Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể: Truyền đời hạt muối Sa Huỳnh

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng diêm dân của làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vẫn quyết giữ gìn cái nghề vất vả mà cha ông đã truyền lại.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên01/04/2025

Với ý nghĩa và giá trị bản sắc, nghề làm muối ở Sa Huỳnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 10.12.2024.

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể: Truyền đời hạt muối Sa Huỳnh- Ảnh 1.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi). ẢNH: T.HÀ

Đây là sự khẳng định giá trị văn hóa lâu đời của làng muối nổi tiếng này, giúp diêm dân có thêm động lực thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy nghề muối ở đây.

Làng muối trong không gian văn hóa Sa Huỳnh

Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Sa Huỳnh, đồng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, nên nó là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này.

Nghề muối ở Sa Huỳnh còn mang tính tập thể cộng đồng, truyền đời qua biết bao nhiêu thế hệ. Người làm muối nơi này dù đắng cay nhiều trong đời sống với nghề nhưng vẫn một lòng không bỏ nghề. Đây là nét rất khác với nhiều làng muối cổ ở Quảng Ngãi và các nơi khác, khi không sống được với nghề muối, họ sẵn sàng chuyển đổi nuôi trồng nghề khác để mưu sinh.

Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, vùng đất Sa Huỳnh trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, có vài lần đổi tên. Còn nghề muối là do các di dân từ các vùng làm nghề muối nổi tiếng từ Nghệ An, Thanh Hóa vào Sa Huỳnh và phát triển.

Thời chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong có đặt thuế điền (gọi các thứ thuế đầu nguồn, tuần ty, đầm, hồ, đò, chợ…), trong đó có thuế muối (thuế diêm điền) do Sở Tuần ty (Sở tuần) thực hiện. Ở Đức Phổ, Sở Tuần ty được đặt ở các cửa Mỹ Á (P.Phổ Quang, TX.Đức Phổ), đầm Cẩm Khê (đầm An Khê, xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ).

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể: Truyền đời hạt muối Sa Huỳnh- Ảnh 2.

Diêm dân Sa Huỳnh đưa muối vào từng bao để đưa đi xuất bán. ẢNH: P.A

Trong Đồng Khánh địa dư chí cũng có ghi chép đồng muối Sa Huỳnh, bấy giờ là làng muối Tân Diêm, sản xuất muối nhiều nhất so với các làng muối trong tỉnh Quảng Ngãi, mỗi năm bán ra ngoài khoảng 7.000 tấn, trong đó có bán cho Hương Cảng (Hồng Kông) và đặc biệt là bán cho các miền thượng.

Theo những ghi chép mà Bảo tàng Quảng Ngãi tìm thấy, dưới thời Pháp thuộc, người làm muối Sa Huỳnh chịu chung số phận bị o ép, bị mua rẻ, bán đắt. Thời đó, Pháp thu mua tất cả và bán ra giá cắt cổ gấp 10 lần, cấm mua bán tự do bên ngoài. Năm 1897, giá mua muối 0,05 đồng/tạ, bán ra 0,5 đồng/tạ. Năm 1904, mua là 0,2 đồng/tạ, bán ra là 2,1 đồng/tạ. Để vận chuyển muối, người Pháp đã mở tuyến đường sắt Bắc - Nam, xây dựng tại Sa Huỳnh một ga xe lửa.

Dù đắng cay là vậy, nhưng diêm dân ở đây vẫn không quên tổ nghề, bậc tiền nhân, người mở đất, khai sinh nghề làm muối Sa Huỳnh. Tại tổ dân phố Tân Diêm, P.Phổ Thạnh hiện nay, có miếu thờ ông tổ nghề muối. Ở miếu thờ này, diêm dân hương khói ngày ngày, không bao giờ vắng mùi trầm hương ngày rằm, mùng 1 và lễ thanh minh 16.4 âm lịch.

Làng muối Sa Huỳnh nằm ở không gian văn hóa Sa Huỳnh với các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng: Long Thạnh, Thạnh Đức (P.Phổ Thạnh) và Phú Khương (xã Phổ Khánh), có di vật mộ táng (chum, vò, nồi và mộ đất)... Vì vậy, làng muối này không thể tách rời không gian văn hóa ở đây. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng cần khai quật khảo cổ để làm rõ những di tích, di vật liên quan đến làng muối của người Sa Huỳnh cổ xưa. Làm như vậy là để tăng thêm giá trị nghề muối biển Sa Huỳnh truyền thống nằm trong vùng khảo cổ của văn hóa Sa Huỳnh.

CÔNG PHU NGHỀ MUỐI

Dân nại dại lắm ai ơi/Trời mát vào ngồi, trời nắng ra phơi! là câu ca dao trên đồng muối Sa Huỳnh, nói về nghề muối thủ công Sa Huỳnh. Cái nghề truyền đời xưa nay theo cách phơi nước phân tán và kết tinh trên nền đất, phụ thuộc vào mặt trời, để bốc hơi nước và đọng lại muối trên cánh đồng. Diêm dân Sa Huỳnh sản xuất muối từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch thì thu hoạch.

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể: Truyền đời hạt muối Sa Huỳnh- Ảnh 3.

Cửa biển Sa Huỳnh cạnh cánh đồng muối. ẢNH: T.HÀ

Theo ông Nguyễn Văn Út, diêm dân ở tổ dân phố Long Thạnh 1, để có được muối, họ đắp đê chắn sóng dẫn nước vào từng ruộng muối được be bờ cẩn thận, chia thành từng ô ruộng chừng 200 m2. Các ô ruộng muối này trước đó đã được làm vệ sinh, nện chặt, trải cát lên. Cát này đã được ngâm nước biển, phơi khô để lọc nước trong hơn, muối sẽ trắng hơn.

Việc xây dựng công đoạn này mất khoảng 2 tháng. Sau đó, diêm dân mới dẫn nước vào ruộng muối. Lúc này, hầu hết diêm dân làm việc vào buổi trưa, vì khi đó nước mặn hơn sẽ cho muối nhanh lên độ, cho đến khi độ mặn tăng dần lên từ 5g/l - 7g/l, và kết tinh thành hạt muối là 24 - 23g/l. Khi thành muối, hạt nhỏ li ti gọi là "muối rụng trứng bướm", lớp muối dày lên và xốp dần gọi là "muối hoa" và cuối cùng muối hình thành những hạt muối, to hơn.

Kinh nghiệm diêm dân Sa Huỳnh cho biết trời càng nắng gắt, nước biển bốc hơi càng nhanh, hạt muối càng to và càng trắng. Trong khi đó, muối được làm trên nền đất mang lại hương vị đặc biệt và ngon hơn so với muối làm trên nền xi măng, nền bạt. Vì vậy, phần lớn dân Sa Huỳnh hiện nay vẫn làm muối thủ công trên nền đất như truyền thống xưa nay.

Hiện nay, đồng muối Sa Huỳnh có khoảng 106 ha, với hơn 560 hộ diêm dân tham gia ở 3 tổ dân phố: Tân Diêm, Long Thạnh 1, Thạnh Đức 1 (P.Phổ Thạnh). Sản lượng muối Sa Huỳnh xuất bán ra thị trường mỗi năm khoảng 6.500 - 7.000 tấn. Các sản phẩm liên quan đến muối có nhiều loại, như: Muối hạt, muối hầm, muối tiêu, muối tre, muối hoa, muối bọt… Tuy nhiên, giá muối tăng hạ thất thường, có năm giá muối hoa chỉ 20.000 đồng/kg, muối bọt 500 đồng/kg.

Tiến sĩ Khôi đề xuất làng muối Sa Huỳnh cần được bảo tồn tính nguyên vẹn của không gian sinh tồn, hạn chế các xung đột về đô thị hóa, các hiểm họa về môi trường ô nhiễm. Trong tương lai gần, Quảng Ngãi sẽ duy trì và bảo tồn công trình kiến trúc tín ngưỡng (miếu thờ tổ nghề muối) cùng các nghi lễ trong lễ tế tổ nghề muối vào ngày 16.7 âm lịch hằng năm. Đây cũng là dịp diêm dân sẽ phục hồi lại nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng, hát bả trạo trong lễ cúng tổ nghề muối Sa Huỳnh. (còn tiếp)


Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-truyen-doi-hat-muoi-sa-huynh-18525033122192256.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm