Không chỉ là hành vi lừa đảo kinh tế, đây còn là tội ác đối với sức khỏe và tính mạng của người dân, nhất là khi quy mô hoạt động của “hệ sinh thái” này đã diễn ra thời gian dài, với mạng lưới phân phối rộng khắp…
Vụ việc một lần nữa đặt ra câu hỏi nhức nhối: Phải chăng chúng ta đang trao quá nhiều niềm tin cho thị trường tự điều tiết, buộc người tiêu dùng phải trở nên thông thái, phải tỉnh táo tự chọn đúng sản phẩm thật trong một rừng hàng hóa, thay vì tạo ra cơ chế kiểm soát, giám sát hiệu quả từ gốc?
Thực tế, người dân không thể có đủ chuyên môn, công cụ hay quyền hạn để xác định được chất lượng, nguồn gốc thật sự của các loại thuốc, thực phẩm chức năng mà họ sử dụng hằng ngày. Những lọ thuốc có bao bì, mã vạch, số đăng ký lưu hành đầy đủ - nhưng lại chứa toàn bột sắn, bột mì, thậm chí cả các chất độc hại - là điều không ai có thể phát hiện bằng mắt thường hay tra cứu qua mạng. Vậy trách nhiệm đang thuộc về ai?
Thời gian qua, các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, thậm chí một số loại thuốc đông y lại đang được quản lý theo cơ chế “tự công bố”, doanh nghiệp chỉ cần gửi giấy tờ hợp lệ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường... còn cơ quan chức năng chỉ hậu kiểm, nếu có điều kiện hoặc khi có phản ánh. Cách quản lý này tạo ra kẽ hở cho những kẻ xấu trục lợi, trong khi người tiêu dùng lại trở thành đối tượng dễ tổn thương nhất.
Đã đến lúc cần rà soát để siết lại toàn bộ khung pháp lý và cơ chế quản lý vấn đề này. Trước hết, cần chấm dứt việc tự công bố đối với thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dược mỹ phẩm và các sản phẩm hỗ trợ điều trị. Thay vào đó, phải bắt buộc kiểm định, cấp phép tiền kiểm với quy trình chặt chẽ, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng khâu: Từ kiểm nghiệm, đánh giá thành phần, cơ sở sản xuất đến công bố lưu hành.
Thứ hai, phải đẩy mạnh xây dựng và kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử bắt buộc đối với từng sản phẩm, từng lô hàng - không chỉ để doanh nghiệp minh bạch hóa sản phẩm, mà còn để cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra, giám sát. Mỗi hộp thuốc, lọ thực phẩm chức năng cần có mã định danh riêng, truy cập được dữ liệu công khai về nơi sản xuất, kiểm nghiệm, phân phối.
Thứ ba, cần tăng cường năng lực kiểm tra đột xuất và hậu kiểm thường xuyên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng. Cơ quan chức năng không thể chỉ chờ phản ánh mới vào cuộc, mà cần có cơ chế giám sát định kỳ, có sự tham gia của lực lượng liên ngành hoặc xã hội hóa công tác kiểm định độc lập.
Quan trọng hơn, cần xây dựng một cơ chế ngăn ngừa tiêu cực trong chính đội ngũ quản lý. Những vụ việc như vụ Phạm Ngọc Tiến không thể tồn tại quá lâu nếu không có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm từ một bộ phận cán bộ quản lý.
Cuối cùng, cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ kiểm nghiệm hiện đại và nguồn nhân lực chuyên môn, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ sử dụng thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng. Vai trò của báo chí, truyền thông, tổ chức xã hội là rất quan trọng trong việc phổ biến kiến thức và kịp thời cảnh báo.
Bảo vệ người tiêu dùng, nhất là với những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là thước đo hiệu quả quản lý nhà nước. Đừng để những vụ việc như đường dây thuốc giả vừa bị triệt phá chỉ là “điểm sáng đơn lẻ” mà hãy biến chúng thành khởi đầu cho một cuộc tổng rà soát và siết chặt toàn diện, nhằm tạo dựng một thị trường minh bạch, an toàn.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dung-bat-nguoi-tieu-dung-phai-thong-thai-702827.html
Bình luận (0)