Bà Rophyah, ngụ xã Châu Phong cho biết, bánh truyền thống của đồng bào Chăm đa dạng và phong phú, tùy theo hình dạng và cách chế biến của từng loại mà có tên gọi tương ứng. Trong đám tiệc hoặc dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Chăm, những chiếc bánh thơm ngon là món quà quý được chủ nhà tiếp đãi khách. Mọi người dùng tiệc xong, tráng miệng bằng vài chiếc bánh ngon thể hiện sự trân trọng của chủ nhà. Cùng nhau ăn bánh, uống nước, nói chuyện vui khiến không khí đám tiệc thêm hào hứng.
Trước đây, hầu như nhà nào cũng làm bánh trong dịp trọng đại nhưng hiện nay chỉ có những người lớn tuổi hoặc sống với nghề làm bánh mới nhớ cách làm các loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm. Từ các loại bánh thông dụng như bánh bò, bánh Namparang… đến các loại bánh với cách làm công phu thường chỉ xuất hiện trong các lễ cưới hỏi hoặc dịp lễ, tết quan trọng của đồng bào Chăm như bánh gừng, bánh hột gà, bánh ngôi sao, bánh ổ chim… đều mang ý nghĩa riêng. Có những loại bánh xuất hiện trong đám cưới mang ý nghĩa chúc mừng hạnh phúc của đôi trẻ, cũng có những loại bánh xuất hiện trong ngày tết với mong muốn con cháu, gia đình sum vầy.
Đồng bào Chăm làm bánh truyền thống
Bà Hasanah, ngụ xã Châu Phong có gần 20 năm kinh nghiệm làm các loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm. Theo bà Hasanah, cách làm các loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm nói đơn giản cũng đúng mà kỳ công, phức tạp cũng không sai. Đơn giản vì các nguyên liệu để làm bánh chủ yếu gồm bột gạo, bột mì, đường, trứng gà và hầu như trong tất cả các loại bánh đều sử dụng nước cốt dừa vì sẽ làm tăng độ béo, thơm mà không ngậy của bánh. Đặc biệt, làm bánh truyền thống cần nhiều thời gian vì hầu như các công đoạn đều phải làm thủ công.
Làm bánh Namparang phải chuẩn bị nguyên liệu từ hôm trước để đến sáng hôm sau có bánh bán. Người thợ phải có kinh nghiệm, tỷ lệ pha trộn nguyên liệu vừa phải. Sau đó tráng đều bột lên mặt chảo, nhanh tay đậy nắp lại và nướng đến khi bánh chín. Những chiếc nắp đất nung được làm nóng trên bếp than để khi nướng bánh nóng cả mặt dưới lẫn mặt trên, bánh phồng lên đẹp mắt hơn. Bánh không cần phải lật mà cứ để nướng trên bếp củi đến khi vàng hai mặt, ở giữa có chóp nhỏ nở bung xốp, trước khi chín còn được rắc thêm một ít hạt mè rang. Bánh Namparang có lớp ngoài giòn, phía trong bông xốp, ngọt thanh, béo và thơm. “Làm bánh truyền thống của đồng bào Chăm cực nhưng tôi vui vì góp phần giữ được nghề và nét văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Hasanah chia sẻ.
Từ nhỏ, chị Faty, ngụ xã Châu Phong được bà và mẹ dạy làm các loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm. Nhờ học được nghề, biết làm nhiều loại bánh, chị mở gian hàng nhỏ trước nhà, bán nhiều loại bánh truyền thống cho người dân và du khách. Theo chị Faty, một chiếc bánh ngon phải là sự kết hợp giữa hương vị đậm đà, hình thức bắt mắt và màu sắc hài hòa. Do vậy người thợ phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Chị Faty làm bánh từ sáng sớm đến cuối giờ chiều mới hoàn thành rồi mang ra trước nhà bán. Bánh của chị Faty ngon nên lúc nào cũng đắt hàng. Vừa lấy bánh bán cho khách, chị Faty vừa nói: “Bình thường, tôi bán bánh không nhiều như vào tháng Ramadan. Thời điểm đó tôi làm nhiều loại bánh, mọi người vừa đến nhà mua vừa gọi điện đặt hàng mua bánh”. Cầm bịch bánh vừa mua, chị Lê Thị Mỹ Ngọc, ngụ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Các món bánh truyền thống của đồng bào Chăm ở An Giang nhìn hấp dẫn và ăn ngon. Dù chỉ vừa thưởng thức lần đầu nhưng tôi thích nên mua nhiều bánh về ăn và làm quà cho gia đình”.
Những món bánh truyền thống của đồng bào Chăm không những trở thành tinh hoa văn hóa gắn với đời sống của người dân nơi đây mà còn góp phần làm cho kho tàng văn hóa ẩm thực của Việt Nam nói chung, ẩm thực An Giang nói riêng phong phú, đa dạng.
Bài và ảnh: TRỌNG TÍN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/doc-dao-banh-truyen-thong-cua-dong-bao-cham-a424509.html
Bình luận (0)