Góp phần khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế, tạo động lực mới cho doanh nghiệp và người dân bứt tốc ngay từ những tháng đầu năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 4, tổng dư nợ cho vay đến 31/3 đạt 146 nghìn tỷ đồng, tăng 1,61% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 57.400 tỷ đồng, với hơn 3 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 0,09% so với năm 2024. Riêng dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,64% so với cuối năm 2024.
Nguồn vốn trên không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động, đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp kịp thời khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Nhờ đó, quý I/2025, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 18% so với cùng kỳ.
Bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
BIDV Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thế Hùng
Nhờ đó, 1 tháng trở lại đây, có 24 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm từ 0,1 - 1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, có ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất đến 7 lần trong khoảng thời gian này.
Trên địa bàn tỉnh, trong quý I/2025, lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 2,5 - 3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 3,3 - 5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và từ 5,2 - 6%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Điều này đã tạo điều kiện cho các ngân hàng tung ra các gói vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn.
Chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Vietcombank Vĩnh Phúc luôn tiên phong triển khai hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ, của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước; chủ động xây dựng các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; giao chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh cho các phòng, yêu cầu đội ngũ nhân viên sớm rà soát hồ sơ khách hàng, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn vay… góp phần hỗ trợ nền kinh tế, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.
Hiện nay, Vietcombank Vĩnh Phúc đang triển khai hàng loạt chính sách, chương trình, sản phẩm với mức lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chương trình cho vay cố định với lãi suất hấp dẫn được cố định lãi suất trong thời gian 60 tháng; chương trình cho vay lãi suất cạnh tranh dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; chương trình cho vay tiêu dùng, thấu chi hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thủ tục vay đơn giản và nhanh gọn... Nhờ đó, lũy kế tổng dư nợ của Vietcombank Vĩnh Phúc đến hết tháng 3/2025 đạt 15.560 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó hơn 10 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hơn 582 nghìn lao động.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi và phát triển, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 4 tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh thời gian xử lý.
Bên cạnh đó, không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động. Đặc biệt, không thêm các điều kiện không khả thi, không đúng quy định, gây khó khăn, phiền hà trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, nhất là việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, không được cho việc này là điều kiện vay vốn.
Tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước khu vực với các cơ quan liên quan để kiểm soát hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ các ngân hàng thương mại triển khai hạ tầng thanh toán số, khuyến khích mở rộng mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường truyền thông về cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giới thiệu các sản phẩm, tiện ích ngân hàng, góp phần nâng cao niềm tin của người dân với sự điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2025 từ 11 - 13%.
Hồng Tính
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126155/
Bình luận (0)