Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà Đảng và Nhà nước ta đã kiên định thực hiện.

Những điểm sáng
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, hơn 20 năm qua, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu quốc gia của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng hơn 6 lần so với năm 2008 (năm đầu tiên tổ chức xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam).
Với sự hỗ trợ của chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Nhờ đó, trong Tốp 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024 có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.
Đáng chú ý, nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Điển hình, Viettel có mặt trong “Bảng xếp hạng Tốp 500 Thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241. Tương tự, Vinamilk là doanh nghiệp góp phần làm rạng danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế khi xếp thứ 6 trong số các thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và là thương hiệu thực phẩm giá trị nhất ASEAN.
Chia sẻ chiến lược phát triển thương hiệu gắn với mục tiêu bền vững, hội nhập và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk cho biết, Vinamilk tập trung vào người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, chuyển đổi số và mở rộng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng cam kết phát triển xanh và trách nhiệm cộng đồng, khẳng định vị thế thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến chia sẻ, giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Theo Brand Finance, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2023, với 102%. Đến năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023, dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
“Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, đó còn là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu”, ông Hoàng Minh Chiến khẳng định.
Cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò then chốt
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu không chỉ là công cụ marketing, mà đã trở thành yếu tố chiến lược quyết định vị thế của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực để duy trì và phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ.
Nhận định về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA Lê Hồng Quang khẳng định, thị trường quốc tế đang ngày càng biết đến Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản và có chiều sâu.
“Việt Nam hiện đang sở hữu lực lượng doanh nghiệp sáng tạo, có khả năng tự lực vươn lên, nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn, rất cần một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có trọng tâm và ưu tiên rõ ràng. Đặt ra mục tiêu lớn chính là yếu tố đầu tiên để thúc đẩy sáng tạo, bởi khát vọng lớn sẽ dẫn đến hành động quyết liệt, trong khi những mục tiêu thấp, dễ khiến mọi nỗ lực dừng ở mức trung bình”, ông Lê Hồng Quang cho biết.
Chia sẻ về chiến lược nội bộ, ông Lê Hồng Quang cho biết, MISA luôn chủ động tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, tích cực đổi mới mô hình kinh doanh và học hỏi thực tiễn từ thị trường. Không còn tâm lý e ngại như trước, doanh nghiệp ngày nay đã sẵn sàng đổi mới, thử nghiệm và tiếp thu cái mới.
Cùng với đó, doanh nghiệp đã xây dựng các cơ chế đánh giá và bộ chỉ số nội bộ, nhằm hỗ trợ đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân sự công nghệ có thể chủ động quản lý hiệu quả năng lực đổi mới sáng tạo của chính mình.
Đánh giá vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò then chốt, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà còn ở khả năng khẳng định bản sắc, uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến, đổi mới, sáng tạo là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những biến động sâu rộng, đổi mới và sáng tạo đã trở thành yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp duy trì năng lực cạnh tranh và tạo ra những giá trị khác biệt. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/doi-moi-va-sang-tao-giup-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-700522.html
Bình luận (0)