Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp nhà nước nỗ lực vượt khó khăn, tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng

NDO - Sáng 15/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 68 doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trong nền kinh tế.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân15/04/2025

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, gần đây, tình hình thế giới biến động rất nhanh với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, cố gắng; toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước càng phải nỗ lực, cố gắng, vì doanh nghiệp nhà nước được xác định là giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; những lúc khó khăn phải phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Hội nghị này là dịp để chúng ta cùng nhau đánh giá tình hình mới hiện nay, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, độ mở nền kinh tế lớn, đang trong quá trình chuyển đổi, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Do đó phải đánh giá tình hình chuẩn xác để có giải pháp phù hợp, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, càng khó khăn, áp lực, càng nỗ lực; phải bình tĩnh; không hoang mang, lo sợ, hoảng hốt, nhưng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác vì từ đầu nhiệm kỳ đến nay luôn xuất hiện những khó khăn, thách thức to lớn như đại dịch Covid-19; xung đột Nga-Ukraine, đứt gãy các chuỗi cung ứng liên quan năng lượng; bão Yagi…

Doanh nghiệp nhà nước nỗ lực vượt khó khăn, tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù vậy, chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” vượt qua mọi khó khăn, thách thức; trong đó có vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp nhà nước.

Theo Thủ tướng, những khó khăn mà đất nước gặp phải vừa qua chưa thể sánh bằng những khó khăn, thách thức, nguy hiểm trước đây, nhất là sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, những năm tháng đất nước bị cấm vận.

Từ đó chúng ta phải tự tin, tự hào dân tộc, bản lĩnh để đi lên, không ngại bất cứ khó khăn, thách thức nào. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, phải tự thân vận động, phải vượt qua giới hạn bản thân; mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới mạnh mẽ quyết liệt, tự tin vượt qua; phải phát huy sáng tạo, sáng kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế để vươn lên.

Doanh nghiệp nhà nước nỗ lực vượt khó khăn, tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ảnh 2

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện 3 đột phá chiến lược; bộ tứ chiến lược trong đó thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức bộ máy; phải đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế chuyển từ trạng thái tiếp nhận thụ động, sang trạng thái tiến kịp, đi cùng, vượt lên, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phải tham gia “dẫn dắt cuộc chơi” cùng các nước trên thế giới; phải nỗ lực đạt tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là hết sức thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải nỗ lực vì không còn cách nào khác, các nước phát triển được như ngày như như Nhật Bản, Singapore, đều phải tăng trưởng cao, đột phá. Do đó phải tiến nhanh như vũ bão. Chúng ta xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá; cần nhận thức rõ, Việt Nam có vị trí địa chiến lược, dân số trẻ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên… là những lợi thế rất lớn.

Doanh nghiệp nhà nước nỗ lực vượt khó khăn, tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải vươn lên lớn mạnh, tham gia tích cực quá trình đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chúng ta cần khẳng định không chỉ có một thị trường mà có nhiều thị trường, không chỉ có động lực xuất khẩu mà các nhiều thị trường xuất khẩu; phải làm mới, đa dạng hoá thị trường; không có sản phẩm nào là duy nhất, chuỗi cung ứng duy nhất mà phải đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng; thực hiện những việc này đòi hỏi phải rất nhanh trong tình hình hiện nay.

Thủ tướng chỉ đạo cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông; chủ động đẩy nhanh đàm phán hiệp định thương mại với UAE, tiếp tục cân bằng thương mại với Trung Quốc... Mỗi người, mỗi tập đoàn, tổng công ty trên cương vị của mình phải nỗ lực, tham gia chuỗi cung ứng, 3 đột phá chiến lược mạnh mẽ hơn nữa.

Doanh nghiệp nhà nước nỗ lực vượt khó khăn, tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ảnh 4

Lãnh đạo các bộ, ngành, đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Chúng ta phải đoàn kết, thống nhất, tập trung phát huy mạnh mẽ thị trường nội địa; phải góp gió thành bão mới làm được. Thủ tướng tin tưởng với tinh thần yêu nước, trách nhiệm, chúng ta phải bàn, phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; phải bảo đảm tăng trưởng hơn 8% vì "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thủ tướng nêu rõ, có thể nói, đây là “Hội nghị Diên Hồng” đối với doanh nghiệp nhà nước khi gặp khó khăn về thương mại trên thế giới hiện nay; cho biết, nhiều chuyên gia, học giả đều khẳng định, con người vẫn là quan trọng nhất, có nghĩa là trong doanh nghiệp nhà nước, đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất. Hội nghị cần thống nhất nhận thức, hành động, phương pháp, cách làm, quyết tâm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, kiểm soát lạm phát, bảo đảm công ăn việc làm, sinh kế của người dân, từ đó đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô.

