Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng bào công giáo thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”

Việt NamViệt Nam08/04/2025


Linh mục Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa: Lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ bà con giáo dân nghèo

Đồng bào công giáo thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”

Những năm qua, với vai trò là người đứng đầu Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa, tôi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, không chỉ động viên, giúp đỡ bà con giáo dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, mà còn luôn giáo dục, răn dạy bà con giáo dân “Kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tôi còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, bà con giáo dân trong và ngoài nước đóng góp quỹ “Bác ái”. Từ nguồn quỹ này, 5 năm qua, tôi đã tổ chức hàng trăm chuyến đi thăm hỏi, tặng quà cho hàng nghìn bà con giáo dân, trị giá hơn 100,5 tỷ đồng. Cụ thể: trao 54.386 suất quà, trị giá 20,8 tỷ đồng, trao hỗ trợ xây mới 254 nhà tình thương trị giá 15,6 tỷ đồng; trao trên 14.000 suất gạo cho các gia đình nghèo trị giá 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Caritas Thanh Hóa tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, trao tặng 46 máy lọc nước và hệ thống máy lọc nước sạch trị giá trên 7,5 tỷ đồng; trao học bổng cho gần 1.000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hàng ngàn suất cơm từ thiện, hàng trăm chuyến xe “0” đồng cho bệnh nhân nghèo; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho Nhân dân. Vận động và ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt các tỉnh miền Trung (năm 2020) hơn 6 tỷ đồng; quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bão số 3 (năm 2024) hơn 5,7 tỷ đồng. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng xây dựng nhà cho 182 hộ đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Vận động, giúp đỡ Nhân dân TP Hồ Chí Minh, con em Thanh Hóa đang lao động tại một số tỉnh, thành phố phía Nam; thăm, tặng quà các khu cách ly tập trung, các giáo xứ hỗ trợ bà con nghèo tại địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19... với tổng số tiền trên 4,1 tỷ đồng. Giúp đỡ nhiều gia đình nghèo có mái ấm kiên cố nhằm ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bà Đỗ Thị Khanh, Phó trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Vĩnh Lộc: Vận động bà con giáo dân phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Đồng bào công giáo thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”

Huyện Vĩnh Lộc có 6 xứ đạo công giáo, 2 Cộng đoàn Mến Thánh giá, 24 giáo họ, với 1.690 hộ, 6.885 nhân danh. Đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong huyện sống đan xen đoàn kết ở các cộng đồng dân cư. Với truyền thống yêu quê hương, đất nước, cần cù trong lao động sản xuất, đồng bào công giáo đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động; thực hiện “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa, yêu nước”. Trên cương vị Phó trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện, tôi đã vận động bà con giáo dân chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thâm canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có trên 400 hộ công giáo có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm trở lên, có nhiều gia đình công giáo làm kinh tế giỏi.

Trong phong trào “Toàn dân chung sức XDNTM, đô thị văn minh”, gia đình tôi đã gương mẫu đi đầu đóng góp tiền, hiến đất và cùng với các Cha xứ, các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động anh em, họ hàng, đồng bào công giáo trong huyện đóng góp hàng tỷ đồng, hiến hàng nghìn m2 đất, hàng nghìn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà ở, khuôn viên nơi sinh hoạt cộng đồng. Điển hình như, Giáo xứ Pháp Ngỡ, thôn Pháp Ngỡ, xã Vĩnh Hòa - thôn có 100% đồng bào công giáo, đã vận động 71 gia đình tự nguyện hiến 2.700m2 đất ở để mở rộng đường giao thông. Hiện 100% khu dân cư có đồng bào công giáo đều đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu; hầu hết đường làng, ngõ xóm các khu dân cư đã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 95% số hộ có nhà kiên cố, 100% số hộ được dùng điện sáng. Bên cạnh đó, tôi còn vận động đồng bào công giáo hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động; đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, hủ tục... Các hoạt động của đồng bào công giáo trong huyện đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đoàn kết lương - giáo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Vĩnh Lộc thành huyện khá của tỉnh.

Ông Ngô Đức Hạnh, Chánh trương Giáo xứ Hữu Lễ, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân: Chuyển đổi nhận thức cho bà con giáo dân trong công tác bảo vệ môi trường

Đồng bào công giáo thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”

Với cương vị là Phó trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thọ Xuân, Chánh trương giáo xứ Hữu Lễ, tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức cho bà con giáo dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thông qua việc lồng ghép thông điệp BVMT vào các buổi lễ tại nhà thờ, các cuộc họp tại các giáo xứ, giáo họ và các cuộc họp tại khu dân cư (KDC). Hàng tháng hoặc vào tháng hoa, các dịp đại lễ của đồng bào công giáo, chúng tôi đều tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường trong KDC, huy động bà con giáo dân tham gia dọn dẹp đường làng, thu gom rác thải và trồng cây xanh.

Bên cạnh đó, tôi còn vận động bà con giáo dân hiến hàng trăm m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng trăm công lao động mở rộng đường giao thông; xây dựng hệ thống xử lý rác thải; thành lập tổ tự quản môi trường... Từ những hoạt động thiết thực trên, KDC của Giáo xứ Hữu Lễ đã trở thành “KDC sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” với môi trường sống trong lành, bà con giáo dân coi việc BVMT là một phần trong đời sống hàng ngày, gắn bó mật thiết với đức tin và đạo đức.

