo vệ thực vật?”.

Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu, thứ tưởng chừng mơ hồ lại thành kẻ tấn công trực diện. “Năm 2019, chỉ còn đúng một tuần là đến ngày gặt, cả 50 ha lúa của tôi bị một trận mưa đá xóa sạch. Tôi chỉ biết ra ruộng, ngồi nhìn mà khóc. Không ai chống lại được thiên nhiên, nhưng càng không thể đơn độc khi cố giữ một thương hiệu trước muôn vàn thách thức”.

Giữa vùng lòng chảo Mường Thanh, chị Hiên cũng như doanh nghiệp của mình không đơn độc về tinh thần, nhưng đơn độc trong hành động. Bởi những chính sách liên kết dù đã có vẫn chưa đủ đồng bộ, chưa đủ “vai”, chưa đủ “tay”. Không ít doanh nghiệp cùng chí hướng đã bước chân vào rồi lặng lẽ rời đi.

Hiện nay, chuỗi liên kết mà chị Hiên cố gắng duy trì chỉ còn lại 25 ha với khoảng 77 hộ dân. Sản phẩm vẫn đạt chuẩn, nhưng tiêu thụ chủ yếu trong nước, chưa thể mở rộng ra bên ngoài. Lý do không nằm ở chất lượng mà nằm ở thiếu một hệ thống chính sách, pháp lý, quản lý chặt chẽ và cơ chế hỗ trợ dài hơi cho doanh nghiệp.

Nhiều sản phẩm gạo Điện Biên được bày bán tại siêu thị ở TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Tú Thành.

Nhiều sản phẩm gạo Điện Biên được bày bán tại siêu thị ở TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Tú Thành.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, dù đã có 7 sản phẩm gạo được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 chuỗi liên kết được xác nhận, nhưng diện tích sản xuất theo chuỗi còn rất hạn chế. Hầu hết các vùng trồng lúa vẫn còn manh mún, giống lúa chưa được phục tráng bài bản, áp dụng VietGAP hay hữu cơ còn nhỏ giọt, thiếu hệ thống kiểm soát chất lượng độc lập và minh bạch.

Thêm vào đó, việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch, sự chậm trễ của chính quyền cấp cơ sở trong tuyên truyền, giám sát, sự yếu kém của các HTX đại diện cho nông dân, và sự chưa đủ mạnh của chính sách dồn điền đổi thửa. Tất cả khiến bức tranh phát triển gạo Điện Biên như một cánh đồng dở dang: vụ mùa nhiều hy vọng, nhưng chưa thể kết trái trọn vẹn.

Một sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý không chỉ là “đặc sản của một vùng”, mà là biểu tượng của chất lượng, sự khác biệt và trách nhiệm bảo vệ nguồn gốc. Muốn làm được điều đó, cần nhiều hơn sự nỗ lực từ một phía.

Hạt gạo Điện Biên hôm nay không thiếu chất lượng, nhưng đang cần một hệ sinh thái đủ mạnh để nâng đỡ. Cần người nông dân đồng lòng tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cần doanh nghiệp vào cuộc đầu tư và chia sẻ lợi ích công bằng. Cần nhà nước giữ vai trò “nhạc trưởng” để điều tiết, kiểm soát và định hướng thị trường.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dinh-vi-gia-tri-gao-dien-bien-bai-2-khi-vang-thau-lan-lon-d744976.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm