Thực hiện nghi thức kéo lửa khai hội tại lễ hội truyền thống đền - phủ Ninh Xá. |
Đền Ninh Xá thờ Lương Bình Vương, An Nhu Vương. Theo truyền thuyết, đây là những vị con Vua Hùng về trấn trị vùng đất Đại An, giúp dân Ninh Xá khai khẩn, trồng lúa, trồng dâu, chăm tằm, dệt vải. Đến thời Lý, nơi đây còn thờ Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng, là người có tài đục, chạm đồ mộc. Ninh Hữu Hưng quê quán ở thôn Chi Phong, Trường Yên, Hoa Lư (Ninh Bình). Ông từng được Vua Đinh Tiên Hoàng giao chức Công tượng lục phủ Giám sát đại tướng quân (Vị đại tướng trông coi nghề mộc của sáu phủ). Sang thời Tiền Lê, ông tiếp tục được trọng dụng trông coi việc xây dựng nhiều công trình lớn, trong đó có Kinh đô Hoa Lư.
Theo sử sách ghi lại, trong một lần đi phò giá Vua Lê Đại Hành cày tịch điền, lúc về qua sông Sắt, vua cho đậu thuyền rồng lên thăm đền thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Thấy cảnh đền điêu tàn, Ninh Hữu Hưng bèn xin vua cho ở lại sửa đền, sửa chùa Phúc Lê (chùa Ninh Xá). Ngoài ra, thấy nơi đây đất đai trù phú, dân cư còn thưa thớt, ông đưa họ hàng từ Ninh Bình về đây khai khẩn mở mang trang ấp, dạy dân nghề mộc, chạm để kiếm sống; khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề thủ công ở địa phương. Sau này, những người dân về đây sống đều đổi sang họ Ninh nên vùng đất này có tên là Ninh Xá (làng của người họ Ninh). Bên cạnh đền là phủ thờ Đại Lan Công chúa (một vị tướng của Hai Bà Trưng). Đến nay, đền - phủ Ninh Xá vẫn còn giữ được 28 đạo sắc phong và nhiều đồ thờ có giá trị. Năm 1991, đền - phủ Ninh Xá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia".
Hiện nay, nghề mộc ở Ninh Xá tiếp tục phát triển mạnh. Làng nghề có gần 600 hộ dân hầu hết làm nghề mộc cổ truyền với sản phẩm là tượng cùng các loại đồ thờ và vật trang trí bằng gỗ như: ngai, ỷ, kiệu, hương án, bát biểu, cửa võng, cuốn thư, hoàng phi, câu đối, sập tủ… Ở nhiều công trình kiến trúc cổ còn lưu dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề với những tác phẩm chạm khắc công phu, đề tài sinh động như rồng vờn, rồng chầu mặt nguyệt, long sào (tổ rồng), mẫu long giáo tử (rồng mẹ dạy rồng con), tiên cưỡi rồng… đảm bảo sự chắc bền, thẩm mỹ với kỹ thuật gia công tinh tế, chi tiết, trở thành thương hiệu nổi tiếng của người dân Ninh Xá. Nhiều người có tay nghề giỏi, khéo léo kết hợp giữa truyền thống và năng lực sáng tạo trong quá trình chế tác đục chạm, khảm trai, tô điểm thêm những nét tinh xảo nên được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến. Nghề truyền thống được truyền dạy qua nhiều thế hệ đã mang đến cuộc sống ổn định, ấm no cho người dân, góp phần xây dựng vùng quê Ninh Xá giàu mạnh, trù phú, nức tiếng xa gần.
Để tỏ lòng biết ơn những người có công dựng làng, giữ nước, hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân Ninh Xá lại tổ chức mở hội. Lễ hội đền Ninh Xá được chia làm hai kỳ là ngày mùng 6 tháng Giêng và từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7/3 âm lịch. Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày kỷ niệm tổ nghề đặt chân tới mảnh đất này nên lễ hội được tổ chức là dịp để con, cháu các họ gần xa và những hội thợ đi làm ăn xa về quê thăm viếng tổ tiên. Hội có tế lễ rước kiệu và đặc biệt có lễ “hiến xảo" (dâng đồ khéo). Người làng nghề có sản phẩm đẹp có thể đem bày bên cạnh hương án hoặc ngoài sân. Sau kỳ lễ hội đầu tháng Giêng, vào các ngày từ mùng 5 đến mùng 7/3 âm lịch là lễ hội chính trong năm, thường kỳ 3 năm tổ chức một lần. Nét độc đáo nhất của lễ hội là nghi thức “Kéo lửa khai hội" được tổ chức vào ngày chính hội mùng 6/3 âm lịch.
Để thực hiện nghi thức “Kéo lửa khai hội", những người trong làng tham gia đã chuẩn bị những vật dụng gồm những thanh giang gác bếp hàng năm để khô và dễ cháy, 3 mảnh gỗ xoan khô để kéo lửa và những bùi nhùi rơm khô dễ bén lửa. Những người được chọn tham gia kéo lửa là những trai tân khoẻ mạnh, khéo léo, nhanh nhẹn trong làng. Từ sáng sớm mùng 6, mọi người tập trung đông đúc tại sân đền. Sau khi kết thúc lễ văn ôn lại truyền thống, các thanh niên vào vị trí để chuẩn bị kéo lửa. Tục này được tái hiện theo đúng quy luật “mộc sinh hoả" mà ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng đã vận dụng để tạo lửa. Khi ngọn lửa bùng lên, người lấy lửa phải nhanh chóng dùng bùi nhùi rơm lấy lửa. Một vị cao niên trong làng sẽ lấy ngọn lửa đó thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương. Sau đó bát hương sẽ được chuyển lên kiệu rước để rước sang chùa Lê, với ý nghĩa thành tâm tưởng nhớ đến sáng kiến tạo ra lửa của cụ tổ nghề Ninh Hữu Hưng, thuở xa xưa giúp Vua Đinh, Vua Lê nuôi quân đánh giặc, dẹp loạn, xây dựng quê hương. Người dân đi theo đoàn rước kiệu, kèn trống náo nhiệt, khí thế khắp vùng. Cùng với tục kéo lửa dâng hương khai hội, lễ hội còn có tế lễ, rước kiệu, chương trình văn nghệ, (hát chèo, hát quan họ…), các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, bóng đá… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, thưởng thức và cổ vũ nhiệt tình. Những ngày này, con cháu gần xa và nhân dân trong làng tạm dừng lao động, sản xuất, tập trung công việc của xóm, làng.
Với mỗi người dân Ninh Xá, lễ hội truyền thống đền - phủ Ninh Xá là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn", tri ân tổ nghề và những người đã có công “khai hoang mở đất", đồng thời tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá đặc sắc, tạo tinh thần phấn chấn, hứng khởi để tiếp tục làm việc, sáng tạo, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Bài và ảnh: Diệu Linh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/doc-dao-le-hoi-den-phuninh-xa-34b6d05/
Bình luận (0)