Cùng với công tác BVMT, các hoạt động an sinh xã hội là lĩnh vực mà tôi và Giáo xứ Hữu Lễ luôn dành nhiều tâm huyết. Hàng năm, chúng tôi đã vận động các nguồn lực từ giáo dân, nhà hảo tâm và các tổ chức xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo, người cao tuổi; hỗ trợ học bổng, sách vở và các dụng cụ học tập cho các em học sinh nghèo vượt khó; ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh...

Ngoài các hoạt động trên, chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho Nhân dân tại chỗ bằng cách hỗ trợ sinh kế. Ví dụ như, tặng giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo, giúp họ có phương tiện sản xuất để thoát nghèo bền vững. Riêng gia đình tôi đã tạo việc làm thời vụ cho 4 - 5 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Từ những hoạt động thiết thực trên, các hộ nghèo, hộ khó khăn trong giáo xứ đã từng bước cải thiện điều kiện sống, phong trào tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng giáo dân ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.

Ông Phạm Công Nhiên, Tổ trưởng tổ đoàn kết công giáo phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn: Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền - tổ đoàn kết công giáo và giáo dân

Đồng bào công giáo thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”

Phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn có 2 giáo xứ với gần 2.700 giáo dân. Là Ủy viên Ban Đoàn kết Công giáo thị xã Nghi Sơn, tổ trưởng tổ đoàn kết công giáo phường, tôi luôn xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư, đem lại bình yên cho cuộc sống người dân. Với tinh thần “từ thiện, bác ái, sống đạo tình thương”, tôi cùng các thành viên tổ đoàn kết công giáo đã tuyên truyền, vận động các giáo họ và bà con giáo dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, như: Ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà Đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; tham gia xây dựng hương ước của cộng đồng, các hoạt động có ích của giáo họ, giáo xứ, xây dựng khu dân cư đảm bảo trật tự, an toàn xã hội...

Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, tôi cùng các vị linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ vận động bà con giáo dân tổ dân phố Yên Châu đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng, hiến trên 500m2 đất, hàng trăm ngày công, nguyên vật liệu... mở rộng, bê tông hóa 500m đường giao thông nông thôn từ 2m lên 4m; xây dựng đường điện chiếu sáng trong khu dân cư. Vận động bà con giáo dân tích cực hưởng ứng các hoạt động từ thiện bác ái với tổng số tiền trên 50 triệu đồng.

Cùng với việc vận động bà con giáo dân chuyển đổi ngành, nghề từ làm muối sang nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 72 triệu đồng/năm, bản thân tôi và gia đình vẫn duy trì mô hình sản xuất rau sạch, nuôi thủy sản đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm. Với việc duy trì họp bàn công tác giáo hội, công tác xã hội đều đặn mỗi tháng 1 lần, tổ đoàn kết công giáo đã kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong khu dân cư, gia đình giáo dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền - tổ đoàn kết công giáo và giáo dân, thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”...

Ông Trần Văn Tiêu, Chánh trương Giáo xứ Liên Nghĩa, xã Nga Thái, huyện Nga Sơn: Xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”

Đồng bào công giáo thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”

Giáo xứ Liên Nghĩa trên địa bàn xã Nga Thái (Nga Sơn) có gần 4.000 nhân danh ở 7 giáo họ; bà con giáo dân ở xen kẽ với lương dân. Trong những năm qua, với vai trò là Chánh trương Giáo xứ, tôi đã tích cực cùng với ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư (KDC) thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân, giáo dân theo phương châm “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”; tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản ở KDC lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ phát động. Đồng thời, tuyên truyền, vận động 100% hộ giáo dân đăng ký, ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông và đăng ký thực hiện 8 nội dung mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”. Tuyên truyền tới mọi giáo dân, các nhóm, các hộ trong giáo xứ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tránh xa các tệ nạn xã hội; người công giáo tốt cũng là người công dân tốt, cung cấp nhiều thông tin giá trị, trợ giúp đắc lực cho lực lượng công an giải quyết những vụ việc phức tạp...

Nhờ các hoạt động tích cực trên, những năm qua, kinh tế Giáo xứ Liên Nghĩa có mức tăng trưởng cao, văn hóa - xã hội phát triển lành mạnh, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh bảo đảm, thu nhập bình quân đầu người (năm 2024) đạt 66,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,88%; trên 90% gia đình công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa, xã đạt chuẩn NTM; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; xã Nga Thái đạt xã an toàn về an ninh trật tự; 9/9 KDC đạt KDC tiên tiến... Kết quả đó cũng đã thể hiện sự đóng góp, vai trò tích cực, quan trọng của đồng bào công giáo trong phong trào xây dựng đô thị văn minh, xứ, họ đạo bình yên.



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dong-bao-cong-giao-thi-dua-yeu-nuoc-nbsp-song-tot-doi-dep-dao-244807.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đoàn kết vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất
Săn mây ở miền sơn cước yên bình Hang Kia - Pà Cò
Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm