Thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên là địa điểm được tỉnh chọn để tổ chức lễ phát động Tết Trồng cây cấp tỉnh năm 2025, diễn ra vào ngày 3/2 vừa qua. Đây là thôn đông đồng bào dân tộc sinh sống. Trên địa bàn thôn có cá thể cây si 300 tuổi đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam, đặc biệt diện tích rừng cộng đồng của thôn lâu nay được bảo vệ và phát triển rất tốt, đời sống người dân trong thôn gắn bó với rừng, lấy rừng làm sinh kế, hình thành, gìn giữ và phát triển những nét văn hoá liên quan đến rừng.
Theo báo cáo của xã Phong Dụ, Đồng Đình có hơn 260ha diện tích rừng cộng đồng, thuộc quyền quản lý, bảo vệ của toàn thể gần 150 hộ dân trong thôn. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong thôn được giao 2-5ha rừng để trồng rừng sản xuất. Trước đây, đời sống người dân Đồng Đình gần như dựa vào rừng với nguồn thu từ việc khai thác gỗ rừng trồng, khai thác lâm sản phụ và hưởng kinh phí khoán chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên. Hiện nay, Đồng Đình đã phát triển nhiều mô hình, nghành nghề kinh tế hơn, người dân có nhiều nguồn thu hơn, đời sống khấm khá hơn, tuy nhiên với họ rừng vẫn là tư liệu sản xuất quý giá, được phát huy triệt để giá trị.
Ông Trần Quang Sinh, Bí thư, Trưởng thôn Đồng Đình cho biết: Trước đây, các hộ trồng rừng trong thôn chủ yếu trồng đại trà cây keo, cây quế và canh tác theo hướng tận thu, trồng dày và ít chăm sóc. Hiện nay, trình độ canh tác rừng của người dân tốt hơn, họ trồng đúng mật độ, quá trình trồng, chăm sóc cây có bón lót, bón thúc nên cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn. Nhiều cánh rừng keo đã được người dân để đến 7-10 năm mới khai thác, rừng quế thì trên 10 năm, trở thành những diện tích rừng gỗ lớn, giá trị cao hơn nhiều so với rừng khai thác non. Kể từ năm 2022 đến nay, theo định hướng của xã, nhiều hộ dân trồng cây bản địa, cây rừng gỗ lớn. Năm nay, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagy, nhiều cánh rừng của bà con bị đổ gãy nên người dân tranh thủ vụ trồng rừng này để tích cực trồng lại rừng, bổ sung vào những diện tích đã mất rừng do bão…
Riêng đối với diện tích trên 260ha rừng quản lý cộng đồng, thôn Đồng Đình thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng, xây dựng lực lượng chữa cháy rừng để thường trực kiểm tra bảo vệ rừng cũng như sẵn sàng phòng chống cháy khi có nguy cơ cháy xảy ra. Từ sự chủ động này, nhiều năm qua, diện tích rừng cộng đồng của thôn Đồng Đình được quản lý, bảo vệ rất tốt, cây rừng phát triển xanh tươi, đa tầng tán, không để xảy ra vụ cháy rừng hoặc tình trạng xâm hại rừng.
Nhờ bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả và phát huy kinh tế rừng, hiện nay Đồng Đình không còn hộ nghèo, cảnh quan môi trường thôn sạch đẹp, không khí trong lành. Đồng Đình đang tiến lên xây dựng thôn NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, phấn đấu trở thành điển hình địa bàn dân cư có đông đồng bào dân tộc sinh sống phát triển kinh tế rừng nhanh, mạnh, bền vững.
Nguồn
Bình luận (0)