* Theo Bộ Tài chính, năm 2024, tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 671 doanh nghiệp nhà nước (gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) như sau:

Tổng tài sản: 5.656.447 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu: 2.960.993 tỷ đồng; tổng doanh thu 3.283.157 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế: 227.465 tỷ đồng…

Đối với các tập đoàn, tổng công ty (78 doanh nghiệp, số liệu theo báo cáo của Công ty mẹ), năm 2023: tổng tài sản là 1.942.295 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.167.769 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1.201.915 tỷ đồng; lãi phát sinh trước thuế đạt 101.314 tỷ đồng; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế vốn chủ sở hữu bình quân là 9%; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 5%.

Tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 123.217 tỷ đồng. Trong đó, số lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 50.578 tỷ đồng. Số lợi nhuận sau thuế đã nộp ngân sách nhà nước trong năm 2023 (bao gồm cả số năm trước chuyển sang) là 59.369 tỷ đồng.

Ước thực hiện năm 2024, kế hoạch năm 2025: tổng doanh thu ước đạt 1.811.634,15 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023. Kế hoạch năm 2025: 1.085.441 tỷ đồng; lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 188.279 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023. Kế hoạch năm 2025: 109.339 tỷ đồng; thuế và các khoản đã nộp ngân sách nhà nước là 173.155 tỷ đồng.

Tình hình đầu tư phát triển: đến hết năm 2024, các doanh nghiệp nhà nước nói chung đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh. Các dự án cơ bản đều đã được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Các dự án của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng (bằng gần 80% kế hoạch năm và bằng 130% so với cùng kỳ); trong đó, các giá trị thực hiện đầu tư của một số dự án lớn, trọng điểm như sau:

Lĩnh vực năng lượng: Đã hoàn thành Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1-Phố Nối, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối; Đang triển khai: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4; Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; chuỗi dự án điện-khí lô B.

Lĩnh vực giao thông, hàng không: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng; Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2-Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án thành phần 3-Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Trong lĩnh vực viễn thông: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và hoàn thiện các giải pháp nền tảng cho các lĩnh vực ưu tiên theo Chương trình chuyển đổi số Quốc gia; Tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia (Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Đề án Chuyển đổi số Bộ Quốc phòng); Xây dựng chiến lược kết nối quốc tế, trong đó thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng một tuyến cáp biển do Việt Nam làm chủ. Đưa vào khai thác Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Viettel hoàn thành nhiệm vụ đề án Al vượt mục tiêu đề ra. Các sản phẩm của đề án đã được ứng dụng, đưa vào trang bị phục vụ hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần hiện đại hóa Quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Tập đoàn dự kiến thực hiện 1.314 dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị với tổng mức đầu tư các dự án là 158.642 tỷ đồng, vốn đầu tư dự kiến thực hiện trong năm là 35.008 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có một số dự án lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty như Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng và Dự án Nâng cấp Hiện đại hóa Cảng Cát Lái của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Dự án đầu tư Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn VNPT...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này xác định 2 việc quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng trong doanh nghiệp nhà nước trong tình hình hiện nay; tình hình thay đổi cho nên phải có sự thay đổi. Thủ tướng nêu rõ, hiện nay cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm không nhiều trong số này nhưng lại nắm giữ lượng vật chất quan trọng trong nền kinh tế, từ đó để thấy vai trò, tầm quan trọng trong nền kinh tế đất nước, phải nhận thức tinh thần vươn lên, tự trưởng thành, phát triển ngày càng hiệu quả cùng với sự lớn mạnh của đất nước, phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa phát triển cho đất nước, đưa đất nước đạt 2 mục tiêu phát triển 100 năm vào năm 2030 và 2045.

Trong quá trình thực hiện 2 mục tiêu chiến lược này, Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện mục tiêu đất nước ổn định chính trị, ổn định lòng dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để tiếp tục phát triển; ổn định để phát triển, có phát triển mới có tiềm lực, giữ vững được độc lập, chủ quyền đất nước; có phát triển mới có đầu tư, có đầu tư mới phát triển; có phát triển mới có tiềm lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có doanh nghiệp nhà nước.

Về chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, đất nước trong thời kỳ hiện nay. Nếu không chuyển đổi số thì sẽ lạc hậu, tụt hậu, yếu kém. Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có điều kiện, tiềm lực, điều kiện, con người; phải tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số; tiên phong trong chính phát triển doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp phải tăng trưởng, có tăng trưởng mới phát triển. Yêu cầu hiện nay là tăng trưởng cao, tăng trưởng 2 con số những năm tới, do đó doanh nghiệp cũng phải tăng trưởng cao, tăng trưởng nhanh nhưng phải tăng trưởng bền vững ở những yếu tố: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, góp phần giảm nợ công, giảm nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, giảm bội chi ngân sách. Doanh nghiệp nhà nước không tăng trưởng 2 con số thì đất nước khó tăng trưởng 2 con số.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thiện các quy trình, quy định, chuẩn hoá theo chuyển đổi số chung của cả nước và của doanh nghiệp; phải xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, số hoá tài liệu, hồ sơ; từ đó mới có trí tuệ thông minh của doanh nghiệp thông qua cơ sở dữ liệu của mình. Phải phát triển hạ tầng số của các tập đoàn, tổng công ty, góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước chứ không phải rời rạc. Phải bảo đảm có sản phẩm, phải tạo ra sản phẩm số của doanh nghiệp, từ đó lãnh đạo, điều hành chuyển đổi số, phát triển sản phẩm số phù hợp phát triển doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải bảo đảm an toàn, bền vững, quản lý tốt, bảo đảm an ninh, an toàn, góp phần bảo đảm an ninh mạng quốc gia; dữ liệu là tư liệu sản xuất, sức sản xuất mới. Về nguồn nhân lực, phải xây dựng được viên chức số, góp phần xây dựng công dân số của đất nước; thể hiện con người là vốn quý nhất; con người sinh ra để quản lý các trang thiết bị, quản lý thông minh; con người sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phải thắng AI. Tất cả những điều này phải hoà quyện trong sự chuyển đổi số của đất nước, trong đó có việc tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”.

Vấn đề liên quan tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu chú ý 3 động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Trong đó, xuất khẩu hiện nay thì khó khăn nhưng thể bó tay. khó khăn, thách thức rất nhiều nhưng phải vượt qua bằng cách đa dạng hoá, mở rộng thị trường. Không phải bây giờ thị trường xuất khẩu bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch Covid-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng; phải năng động, sáng tạo trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước, phải chủ động mở rộng ra các thị trường như Trung Đông, Trung Á, Pakistan, Ai Cập…; củng cố các thị trường truyền thống.

Phải đầu tư nhiều hơn; tiết kiệm để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; các Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty phải tìm cách mở rộng đầu tư, có đầu tư mới có tăng trưởng; hiệu quả đầu tư phải cao, chỉ số ICOR phải thấp; thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội thị trường 100 triệu dân; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn; các cơ quan nhà nước phải đổi mới việc này. Nhân hội nghị, Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ví dụ như đất thải khi đào than không được đem đi sử dụng vào mục đích khác như san lấp mặt bằng; tích cực đi vào kinh tế sáng tạo; đới mới các hiệu quản, bảo đảm quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý để dành nguồn lực cho đầu tư; khai thác thị trường trong nước và phát triển ngoài nước; ổn định thị trường đầu ra, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Các tập đoàn, tổng công ty phải hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau; đánh giá, khuyến khích người tốt, dám nghĩ, dám làm; khen thưởng đúng lúc, kịp thời.

Đối với các bộ, ngành, phải rà soát, tháo gỡ vướng mắc các thể chế liên quan doanh nghiệp; đổi mới tư duy, thực hiện “cái gì biết hãy quản, không biết thì đừng quản”; phải tăng cường phân cấp, phân quyền; rà soát, loại bỏ toàn bộ thủ tục hành chính rườm rà; cắt giảm 30% chi phí, số thời gian thực hiện, số lượng thủ tục hành chính; phát triển các hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành phải hỗ trợ việc này. Góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Phải mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt chính sách tiền tệ kết hợp hài hoà, hiệu quả với chính sách tài khoá. Trong đó tập trung cho đầu tư công; giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT.

Về khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phải cắt bỏ các thủ tục rườm rà liên quan lĩnh vực này; Bộ Ngoại giao thúc đẩy Nghị quyết 59-NQ/TW để kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp trên thế giới. Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; tin chắc với khả năng của mình, các doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện tốt chuyển đổi số quốc gia; không thể không tăng trưởng, quá trình này nếu vướng mắc gì thì báo cáo lại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Nguồn: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-no-luc-vuot-kho-khan-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-va-thuc-day-tang-truong-post872487.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm