Vững “phong độ” trước nhiều biến động
Bất chấp những bất ổn của kinh tế toàn cầu, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực. Báo cáo nhanh vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2024. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh 44,4%, lên 540 lượt. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng sôi động không kém với 1.106 giao dịch, tăng 8,3% và tổng giá trị đạt gần 1,83 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Dù vốn đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm ngoái song theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, sự gia tăng mạnh mẽ của vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã bù đắp hiệu quả cho sự sụt giảm này; đồng thời là minh chứng cho niềm tin ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Không chỉ đến để tìm cơ hội mới, nhiều doanh nghiệp FDI hiện hữu đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và chuỗi giá trị nội địa.
Quan trọng hơn, chất lượng dòng vốn được nâng lên. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU tiếp tục đầu tư mới và mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn Qualcomm (Mỹ) đã mua lại công ty phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh của VinAI, kỳ vọng xây dựng trung tâm R&D lớn thứ 3 thế giới của công ty về AI tại Việt Nam. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) mới đây đã khánh thành nhà máy hơn 1,3 tỷ USD ở Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) đang hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Mỹ và EU với quy mô dự án lên tới 1 tỷ USD.
Trong thời gian tới, ông DC Lim - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB tin rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ với xu hướng chung tích cực. Việt Nam đang đi đúng hướng, chú trọng vào các ngành công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như những lĩnh vực có giá trị sở hữu trí tuệ. Đây là những tín hiệu tích cực hướng tới tăng trưởng bền vững và lâu dài.
Nhiều doanh nghiệp FDI hiện hữu đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và chuỗi giá trị nội địa |
Cải thiện “hạ tầng mềm” để bứt phá
Song Cục Đầu tư nước ngoài đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ áp lên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam. Điều này có thể tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chuỗi cung ứng gắn với thị trường Mỹ, làm thay đổi tính toán chiến lược đầu tư trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, những nút thắt về hạ tầng logistics, năng lượng, pháp lý đất đai và chính sách thuế vẫn đang là rào cản mà nhiều doanh nghiệp FDI gặp phải khi triển khai dự án tại Việt Nam. Việt Nam đang bước vào cuộc đua FDI với những tiêu chí khắt khe hơn về chất lượng và tầm nhìn dài hạn. Các nhà đầu tư quốc tế ngày nay đặc biệt quan tâm đến tính ổn định chính trị, hệ thống chính sách minh bạch và ưu đãi rõ ràng, cùng với bộ máy điều hành thân thiện, hiệu quả.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây cũng là cơ hội, động lực để Việt Nam tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao.
Để duy trì sức hút và vươn lên trong cuộc cạnh tranh với các nước trong khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần thu hút thêm FDI vào hạ tầng trong thời gian tới, bên cạnh lĩnh vực sản xuất và bất động sản... để đa dạng hóa dòng vốn đầu tư. Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam gợi ý, bên cạnh đầu tư cho hạ tầng cứng, Việt Nam còn cần cải thiện hạ tầng mềm từ quy hoạch, thủ tục đầu tư, đến môi trường phát triển công nghiệp sản xuất bền vững.
Để tăng cường thu hút FDI, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt giải pháp, kiến nghị. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ công tác, đồng hành, hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư cho các dự án FDI lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, xây dựng cơ chế hiệu quả để thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các dự án quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng “Cổng một cửa đầu tư quốc gia” hoàn thành trong tháng 8/2025 và “Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh” sau khi sắp xếp lại cấp tỉnh…
Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư mới được sửa đổi và có hiệu lực từ đầu năm nay đã có những quy định đặc biệt, có thể gọi là “luồng xanh”. Trong đó, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đặc biệt, “vượt rào”; sản xuất các mặt hàng thuộc danh mục công nghệ cao được khuyến khích phát triển tối đa. Thêm vào đó, với việc Quỹ Hỗ trợ đầu tư được triển khai từ năm 2025, chắc chắn Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược, bà Phí Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê Bộ Tài chính khẳng định.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dong-luc-moi-trong-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-164081.html
Bình luận (0)