Tháng 5 là thời điểm HS lớp 12 trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đa số các sĩ tử phải đối mặt với cường độ học tập cao, lịch học dày đặc, căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng… gây ra nhiều áp lực cho bản thân các em.
Mặt khác, các em còn phải đối mặt với những kỳ vọng lớn của gia đình, những điều đó vô tình tạo thêm gánh nặng tâm lý lên vai các em.
Với lượng kiến thức khổng lồ, HS phải căng mình trong lịch học dày đặc, từ học chính khóa, học thêm đến tự học ở nhà. Việc phân chia thời gian sao cho hợp lý giữa các môn học, giữa việc học và nghỉ ngơi trở thành bài toán khó.
“Để có thêm thời gian luyện đề và tập trung vào những môn thi quan trọng, em đã phải giảm giờ ngủ trong ngày, tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, thậm chí, những bữa cơm em cũng ăn vội vàng để dành thời gian tối đa cho ôn luyện.
Thời gian biểu của em hầu như kín cả ngày, buổi sáng em học tại trường, chiều luyện đề thi, tối tự học ở nhà. Thời gian này, hầu như ngày nào em cũng học đến 1-2h sáng. Có hôm mệt quá, ngủ gục trên bàn.
Gia đình em cũng khá kỳ vọng năm nay em sẽ đỗ Trường Đại học Y Hà Nội. Em cũng rất cố gắng và mong muốn điều đó trở thành sự thật vì em rất thích học ngành Y. Tuy nhiên, càng gần ngày thi em càng thấy áp lực tăng cao hơn rất nhiều” - em Nguyễn Thị Mai, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ về những ngày ôn thi căng thẳng của mình.
Bên cạnh áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình dường như là một gánh nặng vô hình, âm thầm đè nặng lên tâm lý của các sĩ tử.
Em Phùng Thị Linh, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội vì đây là ngôi trường Linh yêu thích và thành tích học của em khá tốt.
Linh chia sẻ: “Gia đình em đặt rất nhiều kỳ vọng vào em trong kỳ thi năm nay vì mẹ em là giáo viên nên từ nhỏ, em đã rất mong muốn sau này có thể trở thành cô giáo đứng trên bục giảng như mẹ.
Năm nay, những thay đổi trong kỳ thi cùng với guồng quay ôn tập và sự kỳ vọng của bố mẹ cũng phần nào khiến em khá lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, bố mẹ em cũng chỉ đưa ra các ý kiến, lời khuyên chứ không áp đặt. Bản thân em cũng sẽ nỗ lực hết sức để có thể đạt được kết quả cao nhất và thực hiện được ước mơ của mình”.
Không chỉ học sinh, các bậc PH cũng là những người cùng chung áp lực tinh thần trong mùa thi này. Chị Hoàng Thu Hà, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Những người làm cha mẹ đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho các con, đặc biệt là khi các con chuẩn bị bước vào một kỳ thi đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đời.
Bản thân tôi nhiều khi còn thấy căng thẳng hơn con. Cứ thấy cháu cắm cúi học ngày, học đêm là xót ruột, gia đình cũng không muốn tạo áp lực cho con, để con có tâm trạng thoải mái nhất ôn thi nên mọi người trong gia đình tôi luôn động viên con giữ sức khỏe, tâm lý tốt, nghỉ ngơi hợp lý xen giữa những giờ ôn tập căng thẳng”.
Các chuyên gia tâm lý nhận định, bất cứ PH nào cũng mong muốn con mình học tập giỏi hơn, đạt thành tích cao hơn, để sau này có cơ hội thăng tiến và cuộc sống hạnh phúc, nên tâm lý căng thẳng trong mùa thi là điều hết sức bình thường, nhưng nếu không được hỗ trợ đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh.
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn quá căng thẳng mà trở thành một bước ngoặt nhẹ nhàng trên con đường trưởng thành của các em, từ HS, gia đình, thầy cô cần cùng nhau thay đổi và hành động.
Thay vì học nhồi nhét, các em HS cần xây dựng một kế hoạch học tập khoa học, phân chia thời gian hợp lý cho từng môn, có thời gian biểu cụ thể cho việc học, nghỉ ngơi và giải trí. Hãy chia sẻ những lo lắng, khó khăn với bạn bè, thầy cô và gia đình vì khi được chia sẻ, các em sẽ thấy nhẹ nhõm, bớt lo lắng và căng thẳng hơn.
Các bậc PH nên hy vọng chứ không nên kỳ vọng, hãy hy vọng con học tập nghiêm túc và nỗ lực hết sức trong học tập. Khi con đã làm hết sức thì bố mẹ và con nên hài lòng với kết quả có được.
Thay vì giao tiếp với các con bằng “khẩu lệnh”, PH hãy động viên các con. PH nên lắng nghe con mình nhiều hơn, thay vì hỏi “con học đến đâu rồi”, hãy hỏi “con có mệt không”, “bố mẹ có thể giúp gì không”. Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại giúp các con cảm thấy được đồng hành, tiếp thêm sức mạnh, giúp con tự tin hơn khi thấy bản thân được bố mẹ tôn trọng, lắng nghe ý kiến.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một cột mốc quan trọng, nhưng cũng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Vì vậy, việc duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần ổn định và sự hỗ trợ đúng lúc, đúng cách từ gia đình, thầy cô, bạn bè, nhà trường sẽ giúp các em HS vượt qua mùa thi một cách nhẹ nhàng và đạt được những ước mơ của bản thân.
Huyền Linh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128059/Dong-hanh-cung-si-tu-buoc-vao-mua-thi
Bình luận (0)