Nếu lễ hiến trâu nhất định phải có cây nêu, thì Tết Ngã rạ của người Kor không thể thiếu đấu chiêng. Đó là lễ hội lớn nhất trong năm của người Kor, xem như rước hồn lúa từ rẫy về nhà, sau đó tổ chức ăn tết, to như Tết Nguyên đán của người Kinh.
Ông Hồ Văn Biên (bìa trái), nghệ nhân diễn tấu đấu chiêng tài hoa của người Kor (H.Trà Bồng, Quảng Ngãi). ẢNH: FACEBOOK "TRAI LÀNG"
TỤC LẠ TRONG TẾT NGÃ RẠ
Giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 âm lịch, người Kor thu hoạch lúa rẫy. Ngày trước, người Kor ở nhà dài (gọi là nóc), mỗi nóc có vài chục gia đình ở cùng nhau. Đến khi gia đình cuối cùng trong nóc mang lúa rẫy cất lên chòi là lúc các già làng định ngày làm lễ rước thần lúa, hay là tết hội mùa, còn gọi là Tết Ngã rạ người Kor.
Ngày xưa, người Kor tổ chức ăn Tết Ngã rạ rất đặc biệt. Mỗi gia đình cúng 3 ngày, mà nóc có hàng chục người thì kéo dài đến cả tháng, có khi 2 tháng mới hết cúng. Trước ngày cúng, chủ nhà làm lễ "rước hồn lúa", mang lúa chét (lúa tái sinh từ những gốc rạ) từ rẫy về để một ít trên chòi lúa, một số mang về nhà để thoa lên tay và đầu mỗi thành viên trong gia đình, sau đó mới mang gói lúa chét này ra chỗ thờ để cúng hôm sau. Làm như vậy, người Kor tin rằng sẽ cầu mong may mắn, xua đi điều xấu trong năm đã qua.
Ông Hồ Thanh Dương (69 tuổi, ở thôn Trà Lạc, xã Trà Tây, H.Trà Bồng) cho biết trong ngày cúng thứ nhất, chủ nhà có làm lễ đuổi ma xấu, rước ma tốt.
Ngày thứ 2 cúng ma cho gia đình làm ăn khá giả, mua sắm được nhiều vật dụng trong nhà; cúng các ma khác như: ma trầu, ma quế, ma trâu… với cầu mong năm mới các loài vật sinh sôi hàng đàn giúp người Kor giàu có.
Ngày thứ 3 thì cúng "đổi ma". Đó là gà, heo, cúng sống ở nhà rồi nấu chín, sau đó mang ra rẫy cúng "đổi ma", miệng la hét, đốt lửa cháy, dùng dáo, mác… đâm vào các bụi rậm đổi ma xấu đi để ma tốt về ở. Sau 3 ngày cúng, chủ nhà mới đốt rẫy và bắt đầu tỉa bắp, đậu… "Ngày trước, cúng ngã rạ là phải có đấu chiêng, kéo dài thời gian. Còn bây giờ, cúng ngã rạ có trường hợp không đấu chiêng, tổ chức ngắn ngày hơn, đơn giản hơn cho đỡ tốn kém", ông Dương cho biết.
Tiết mục diễn tấu đấu chiêng của người Kor. ẢNH: NHỊ PHƯƠNG
Ông Hồ Văn Biên (mang chiêng bên trái) trong lần biểu diễn ở lễ hội Điện Trường Bà (TT.Trà Xuân, H.Trà Bồng). ẢNH: NHỊ PHƯƠNG
NGHỆ NHÂN ĐẤU CHIÊNG TÀI HOA
Nghệ nhân được cho là đấu chiêng điêu luyện nhất của người Kor xứ quế Trà Bồng là ông Hồ Văn Biên (66 tuổi, ở xã Trà Sơn). Hầu như lễ hội nào cũng có mặt ông. Nghệ nhân Hồ Văn Biên cho biết giờ đã lớn tuổi, râu tóc đã bạc nhiều nhưng ông vẫn tham gia đấu chiêng trong Tết Ngã rạ hay các sự kiện văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức, đồng thời truyền dạy cho lớp trẻ.
Thực tế, để học được đấu chiêng và trở thành một nghệ nhân có tên tuổi như ông Biên không hề đơn giản. Người Kor cũng như các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây nguyên không có trường lớp đào tạo bài bản. Người học chỉ có thể rèn luyện bằng cách tham dự đấu chiêng thường xuyên, quan sát tỉ mỉ, lắng nghe và cảm nhận. Chỉ những ai thực sự đam mê, tinh ý mới có thể trở thành nghệ nhân dân gian tài hoa của vùng xứ quế Trà Bồng.
Nghệ nhân Hồ Văn Biên học và biết đánh chiêng từ năm 6 tuổi. Cha và anh trai giỏi đấu chiêng, nên mỗi bận diễn ra lễ hội có chiêng, trống, ông Biên đi theo để học nghệ. Nhờ vậy, từ mười mấy tuổi, ông Biên dần thuần thục các bài chiêng tấu lên chào khách, đón khách, tiễn khách, cúng thần linh, cúng ông bà… Đây chỉ là kỹ năng cơ bản, để luyện kỹ năng diễn tấu đấu chiêng, ông Biên tham gia đấu chiêng từ năm 16 tuổi. Đó là đấu chiêng trong lễ hội mùa của làng (nóc), đến tham gia các cuộc đấu chiêng được tổ chức hằng năm và ông Biên luôn là người chiến thắng.
Đồng bào Kor diễn tấu chiêng và múa điệu của dân tộc mình trong lễ ăn trâu. ẢNH: P.DUNG
Đấu chiêng luôn gay cấn, mất nhiều sức lực. ẢNH: NHỊ PHƯƠNG
Lớn lên, ông Biên tham gia biểu diễn đấu chiêng ở các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung - Tây nguyên, Liên hoan văn hóa cồng chiêng toàn quốc… Đến nay, nghệ nhân này đã nhận được 6 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cho tiết mục đấu chiêng.
Ngày nay, xứ quế Trà Bồng xem ông Biên là người nắm giữ bí quyết và kỹ thuật đánh chiêng, đấu chiêng điêu luyện, tài hoa của người Kor. Không để nghệ thuật này mai một bản sắc, ông Biên đi các thôn truyền dạy cho lớp trẻ cách đánh chiêng, đấu chiêng, với khát vọng lưu truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Kor.
Theo ông Cao Chư, nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc Kor, việc đấu chiêng thường diễn ra trong Tết Ngã rạ. Người tham gia đấu chiêng phải biết chơi thành thục các bài chiêng quen thuộc. Từ ban đầu là việc giao đấu để thử tài giữa trai làng này với làng khác trong lễ Tết Ngã rạ, để xem ai đánh chiêng hay hơn, giỏi hơn, bài bản hơn và nhất là sự ứng tác giỏi hơn, dẻo dai về thể lực trong suốt trận đấu. Nhạc cụ chiêng của người Kor gồm hai chiêng và một trống, bao gồm: một chiêng đực (còn gọi là chiêng chồng, tiếng Kor là Check ka nâu), một chiêng cái (gọi là chiêng vợ, tiếng Kor là Check kji) và một chiếc trống (Agor).
Trong đấu chiêng, chỉ chiêng đực mới được sử dụng. Hai người thách đấu ngồi đối diện nhau trên sàn, có thể xếp bằng hoặc xoạc chân. Chiêng được kê lên đùi, tay trái giữ ngang ngực, tay phải cầm dùi để gõ. Trận đấu diễn ra đầy căng thẳng và đòi hỏi sức lực, kỹ thuật điêu luyện cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa người chơi. Cuộc đấu bắt đầu khi tiếng trống mở nhịp, người đánh trước (tok) sẽ gõ chiêng theo nhịp trống, trong khi người đánh sau (tuk) phải đáp trả nhanh chóng nhưng vẫn theo đúng nhịp. Từng chuỗi âm thanh vang lên mạnh mẽ, sôi động, hòa quyện vào nhau, tạo nên những giai điệu hùng tráng vang vọng giữa núi rừng. Dân làng quây quần xung quanh, cổ vũ, hò reo, tạo không khí rộn ràng, náo nhiệt. Trận đấu chỉ kết thúc khi một trong hai người đánh sai nhịp hoặc thua sút về giai điệu, lúc đó người đó bị coi là thua cuộc.
Nguồn:
Bình luận (0)