Doanh nghiệp xi măng nỗ lực vượt khó

Việt NamViệt Nam19/02/2025


“Gam màu” tối của doanh nghiệp xi măng

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung xi măng toàn quốc năm 2024 đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm so với năm trước, dẫn đến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm... Bộ Xây dựng tính toán, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95-100 triệu tấn, tăng 2-3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa 60-65 triệu tấn, xuất khẩu 30-35 triệu tấn.

Như vậy, vấn đề lớn nhất của ngành xi măng lúc này là mất cân đối lớn giữa cầu và cung. Lo ngại năng lực sản xuất xi măng dư thừa, trong khi nguồn cung đã vượt cầu vài chục triệu tấn, trong năm qua. Theo đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, việc tiêu thụ gặp khó khăn còn do những biến động phức tạp của kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine và khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, đã tạo ra áp lực lớn lên ngành xi măng Việt Nam.

Công ty cổ phần xi măng Tân Quang kiểm định chất lượng sản phẩm.

Ngoài những yếu tố trên, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than, nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng mạnh. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công chậm giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước. Thị trường xuất khẩu xi măng giảm mạnh, cùng với việc thuế suất xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, tạo áp lực lớn về giá bán và sản lượng tiêu thụ.

Theo phản ánh từ Công ty cổ phần xi măng Tân Quang, những năm trước, công ty cung cấp Clinker cho các đơn vị xuất khẩu được 20.000 - 30.000 tấn/năm. Nhưng từ 2021 đến nay công ty không bán cho đơn vị xuất khẩu được ít nào. Thị trường xuất khẩu khó khăn kéo theo thị trường tiêu thụ trong nước cũng khó. Năm 2024 sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 906.000 tấn, giảm so với năm 2023 khoảng 20.000 tấn. Năm 2025, dự kiến thị trường xi măng vẫn còn khó khăn nên công ty phấn đấu duy trì sản lượng tiêu thụ bằng năm 2024.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Để duy trì sản xuất và ổn định thị trường, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm giải pháp thích ứng, từ tối ưu hóa chi phí, đa dạng hóa thị trường đến đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Danh, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang chia sẻ: Thị trường xuất khẩu khó khăn sẽ ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ trong nước. Lúc này các doanh nghiệp chỉ còn cách tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm cũng như tìm kiếm khách hàng tiềm năng ngay tại địa phương và các tỉnh lân cận. Đây cũng là giải pháp mà công ty đang thực hiện. Ngoài ra, công ty có thêm một cái khó là chưa được cơ quan cấp Bộ phê duyệt giấy phép khai thác mỏ nên công ty phải tạm ngừng hoạt động một phần. Hiện, Công ty khắc phục bằng việc mua tạm nguyên liệu của các đơn vị khác để đưa vào sản xuất nhằm cung cấp cho các khách hàng thân thiết, khách hàng tiềm năng để giữ thị trường.  

Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Tân Quang - VVMI Lê Danh Thắng cho biết, để tiết kiệm chi phí, giảm được giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Công ty đã áp dụng công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới với dây chuyền sản xuất liên tục, khép kín từ khai thác nguyên liệu đến sản phẩm xi măng theo phương pháp lò quay, sấy khô. Dây chuyền thiết bị có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu về tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Mỗi năm, Công ty đều phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều sáng kiến, giải pháp đã được triển khai áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, Công ty có 21 giải pháp cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi cho công ty hơn 582 triệu đồng; năm 2024, công ty có 28 giải pháp cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi cho công ty là 3,1 tỷ đồng.

Cùng với đó, xi măng Tân Quang đã thực hiện hàng loạt biện pháp cải tiến công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty đã hoàn thành sửa chữa lò nung, nâng cao năng suất thiết bị, giúp tiêu hao điện năng cho clinker luôn đảm bảo định mức. Bên cạnh đó, công ty đã cải thiện quy trình sản xuất xi măng bằng cách nâng tỷ lệ phụ gia trong xi măng lên cao hơn nhiều so với kế hoạch giao ban đầu. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú (TP Tuyên Quang) cho biết: Công ty thường xuyên thực hiện các công trình xây dựng lớn, vì vậy hàng năm phải nhập từ 30.000 đến 40.000 tấn xi măng/năm. Công ty luôn tin tưởng lựa chọn xi măng Tân Quang nhờ vào chất lượng ổn định và vượt trội mà sản phẩm mang lại. Bên cạnh đó, với việc xi măng Tân Quang được sản xuất ngay tại tỉnh, công ty còn tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển, góp phần tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.

Năm 2025, các doanh nghiệp kỳ vọng vào việc thúc đẩy các dự án đầu tư công vào kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở, dự án đường cao tốc, sân bay... Ngoài ra, xu hướng xây dựng công trình xanh và phát triển năng lượng tái tạo sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu thụ xi măng để có tăng trưởng.



Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/doanh-nghiep-xi-mang-no-luc-vuot-kho-206953.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available