Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đường thiên lý trên đất Quảng Bình

Việt NamViệt Nam13/04/2025


(QBĐT) - Chạy dọc theo chiều dài tỉnh Quảng Bình, đường thiên lý gắn liền với lịch sử phát triển, mở mang bờ cõi, thể hiện khát vọng thống nhất đất nước.

 

Đúng như tên gọi của nó, đường thiên lý, tức đường ngàn dặm, là con đường nối liền các vùng miền đất nước từ Bắc vào Nam. Khởi phát từ đồng bằng Bắc bộ, theo tiến trình lịch sử dân tộc, đường thiên lý được mở rộng dần về cực Nam của Tổ quốc, mà đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình đã có lịch sử hình thành trên 10 thế kỷ.

 

Dặm dài lịch sử

 

Bắt đầu từ điểm cực Bắc của tỉnh tại mái phía Nam dãy Hoành Sơn, thuộc địa phận xã Quảng Đông (Quảng Trạch), gắn với di tích Hoành Sơn quan, tiếp giáp với địa phận tỉnh Hà Tĩnh, đường thiên lý men theo dọc bờ biển chạy dài đến điểm cực Nam thuộc địa phận thôn Sen Bình, Sen Thủy, Lệ Thủy, tiếp giáp tỉnh Quảng Trị. Thời Tiền Lê, năm 992, vua Lê Đại Hành đã sai quân làm đường bộ đoạn từ Hà Tĩnh đến châu Địa Lý. “Mùa thu, tháng 8, sai phụ quốc là Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý”(1). Đây được xem là mốc thời gian đầu tiên, đánh dấu quá trình khai mở đường thiên lý đoạn qua Quảng Bình. Năm 1402, Hồ Quý Ly đã huy động lượng lớn binh sĩ, dân phu mở đường thiên lý từ Hoan Châu (Nghệ An) đến Hóa Châu (Huế).

 

Từ khi giành được độc lập, triều Tiền Lê, Đinh, Lý, Trần, Lê… đã quan tâm mở mang đường thiên lý để thuận tiện cho việc giao thương, kết nối giữa các vùng cũng như việc mở mang bờ cõi. Vì đường thiên lý chủ yếu dành cho quan lại sử dụng nên có tên gọi khác là đường cái quan. Năm 1776, khi viết Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn mô tả đường thiên lý qua Quảng Bình hết sức sơ lược, chỉ có hướng đi và cảnh quan hai bên đường.“Từ Nghệ An đi về phía Nam vượt qua núi Hoành Sơn, qua các xã Thuần Thần, Phù Lưu, châu Bố Chính, đi về phía Đông đến xã Lũ Đăng thì đến sông Gianh”(2).

Đường thiên lý đi qua Quảng Bình quan trên Cửu đỉnh.
Đường thiên lý đi qua Quảng Bình quan được khắc trên Cửu đỉnh.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, năm 1801, cùng với việc củng cố hệ thống đường sá dọc tuyến đường thiên lý, vua Gia Long cho đắp sửa đường quan đoạn từ kinh đô Phú Xuân đến Động Hải (tức phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) ngày nay. “Sửa đắp đường quan từ Phú Xuân đến Động Hải”(3). Năm 1802, vua Gia Long đã sai Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định kê cứu sách vở, bản đồ cả nước, các thành dinh trấn từ đạo Kinh Sư vào Nam đến Hà Tiên, ra Bắc đến Lạng Sơn chép thành quyển Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Về đường đi từ dinh Quảng Bình đến các nơi trong dinh trấn được sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí liệt kê rất chi tiết, tỉ mỉ. Cũng trong năm này, vua Gia Long cho sửa sang đường sá, cầu cống. “Sai các địa phương Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình sửa sang hành cung và cầu cống đường sá”(4).

 

Năm Gia Long thứ 9 (1810), triều đình tiếp tục cho sửa sang cầu cống, nắn đắp những đoạn đường cong queo “Sửa cầu cống đường sá ở các dinh Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình. Vua thấy đường cũ cong queo bùn lầy, sai Giám thành sứ là Trần Văn Học đo xem thế đất, lấy dân sửa đắp, cấp cho lương ăn hàng ngày. Lại thấy trời mùa hè nóng nực, răn khiến không nên đốc thúc làm quá, để nới sức dân”(5). Sau đó 1 tháng lại cho sửa cầu Lý Hòa “Đổi dựng cầu Lý Hòa ở Quảng Bình (Cầu cũ 138 nhịp, đến nay do sông rộng 74 trượng, đổi dựng 56 nhịp, bớt cũ đi 82 nhịp), cai quản cơ Cao Công Giang trông coi công việc”(6).

 

Trong khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, các vị vua triều Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức… đều hết sức chăm lo củng cố, nâng cấp và hoàn thiện đường thiên lý. Năm 1847, vua Tự Đức chuẩn y lời tâu rằng “Bộ Công trù tính việc ban giao. Vậy dọc đường từ Thừa Thiên trở về Bắc đến Hà Nội cầu quán, đường sá mà sứ nhà Thanh sẽ để lại, đều do địa phương sở tại đến tháng 2 năm nay rỗi việc công, phải khám rõ xác thực. Chỗ nào hư hỏng thì sửa chữa, chỗ nào vỡ lở thì bồi đắp, cho được nhất loạt bền vững.…”(7).

 

Trong đó, tỉnh Quảng Bình có “5 cầu, 168 cống đá, cống nước, 4 đò ngang, từ đầu địa giới qua Quảng Lộc, Quảng Xá đến tỉnh thành. Lại qua Quảng Ninh, Quảng Cao, Quảng Khê, Quảng Yên đến tỉnh Hoành Sơn (đỉnh thì đúng hơn-NV), cuối địa giới giáp tỉnh Hà Tĩnh, gồm 6 trạm”(8). Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của tuyến giao thông huyết mạch, các vị hoàng đế triều Nguyễn hết sức chú trọng đến việc xây dựng, củng cố, mở rộng nên đường thiên lý đã dần hoàn thiện. Trong mục Đường sá tỉnh Quảng Bình, sách Đại Nam nhất thống chí mô tả cũng hết sức khái lược con đường này “Một con đường quan, phía Nam giáp địa đầu trạm Trị Lập tỉnh Quảng Trị, phía Bắc đến ải Hoành Sơn giáp địa đầu trạm Tĩnh Thần tỉnh Hà Tĩnh dài 195 dặm lẻ”(9).

 

Con đường cái quan

 

Sau khi xâm lược nước ta, để thực hiện chương trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (nhiệm kỳ 1897-1902) là người khởi xướng việc thực hiện chương trình này, trong đó có việc xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy. Trong cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mô tả đường thiên lý đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình “Đường cái quan đi qua một ngọn đèo ở ngay bên bờ biển và theo đó vượt qua các dãy núi và kéo dài liên tục. Đó là đoạn đường khó chịu nhất trên cả con đường. Ngoài những bậc thang bằng đá phải trèo lên để lên và xuống con đèo, còn phải vượt qua một đoạn dài những bãi cát lún, mà ở đó, chân ngựa ngập trong cát đến đầu gối. … Chúng tôi vượt qua vùng núi nơi người An Nam gọi là đèo Ngang”(10).

 

Năm 1912, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut (1872-1962) ký quyết định xây dựng mạng lưới đường bộ toàn Đông Dương. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ngày 18/6/1918, vị toàn quyền này tiếp tục ra nghị định xếp loại các tuyến đường bộ chính ở Đông Dương và gọi tên lần lượt là đường thuộc địa đường hàng xứ, đường thâm nhập, các đường ở nông thôn gọi là đường hàng xã. Đường thuộc địa trở thành trục chính của hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam nói riêng, toàn Đông Dương nói chung. “Riêng “Đường thuộc địa số 1” đi qua Quảng Bình, người Pháp chủ yếu dựa vào con đường thiên lý trước đây, khảo sát thiết kế lại, năm 1911 đo đạc xong trên bản đồ”(11). Ngân sách Đông Dương đài thọ xây dựng và bảo trì tuyến đường này. Theo nghị định ngày 18/6/1918, toàn Đông Dương có 18 đường thuộc địa, trong đó quan trọng nhất là Đường thuộc địa số 1 (Route Coloniale N01), hay quen gọi là Đường Thiên lý số 1.

 

Con đường này chạy dài từ biên giới Trung Hoa đến biên giới Thái Lan, nối thủ phủ các xứ thuộc Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên, được thực dân Pháp củng cố, đổ cấp phối đất sét nện theo tiêu chuẩn đường cấp 5 đồng bằng. Các đoạn đường qua đèo Ngang, đèo Lý Hòa được cải tuyến đi men theo sườn núi, hạ độ dốc thích hợp cho xe ô tô lên xuống thuận lợi. Những con sông nhỏ đều được xây dựng cầu cứng khổ hẹp, vừa một làn xe đi như Cầu Roòn, cầu Lý Hòa… Riêng đoạn sông Nhật Lệ, sông Gianh phải dùng phà 12 tấn chở xe qua sông nhưng không có ca nô mà mỗi phà có 8 thủy thủ chèo tay.

 

Năm 1913, tuyến đường này bắt đầu được sửa chữa, trùng tu liên tục. Đến ngày 1/1/1930, việc cải tạo hoàn tất với tổng chi phí lên đến 19 triệu đồng Đông Dương. Lúc này mặt đường đã được mở rộng, nhiều cầu cống đã được xây để việc di chuyển dễ dàng, thuận lợi hơn.

 

Đường thuộc địa số 1 là sự kế thừa các trục đường bộ xuyên Việt đã có từ trước, sau này trở thành Quốc lộ 1. Đó là con đường đặc biệt thể hiện khát vọng thống nhất non sông mà đoạn qua Quảng Bình biểu hiện sáng ngời của khát vọng cao cả đó.

Nhật Linh

 

(1). Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2022, tr.177.

(2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2015, tr.83.

(3), (4), (5), (6), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục,  NXB Hà Nội, Hà Nội, 2022, tập 1, tr.459, 497, 786, 788.

(7), (8) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, tập 7, tr.326.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, 2012, tập 1, tr.528.

(10) Paul Doumer, Xứ Đông Dương, NXB Thế giới, Hà Nội, 2019, tr.371.

(11) Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, Lịch sử Giao thông vận tải Quảng Bình (1945-2015), NXB Giao thông vận tải, Hà Nội, 2015, tr.47.



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/duong-thien-ly-tren-dat-quang-binh-2225585/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm